MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có “tâm lý đám đông” tại khu Đông TPHCM

15-05-2015 - 10:11 AM | Bất động sản

Trong vài năm trở lại đây, chính sách phát triển hạ tầng của Thành phố đã hướng mạnh vào phía Đông với hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm đã, đang và sẽ được đầu tư. Chính điều này đang tạo điều kiện cho khu Đông “thức giấc” và diễn ra tình trạng doanh nghiệp BĐS ồ ạt bung tiền đầu tư dành quỹ đất.

Tóm tắt

- Hiện nay quỹ đất tại khu Đông đang được nhiều doanh nghiệp BĐS săn lùng như Citiland hay Nam Long,  Vạn Phát Hưng...

- Xét về cơ hội để ở và cả đầu tư, phía Đông TP. HCM đang là lựa chọn khá tốt hiện nay, vì đây là khu vực cửa ngõ Thành phố, với hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng kết nối với toàn khu vực.

- Tuy nhiên, điều quan ngại nhất là hiện nay khu vực quận 2, quận 9 rất phát triển đối với từng dự án, nhưng nhìn tổng thể chung thì ở đây rất thiếu những khu tiện ích công cộng bên ngoài quy mô lớn phục vụ cho toàn khu


Săn lùng quỹ đất

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, dự kiến đến năm 2017 nguồn cung căn hộ tại quận 2 và quận 9 sẽ tăng mạnh lần lượt là 58% và 200%. Tương tự, tổng diện tích sàn xây dựng các trung tâm thương mại dự kiến sẽ tăng 10% tại quận 2 trong vòng 3 năm tới.

“Chính do sự đột phá về hạ tầng, mà thời gian qua, dù không nằm ngoài sự khó khăn chung của thị trường, song bất động sản khu vực phía Đông vẫn luôn được khách hàng quan tâm”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cho biết.

Ông Võ Hữu Khoa, Phó tổng giám đốc Citiland, khẳng định rằng gần 15 năm qua, Citiland chỉ tập trung phát triển dự án và kinh doanh bất động sản ở khu vực Gò Gấp. Tuy nhiên, trong tình hình mới, Citiland buộc phải chuyển hướng hoạt động để nâng cao sức cạnh tranh. Theo đó, điểm đến mới trong chiến lược phát triển giai đoạn 5 năm tới là tập trung đầu tư một vài dự án tại khu Đông thành phố.

Việc thông tin Citiland chuyển hướng đầu tư về quận 2 đã làm khá nhiều nhà đầu tư trong ngành không khỏi ngạc nhiên. Nhưng nếu không tận dụng cơ hội thị trường khu vực này đang sôi động thì mình trở thành kẻ đến sau”, ông Khoa cho biết.

Chủ tịch HĐQT công ty địa ốc Nam Long, ông Nguyễn Xuân Quang cũng thừa nhận, ngoài dự án Flora Anh Đào vừa được mở bán tại quận 9, hiện đơn vị này đang phối hợp với một số nhà đầu tư chiến lược tích cực săn lùng quỹ đất tại đây cho một số dự án đầu tư trong giai đoạn tới.

Tại khu vực quận 9, quận 2 và Thủ Đức hiện có những cái tên khá thành công như: Công ty Đại Quang Minh với Khu đô thị Sala trong vùng lõi xanh của bán đảo Thủ Thiêm; NovaLand hiện có hai dự án cao cấp tại quận 2 và một dự án tại quận 9; Công ty Gia Hòa cũng mới công bố dự án 1.700 căn hộ nằm trong khu dân cư cao cấp tại quận 9.

Ngoài ra, Công ty Vạn Phát Hưng đã thông qua ý kiến cổ đông, lên kế hoạch tiến về phía Đông Sài Gòn. Năm 2015 doanh nghiệp này thanh lý quỹ đất ở quận 7, Nhà Bè đồng thời tăng vốn để dồn dòng tiền vào mục tiêu tìm cơ hội phát triển dự án nhà ở tại quận 2, 9, Thủ Đức.

Đó là chưa kể đến hai “đại gia” khác trên thị trường đang đầu tư các dự án khủng là Masteri Thảo Điền và Vinhomes Central Park, với khoảng 20.000 căn hộ được tung ra thị trường trong tương lai.

“Xét về cơ hội để ở và cả đầu tư, phía Đông TP. HCM đang là lựa chọn khá tốt hiện nay, vì đây là khu vực cửa ngõ Thành phố, với hàng loạt dự án hạ tầng được xây dựng kết nối với toàn khu vực. Hơn nữa, so với mặt bằng chung, giá bất động sản ở khu này đang ở mức hợp lý”, ông Nguyễn Xuân Lộc, Tổng giám đốc Công ty Techcom Real phân tích và cho rằng, quận 9 sẽ là địa bàn hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển nhất nếu xét ở góc độ giá cả và hạ tầng.

Hấp thụ dưới 30% mới đáng lo ngại

Bà Dương Thùy Dung, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường & Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, cho biết hiện thời mức độ tăng trưởng bất động sản tại khu Đông khá cao. Thứ hai, tăng trưởng về các gio dịch thành công trên thị trước, tức nguồn cung chào bán, đang tăng mạnh mẽ. Thứ ba, về mặt bằng giá, tuy mức tăng hiện chỉ ở tầm 3-5% so với nhiều khu vực khác.

“Theo quan điểm của tôi, hiện tại chưa thấy trên thị trường xuất hiện dấu hiệu tâm lý đám đông. Bởi vì, hầu hết những dự án đã và đang tồn tại ở đâu đều được hoạch định trước đó rất lâu. Song song đó, người mua nhà cũng đã quan tâm đến khu vực này hơn chục năm nay, khi chiến lược phát triển về khu Đông của thành phố được thực thi. Đây chỉ là thời điểm nhà đầu tư cảm thấy hợp lý để chào bán sản phẩm ra thị trường”, bà Dung nói.

Cái mà chúng tôi quan ngại nhất là hiện nay khu vực quận 2, quận 9 rất phát triển, nhưng nhìn tổng thể chung thì ở đây rất thiếu những khu tiện ích công cộng bên ngoài quy mô lớn phục vụ cho toàn khu như công viên, bệnh viện… Những cư dân trong dự án nào đấy chỉ được thụ hưởng tiện ích nội khu, ngoài ra không còn gì hơn. Do vậy Chính phủ hay thành phố cần dành một quỹ đất nhất định để phát triển những khu tiện ích công cộng như thế chứ doanh nghiệp không tự bỏ tiền ra làm”, bà Dung nói.

Về tình trạng bội cung có khả năng xảy ra hay không, bà Dung khẳng định rằng thị trường khu Đông đang tẳng trưởng là có thật, tuy nhiên chuyện bội cung không phải đáng lo ngại. Bởi vì, nếu nhìn vào khả năng hấp thụ của thị trường sẽ chứng minh được điều này. Theo đó, trong năm 2014 có khoảng 40% căn hộ cháo bán ra thị trường hiện được hấp thụ, đến quý 1-2015 số lượng này đạt ở tầm 60%, có một số dự án đạt 80%. Như vậy, nguồn cung này chưa phải là quá nhiều.

“Nếu trong năm 2015 này khả năng hấp thụ của các dự án tại khu Đông ở dưới mức 30% thì thật đáng lo ngại. Dựa trên các số liệu nghiên cứu, nếu thực tế xảy ra như thế chúng tôi lập tức có những cảnh báo với chủ đầu tư”, bà Dung giải thích thêm.

Đăng Khải

CTV - Minh Tú

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên