Không phải căn hộ hay văn phòng, đây mới là bất động sản đem lại lợi nhuận cao nhất
Theo CBRE Việt Nam, năm 2016 sẽ là tâm điểm của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bởi theo thực tế, năm 2014 thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, 2015 là tăng trưởng mạnh.
- 03-03-2016Hạ tầng giao thông "đánh thức" thị trường BĐS nghỉ dưỡng Phan Thiết
- 01-03-2016Cận cảnh "thiên đường nghỉ dưỡng" xây không phép tại vườn quốc gia Ba Vì
- 16-02-2016Khánh thành khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh Resort
- 13-02-2016BĐS nghỉ dưỡng lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư nước ngoài
Phát biểu tại hội thảo “Bất động sản nghỉ dưỡng 2016: Tiềm năng & Thách thức” diễn ra tại TP. HCM mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển của CBRE Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thông thường sẽ đi sau thị trường bất động sản truyền thống khoảng nửa năm đến 1 năm.
Theo đó, trong năm nay tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại các khu biển nghỉ dưỡng là rất khả quan. Khách tới các điểm Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc tăng đột biến qua mỗi năm với khả năng chi trả du lịch tăng rất cao, đặc biệt là chi trả cho dịch vụ du lịch 4 và 5 sao.
Do đó, công suất phòng tại phân khúc nghỉ dưỡng 4 và 5 sao tại Phú Quốc lên tới trên 90%. Đó là lí do phân khúc nghỉ dưỡng sẽ có bước phát triển đột phá trong năm 2016.
Đặc biệt, trong 3 loại bất động sản phổ biến, thì tỷ suất lợi nhuận của bất động sản hướng biển được xem là cao nhất. Đối với nhà phố, tỷ suất sinh lợi của căn hộ khoảng 3-6%/năm, văn phòng cho thuê 8-10%/năm, còn bất động sản biển là 10-16%/năm. Hiện nay, khi triển khai các dự án hướng biển, các chủ đầu tư đều cam kết mức thấp nhất là 7-8%/năm.
Ngoài ra, khả năng tăng giá của dòng sản phẩm này trong dài hạn cũng cao hơn so với các suất đầu tư bất động sản khác. Đây cũng là kênh đầu tư được dự báo sẽ tạo “sóng” và trở thành xu hướng đầu tư trong năm 2016. Đặc biệt, với quỹ đất không còn nhiều, các dự án sở hữu vị trí đẹp và tính pháp lý rõ ràng đã và đang được rất nhiều các nhà đầu tư săn đón.
Ông Đặng Hùng Võ cũng đánh giá, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn cho khả năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có điểm mạnh nhất là khung pháp lý đã không còn vướng mắc nên phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang có cơ hội phát triển vượt trội.
Trong năm 2015, từ Phú Quốc, Đà Nẵng, Cam Ranh đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính đầu tư những dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn quy mô lớn.
Nhận định về triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2016, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn khi tốc độ tăng trưởng GDP nằm trong tốp đầu các nền kinh tế thế giới.
“Năm 2015, GDP Việt Nam đạt mức tăng gần 6,68%, vượt xa mục tiêu đặt ra vào đầu năm là 6,2%. Đặc biệt, cơ cấu GDP của Việt Nam đã dịch chuyển sang các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, trong khi sự đóng góp của ngành nông, lâm, thủy, hải sản dần giảm đi. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2015, gồm cả vốn đăng ký và vốn tăng thêm, ước đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014 và lĩnh vực bất động sản chiếm trên 10% nguồn vốn này”, ông Marc nói.
Với bức tranh kinh tế tổng thể đó, ông Marc đồng ý với quan điểm, phân khúc bất động sản cao cấp như bất động sản nghỉ dưỡng và căn hộ cao cấp sẽ tiếp tục thu hút khách hàng, nhà đầu tư trong năm 2016.
Còn theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Philippines và Indonesia đang tích cực tìm kiếm để sở hữu dự án bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn nhất khu vực.
Thông qua JLL, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện của họ tại Việt Nam dưới hình thức hợp tác đầu tư hay mua lại các dự án sẵn có. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn phát triển nhiều dự án nghỉ dưỡng tại các khu vực hướng biển thông qua hình thức M&A.