Hà Nội: Liên tiếp cần cẩu đổ sập gây hoang mang
Rạng sáng 17/3, một chiếc cần cẩu của công trình xây khách sạn đã đổ sập vào một tòa nhà chung cư cũ trong khu tập thể Giảng Võ. Trước đó, hàng loạt vụ tai nạn do cần cẩu gãy đổ đã khiến người dân Thủ đô rất hoang mang...
Chiếc cần cẩu đổ sập, làm gãy cả cột điện lớn và đổ ập vào nhà chung cư D3 Giảng Võ, khiến người dân hoảng loạn tháo chạy giữa đêm
Vụ việc xảy ra lúc 0h5 phút đêm đã khiến một cột điện lớn bị gãy theo và khiến các hộ dân sinh sống trong tòa nhà này được một phen hoảng loạn tháo chạy giữa đêm. Vụ tai nạn đã khiến người lái cần cẩu bị thương khi đang lái cẩu nâng một thùng hàng kim loại.
Lãnh đạo công an phường Giảng Võ xác nhận vụ việc và cho biết công trình xảy ra sự cố là một khách sạn, đang trong quá trình làm móng.
Đây là một vụ việc cực kỳ nguy hiểm bởi nhà D3 Giảng Võ là một nhà chung cư cũ đã xuống cấp, nằm trong diện phải cải tạo xây dựng lại.
Ngay cách đây ít ngày, vào khoảng 3h sáng ngày 3/3/2016, một chiếc tháp cẩu đang hoạt động trong công trường trên đường Trương Định (P.Tân Mai, Q. Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ bị gãy sập.
Nhiều vụ tai nạn cần cẩu đã gây hậu quả chết người ở Hà Nội
Thời điểm trên, cần cẩu tải trọng lớn đưa nhiều thiết bị, vật liệu từ ngõ 493 nâng qua hàng rào vào công trường thì gặp sự cố khiến chiếc tháp cẩu bị gãy sập thành 3 đoạn. Vụ việc xảy ra bất ngờ khiến hàng chục người trong tổ dân phố cũng tháo chạy ra khỏi nhà vì sợ hãi. Công trường đang thi công là công trình tổ hợp dịch vụ thương mại, văn hoá thể thao, nhà ở và văn phòng cho thuê. Chủ đầu tư công trình là Công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Hà Nội. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần công nghệ nền móng và xây dựng.
Trước đó, cũng ngay đầu năm 2016 này, một chiếc cần cẩu đang thi công phần móng tại công trường xây dựng trụ sở Công an phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm – Hà Nội) bất ngờ bị đổ sập khiến 1 công nhân bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Vụ tai nạn trên xảy ra vào khoảng 11h trưa 13/1. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần thương mại Bảo Minh, đơn vị giám sát là Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghệ mới – ICT.
Một vụ sập thang máy cẩu nghiêm trọng khác đã xảy ra vào khoảng 10h30 ngày 4/12/2015, tại chung cư ở số 52 Lĩnh Nam (phường Lĩnh Nam - Hoàng Mai - Hà Nội) khiến 3 người tử vong.
Vào thời điểm trên, một nhóm công nhân đang vận hành chiếc thang máy tải vật liệu xây dựng, thang máy tải vật liệu bất ngờ đổ sập xuống đất. Nhiều người dân ở khu vực kể lại, vào thời điểm trên, họ nghe thấy tiếng rầm lớn vang lên ở tòa nhà, chạy ra thì nhìn thấy chiếc thang máy cẩu vật liệu đổ xuống dưới đất.
Sau khi xảy ra tai nạn, lực lượng chức năng có mặt phong tỏa hiện trường. Nạn nhân người bị thương được đưa lên xe taxi đi cấp cứu. Tòa nhà xảy ra sự việc đang xây dựng đến tầng 30. Đây là tổ hợp trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở hỗn hợp triển khai tại số 52 Lĩnh Nam do Công ty Cổ phần Lilama Hà Nội (Tổng công ty Lilama) làm chủ đầu tư.
Trước đó, hồi tháng 5/2015, tại đường Cầu Giấy, Hà Nội, một chiếc cần cẩu thuộc dự án đường sắt trên cao bất ngờ đổ sập làm một thai phụ và một người đi đường bị thương.
Như vậy, có thể thấy, tai nạn cần cẩu đang là một mối nguy hiểm luôn rình rập, treo lơ lửng trên đầu người dân Thủ đô mà không thể biết nó có thể sập xuống lúc nào.
Nhiều công trình vi phạm quy định
Nhiều công trình, cần cẩu chĩa ra ngoài đường, nơi lượng người lưu thông rất cao (ảnh chụp trên đường Nguyễn Chí Thanh)
Theo quy định, đối với công trường có sử dụng cần trục tháp, thiết kế tổng mặt bằng công trường xây dựng phải thể hiện giới hạn vùng nguy hiểm vật rơi do việc lắp dựng, nâng hạ, vận hành cần trục. Trên công trường phải có biển báo theo quy định, đồng thời niêm yết sơ đồ tổng mặt bằng công trường xây dựng.
Đối với mặt bằng chật hẹp, ưu tiên sử dụng cần trục leo trong, cần trục có tay cần dạng nâng hạ, cánh tay cần điều chỉnh tầm với bằng cách nâng lên hạ xuống, có đối trọng đặt trên cao hoặc bên dưới nhưng sát với thân tháp đứng.
Ngoài ra, quy định cũng nêu rõ phải đảm bảo an toàn cho khu vực ngoài phạm vi công trường xây dựng trong trường hợp khi vận hành cần trục tháp, vùng nguy hiểm vật rơi vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng.
Chủ đầu tư công trình tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch vận hành cần trục, trong đó phải xác định rõ các thông tin: Thời gian cụ thể mà khi vận hành, vùng nguy hiểm vật rơi do các bộ phận của cần trục và vật tải tạo ra vượt ra khỏi phạm vi công trường xây dựng. Phạm vi đường giao thông công cộng, những công trình hạ tầng kỹ và các công trình khác nằm trong vùng nguy hiểm vật rơi. Biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình trong vùng nguy hiểm vật rơi ngoài phạm vi công trường xây dựng. Chủ đầu tư phải liên hệ trước với các đơn vị có liên quan nơi có công trình để phối hợp thực hiện các công tác đảm bảo an toàn như ngăn đường giao thông, di dời tạm thời người trong các công trình trong vùng nguy hiểm, tổ chức rào chắn, đặt biển báo, làm mái che bảo vệ trong suốt thời gian vận hành.
Tuy nhiên, nếu xét theo quy định trên thì có thể thấy nhiều công trình đang xây dựng tại Hà Nội đã vi phạm các quy định về sử dụng cần cẩu vật liệu công trình, gây nguy hiểm cho người dân.
Trên thực tế, hồi tháng 5/2015, Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì đã tiến hành kiểm tra đột xuất 2 công trình xây dựng nhà ở cao tầng đang sử dụng cẩu tháp nằm ngay sát trục đường Lê Văn Lương, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân là công trình nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại (HACC1 Complex Buiding) ở 26 Lê Văn Lương, do Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần xây dựng số 1, Chi nhánh xây lắp và vật liệu xây dựng và công trình Tổ hợp khu nhà ở, dịch vụ thương mại Golden Palace ở ô đất C3, đường Lê Văn Lương (do Tổng công ty Đầu tư hạ tầng và Phát triển đô thị - UDIC làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng Hoàng Cường). Kết quả kiểm tra cho thấy có sai phạm ở cả hai công trình.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Quản lý kỹ thuật và Giám định chất lượng Sở Xây dựng Hà Nội, với những công trình có sử dụng cẩu tháp có bán kính hoạt động ngoài phạm vi công trình, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn của người dân bên ngoài, Sở đã có văn bản chỉ đạo tới tất cả các chủ đầu tư, chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, đồng thời phải đảm bảo đầy đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới, hướng dẫn an toàn nhưng nhiều đơn vị đã không chấp hành nghiêm túc những quy định này dẫn đến nhiều sự cố đáng tiếc.
Tuy nhiên, từ sau đợt kiểm tra đó thì trong thời gian qua, những vụ sập cần cẩu vẫn liên tiếp xảy ra gây hoang mang cho người dân Thủ đô. Nhiều người được hỏi cho biết, họ rất lo sợ khi đi qua các khu vực có công trình xây dựng và cần cẩu đang hoạt động. Tuy nhiên, họ vẫn đành phải đánh liều với mạng sống của mình khi chỉ có thể đi qua các con đường đó để trở về nhà hoặc đến cơ quan.