MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khu Nam TP.HCM: Dân ‘ôm đất ngồi khóc!’

23-03-2016 - 09:42 AM | Bất động sản

Việc 125 ha đất thuộc khu E, khuđô thị Nam TP.HCM bị vướng quy hoạch “treo” suốt 22 năm qua sẽ được nêura tại kỳ họp HĐND TP ngày 19-4.

Người dân mong được giải tỏa

Bà Huỳnh Thị Kiều, ở đường Hoàng Đạo Thúy, xã An Phú Tây, Bình Chánh từ nhỏ đã sống cùng gia đình tại mảnh đất này. Đến năm 1994, nhà đất của bà nằm trọn trong quy hoạch khu đô thị Nam TP. Suốt 22 năm qua, nhà cửa dột nát tơi tả nhưng bà không được xây mới.

“Chính quyền địa phương đã nhiều lần xuống đo đạc rồi thông tin về việc giải tỏa nhưng chờ mãi hết năm này qua năm khác mà vẫn không thấy gì. Chúng tôi muốn dọn đi cũng không xong vì không ai dại gì mua nhà đất trong quy hoạch” - bà Kiều tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, xã An Phú Tây, có 5.000 m2 đất nằm trong quy hoạch khu Nam TP. Đất rộng, bà Vân nhiều lần muốn chuyển mục đích sử dụng nhưng do đã có quyết định thu hồi đất nên bà đành chịu. Hàng ngàn mét vuông đất suốt 22 năm trời bỏ hoang.

Nhanh chóng xác định nguồn vốn bồi thường

“Người dân sống tại khu vực này hiện nay chịu rất nhiều thiệt thòi, cuộc sống hết sức khó khăn vì quyền lợi hợp pháp về nhà đất của họ bị hạn chế. Các dự án tại khu E triển khai càng chậm thì người dân càng khổ” - ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP, đánh giá tại buổi làm việc với Ban Quản lý khu đô thị Nam TP cùng các sở, ngành và đơn vị liên quan ngày 22-3.

Theo ông Hà Phước Thắng, Trưởng ban Quản lý khu Nam TP, một trong những vướng mắc lớn nhất là hiện chưa xác định được nguồn vốn bồi thường cho các dự án. Trong 125 ha đất của khu E hiện mới chỉ bồi thường được khoảng 37%.

Ông Thắng cho hay khu E được quy hoạch có chức năng trung tâm lưu thông hàng hóa nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Nam TP. Cuối năm 2015, UBND TP quyết định giao 20 ha cho Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco) để xây dựng Bến xe Miền Tây mới. Ngoài ra, trong khu này còn có thêm các dự án xây dựng depot và ga đầu của tuyến xe buýt nhanh phía tây TP.

Trong các dự án trên, hiện mới chỉ có dự án Bến xe Miền Tây là xác định được Công ty Samco sẽ bỏ vốn đầu tư và chi trả bồi thường. Hiện TP đang đàm phán tỉ lệ góp vốn giữa phía Việt Nam và một đối tác Đài Loan. Do đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phải tạm ngưng, chỉ thực hiện đối với các hộ dân đã có hiệp thương trên địa bàn quận 7.

Phó ban Quản lý khu Nam, ông Nguyễn Văn Tươi kiến nghị TP cần thực hiện một lần các dự án nêu trên (Bến xe Miền Tây, khu depot, ga đầu của tuyến xe buýt nhanh phía tây TP và mở rộng lộ giới quốc lộ 1A) thay vì làm lẻ tẻ từng dự án để tránh trường hợp nhà dân bị giải tỏa hai lần. Ông Tươi cũng cho hay các dự án thành phần tại khu E đã có hết rồi, vấn đề là cần nhanh chóng xác định nguồn vốn cũng như chủ đầu tư là có thể bắt tay thực hiện.

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết Ban Kinh tế-Ngân sách sẽ báo cáo với Thường trực HĐND TP và sẽ nêu vấn đề này tại kỳ họp HĐND TP ngày 19-4.

Chủ tịch UBND TP.HCM kiểm tra dự án Khu đô thị Thủ Thiêm

Sáng 22-3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đi thực địa kiểm tra tiến độ thi công cơ sở hạ tầng tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu UBND quận 2 sớm giải quyết những khu vực còn vướng mặt bằng trong Khu đô thị Thủ Thiêm, bàn giao cho đơn vị thi công để các tuyến đường hoàn thành đúng kế hoạch.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, bốn tuyến đường chính của Khu đô thị Thủ Thiêm gồm đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn nhìn sang quận 1 và đường trên cao qua khu lâm viên sinh thái phía Nam. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 12.000 tỉ đồng. Đến thời điểm này đã hoàn thành 65% khối lượng công việc. Tuy nhiên, việc thi công đang vướng mặt bằng của 15 hộ dân với tổng diện tích gần 1,9 ha.

Tá Lâm

Theo Việt Hoa

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM