MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khách hàng dự án PetroVietnam Landmark "té ngửa" khi bị chủ đầu tư đòi tiền

17-03-2016 - 16:26 PM | Bất động sản

Sáng 17/3, tiếp xúc với chúng tôi, gần 20 khách hàng đã mua nhà tại dự án PetroVietnam Landmark của Công ty CP BĐS Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) tỏ ra khá bức xúc khi nhận được văn bản của chủ đầu tư về việc bắt họ phải thanh toán thêm tiền để triển khai lại dự án.

Theo các khách hàng, trong gần 5 năm qua 400 người đã mua nhà ở tại dự án này, người thanh toán thấp nhất cũng đã trên 70% giá trị căn nhà. Tuy nhiên, trong ngần ấy thời gian, chủ đầu tư bặt vô âm tín, nhiều lần không tổ chức các cuộc gặp gỡ khách hàng như đã cam kết bằng văn bản. Đặc biệt, chủ đầu tư đã bỏ hoang dự án trong suốt 5 năm, hiện giờ đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp trầm trọng.

Anh Nguyễn Nam Phương, khách hàng đã mua một căn hộ tại đây với trên 1,7 tỷ đồng cho biết: "Gia đình anh đã thanh toán được 850,575 triệu đồng từ hơn 4 năm qua. Tuy nhiên, mới đây ngày 14/3/2016 PVC Land đã gửi đến anh Phương với yêu cầu phải thanh toán tiếp 340,230 triệu đồng, tương đương với 70% hợp đồng" .

Văn bản của PCV Land cũng khẳng định anh Phương chỉ mới thanh toán được 50% giá trị hợp đồng. Do vậy, PCV Land đã đề nghị khách hàng tiếp tục thanh toán đến 70% giá trị hợp đồng trong vòng 15 ngày để từ ngày nhận được thông báo trên. Đặc biệt, văn bản của PVC Land còn khẳng định khách hàng đang vi phạm hợp đồng thanh toán.

Anh Phương cho biết gia đình anh chấp nhận đóng thêm tiền để dự án được triển khai tiếp tục: "Tuy nhiên, với cách làm "giấu mặt" này, chỉ thông qua đường thư đi thư lại thì không một khách hàng nào tin tưởng được vào PVC Land. Theo hợp đồng, khách hàng đóng tiền theo tiến độ dự án, với số tiền đã đóng từ tháng 4/2012 đã đạt 50% nhưng PVC Land không triển khai gì mà tiếp tục thu tiền là hết sức vô lý", anh Phương nói.

Quá bức xúc, một khách hàng có tên Lan Anh (ngụ quận 7), đã mua 2 căn hộ tại đây với giá 1,72 tỷ đồng/căn, cho biết: "Chúng tôi không thể ngờ vào việc làm này của chủ đầu tư khi họ tiếp tục đòi gia đình tôi đóng hơn 500 triệu đồng, Trong nhiều năm qua, chúng tôi chỉ mong muốn được gặp họ để bàn bạc cách giải quyết để sớm trả lại quyền lợi cho người mua nhà. Trong khi dự án họ bỏ hoang nhiều năm trời, nhưng thời gian gần đây khách hàng liên tục nhận được các văn bản đòi thêm tiền".

Theo tìm hiểu, PetroVietnam Landmark là tổ hợp chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng... tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM. Năm 2009-2010, chủ đầu tư đã chào bán căn hộ giá trung bình 23,8 triệu/m2. Sau đó, vào quý IV/2011, chủ đầu tư hạ giá xuống còn 15,5 triệu đồng/m2 với điền kiện khách hàng phải đóng 100% giá trị hợp đồng.

Nhiều hợp đồng chủ đầu tư cam kết giao nhà cho khách hàng vào Quý IV/2012. Tuy nhiên, đã 5 năm qua, nhiều khách hàng không nhận nhà như cam kết dù đã đóng gần như 100% giá trị căn hộ.

Văn bản mới nhất vào cuối năm 2015, chủ đầu tư đã cam kết với khách hàng sẽ tái khởi động lại dự án PetroVietnam Landmark vào trung tuần tháng 2/2016. Tuy nhiên, hiện tại chủ đầu tư vẫn chưa có động tĩnh gì tại dự án.


Việc PVC Land đàm phán với Ngân hàng Liên Việt để cơ cấu lại nợ cũng không có kết quả vì ngân hàng đang kiện PVC Land tại Tòa án Nhân dân quận 1.

Việc PVC Land đàm phán với Ngân hàng Liên Việt để cơ cấu lại nợ cũng không có kết quả vì ngân hàng đang kiện PVC Land tại Tòa án Nhân dân quận 1.

Trao đổi với chúng tôi, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định rằng không có bất kỳ quy định hay luật định nào bắt buộc khách hàng mua nhà phải đóng tiền 100% cho dù với bất kỳ lý do gì. Trong các hợp đồng đã thể hiện rõ, hoặc là thanh toán 98%, hoặc 95% và đến khi chủ đầu tư hoàn tất mọi thủ tục về quyền sử dụng nhà ở thì khách hàng mới thanh toán đúng và đủ 100%.

Bên cạnh đó, với trường hợp này, chủ đầu tư đã ký cam kết giao nhà từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang dự án, đáng lẽ thành phố phải thu hồi dự án từ lâu. "Trong trường hợp anh Phương, hợp đồng ghi rõ là khách hàng sẽ được nhận nhà vào quý IV/2012 nhưng đến nay vẫn không có nhà thì người vi phạm hợp đồng trước tiên phải là chủ đầu tư", vị luật sư này cho biết.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên