Giảm quy mô đường Trung Lương - Cần Thơ cho vừa túi tiền
Trung Lương - Cần Thơ là đường tốc độ cao (hai làn xe chính tốc độ 80 km/giờ, hai làn xe phụ 40 km/giờ), trong đó thi công trước đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, sau đó là Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tuyến đường Trung Lương - Cần Thơ sẽ được tiếp tục xây dựng từ ngày 20-12. Khi tuyến đường này hoàn thành thì thời gian đi lại từ TP.HCM đến Cần Thơ và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long sẽ được rút ngắn hơn nhiều so với hiện nay.
Theo kế hoạch, ngày 20-12-2014 bắt đầu thi công xây dựng đường tốc độ cao Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) dài 54km. Đây là tuyến đường kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Sang năm 2015 sẽ là đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Tuyến đường này được gọi là đường tốc độ cao là do mặt đường chỉ rộng 13,5m, đủ đảm bảo hai làn xe chính.
Trong đó, mỗi chiều xe lưu thông có hai làn đường gồm một làn chính rộng 3,5m cho xe chạy với tốc độ 80 km/giờ, một làn phụ rộng 2,75m cho xe chạy với tốc độ 40 km/giờ.
Quốc lộ 1 từ Trung Lương đi Cần Thơ luôn quá tải |
Đường tốc độ cao
Trước đây, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được giao cho Ngân hàng Đầu tư phát triển VN (BIDV) làm chủ đầu tư tuyến đường này (gồm bốn làn xe lưu thông).
Đến năm 2012, BIDV báo cáo Thủ tướng xin bàn giao lại dự án cho Bộ Giao thông vận tải vì sợ khả năng thu hồi vốn không đảm bảo.
Sau đó, một tổ chức quốc tế Nhật Bản và một doanh nghiệp Philippines tổ chức nghiên cứu dự án, đưa ra mức vốn đầu tư 25.000 tỉ - 28.000 tỉ đồng. Các đơn vị này cũng khẳng định vốn đầu tư quá lớn, khó thu hồi vốn.
Trước tình hình trên, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất với Bộ Giao thông vận tải phương án đầu tư xây dựng tuyến đường hai làn xe. “Tôi cho rằng đề xuất này mang tính đột phá.
Nếu làm theo cách cũ chờ có đủ vốn làm bốn làn xe thì không biết đến bao giờ chúng ta mới mở đường cao tốc từ TP.HCM về các tỉnh miền Tây” - ông Dương Tuấn Minh, tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long - đơn vị quản lý dự án, nói.
Theo ông Minh, chỉ riêng đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận dài 54km có 38 cầu vượt sông và cầu cạn với tổng chiều dài 8,1km. Tổng vốn đầu tư dự án là 14.500 tỉ đồng, dự kiến công trình hoàn thành trong năm 2018.
Hiện Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đang lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ (Vĩnh Long, Cần Thơ) dài 24km, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 7.000 tỉ đồng và hoàn thành toàn bộ vào năm 2020.
Gọi vốn từ nhà đầu tư trong nước
Ông Minh cho biết muốn vay vốn ODA thì phải đòi hỏi thời gian làm thủ tục kéo dài nhiều năm, trong khi đó yêu cầu cấp bách là cần sớm giải quyết vấn đề lưu thông quá tải trên quốc lộ 1.
Việc huy động nhà đầu tư trong nước tham gia dự án sẽ góp phần giảm gánh nặng nợ công, đồng thời thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa hạ tầng giao thông.
Ông Minh cho rằng dự án đầu tư xây dựng đường tốc độ cao từ Trung Lương đến Cần Thơ với hai làn xe lưu thông phù hợp với năng lực của các nhà đầu tư tư nhân.
Đặc biệt là việc đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức thu phí từ TP.HCM đến các tỉnh nằm trong vòng bán kính khoảng 100km sẽ đem lại hiệu quả cao, chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư.
“Tôi đơn cử, dự án đường cao tốc từ TP.HCM đến Trung Lương dài 40km thu phí 1 tỉ đồng/ngày. Còn đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 245km, nghĩa là đường cao tốc này dài gấp sáu lần đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, nhưng mức thu phí chỉ đạt 1,5 tỉ đồng/ngày” - ông Minh giải thích.
Theo ông Minh, Bộ Giao thông vận tải đang trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án này. Hiện dự án đường Trung Lương - Mỹ Thuận đã cắm xong mốc đền bù giải tỏa.
Riêng đoạn đầu của dự án kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương sẽ xây dựng nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang, đã hoàn thành đền bù giải tỏa).
“Nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn thì mức thu phí ôtô loại bốn chỗ sẽ là 1.500 đồng/km và dự kiến ba năm một lần sẽ điều chỉnh tăng mức thu phí” - ông Minh nêu rõ.
Tạo động lực cho phát triển
Theo ông Ngô Hữu Dũng - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bạc Liêu, tỉnh rất trông chờ vào tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận và tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ. Hiện từ Bạc Liêu lên TP.HCM xe phải chạy bình quân 7-8 giờ, nếu như tuyến Trung Lương - Cần Thơ hoàn thành thì có thể rút xuống còn 5 giờ.
Điều này không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn giúp các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc đầu tư tại Bạc Liêu cũng như các tỉnh khác trong khu vực. Tuyến quốc lộ 1 hiện tại khá chật hẹp, đi lại chưa hoàn toàn thuận lợi nên việc thu hút đầu tư nói chung của tỉnh cũng chưa được như mong muốn.
Ngoài ra, việc hình thành tuyến đường trên cũng sẽ tạo điều kiện để phát triển giao thông trục ngang ở đồng bằng sông Cửu Long. Riêng tỉnh Bạc Liêu có tuyến giao thông trục ngang nối với tỉnh Kiên Giang đến tận Hà Tiên, hi vọng tuyến đường sắp khởi công sẽ là động lực cho sự phát triển đồng bộ tuyến giao thông trục ngang này.
Ông Trịnh Ngọc Vĩnh - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ - cho biết cùng với đường Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án tuyến N2 từ TP.HCM kết nối với các cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống sẽ tạo thành mạng lưới giao thông quốc lộ hoàn chỉnh qua địa bàn TP Cần Thơ.
Các tuyến giao thông này tạo thành trục dọc thông suốt, góp phần chia sẻ lưu lượng và phá thế độc đạo cho quốc lộ 1, đồng thời kết nối với các trục ngang quốc lộ 91 và đường Nam Sông Hậu.
Đón cơ hội này TP Cần Thơ sẽ triển khai đầu tư xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các tuyến đường tỉnh, các trục đường đô thị chính có tính chất quan trọng để rút ngắn thời gian hành trình đi TP.HCM và các tỉnh trong khu vực.
Những công trình giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh Dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 981 triệu USD. Theo ông Phạm Hồng Quang - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (chủ đầu tư dự án), dự kiến trước Tết âm lịch 2015 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến đường cao tốc dài 55km (hiện nay đã thông xe đoạn từ Q.9 đến quốc lộ 51, dài khoảng 20km). Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (TP.HCM, Long An, Đồng Nai) có tổng mức đầu tư 1,6 tỉ USD. Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN, dự kiến công trình hoàn thành xây dựng vào năm 2018. Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh) có tổng chiều dài (cầu và đường dẫn) hơn 15km. Theo Ban quản lý dự án 7 Bộ Giao thông vận tải - đơn vị quản lý dự án, khi có cầu Cổ Chiên, đi từ TP.HCM về Bến Tre theo quốc lộ 60 đến Trà Vinh sẽ rút ngắn khoảng 70km so với đi quốc lộ 1. Hiện dự án này gặp nhiều khó khăn vì thiếu vốn. Dự án cầu Mỹ Lợi khởi công ngày 25-1-2014, với thiết kế cầu Mỹ Lợi có tổng chiều dài cầu và đường là 2,7km cho bốn làn xe lưu thông với tốc độ 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án là 1.438,9 tỉ đồng, trong đó doanh nghiệp tư nhân đầu tư BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) là 1.313 tỉ đồng. Theo Ban quản lý dự án 7, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào tháng 9-2015. Có cầu Mỹ Lợi, người dân đi từ TP.HCM về Gò Công (Tiền Giang) theo quốc lộ 50 sẽ rút ngắn khoảng 40km so với đi quốc lộ 1. |