Mua nhà Phú Mỹ Hưng phải đóng tiền đất
Theo phán quyết của TAND TP.HCM, những người mua nhà ở Phú Mỹ Hưng tương tự trong vụ kiện phải đóng tiền sử dụng đất, thay vì Phú Mỹ Hưng đóng như trong hợp đồng.
- 17-09-2015BĐS khu Nam Sài Gòn: Ăn theo Phú Mỹ Hưng
- 11-09-2015Phú Mỹ Hưng làm hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đổi 240ha đất huyện Nhà Bè
- 08-06-2015“Chiêm ngưỡng” sự xuống cấp tại đô thị Phú Mỹ Hưng
Mới đây, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã bác đơn kiện hành chính của bà Trần Mỹ Phân. Bà Phân kiện yêu cầu tòa hủy quyết định giải quyết khiếu nại của cục trưởng Cục Thuế TP.HCM liên quan đến việc đóng tiền sử dụng đất (SDĐ) khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Người mua căn cứ vào hợp đồng
Tháng 5-2007, vợ chồng bà Phân ký hợp đồng mua một căn nhà tại khu phố Mỹ Kim 2, phường Tân Phong, quận 7 với Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng (nay là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng). Cuối năm 2008, đôi bên ký lại hợp đồng mua bán nhà trên có công chứng. Đầu năm 2009, UBND TP ra quyết định về thu hồi và giao đất cho người nhận chuyển nhượng quyền SDĐ ở của Công ty Phú Mỹ Hưng tại khu A khu đô thị mới Nam thành phố. Theo danh sách đính kèm, vợ chồng bà Phân được giao thửa đất của căn nhà trên.
Tháng 4-2014, Chi cục Thuế quận 7 thông báo về tiền SDĐ cho vợ chồng bà Phân. Thông báo này được chuyển giao cho Công ty Phú Mỹ Hưng thực hiện việc giao nhận. Vợ chồng bà Phân khiếu nại đến cục trưởng Cục Thuế TP về vấn đề thu thuế này nhưng bị bác. Vì vậy, tháng 7-2015, vợ chồng bà nộp đơn khởi kiện cục trưởng Cục Thuế TP về quyết định giải quyết khiếu nại này với lý do ông bà không có nghĩa vụ nộp tiền SDĐ như phía cơ quan thuế thông báo.
Người khởi kiện cho rằng hợp đồng mua bán nhà với Công ty Phú Mỹ Hưng có quy định về việc nộp thuế và lệ phí. Cụ thể, thuế và lệ phí liên quan đến việc mua bán ngôi nhà gồm thuế chuyển nhượng quyền SDĐ do bên bán nộp, lệ phí trước bạ và các chi phí khác do bên mua chịu trách nhiệm nộp.
Cạnh đó, dẫn Công văn 2187 ngày 2-10-2010 về việc thu tiền SDĐ đối với khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng của Thủ tướng, TP.HCM từng có hướng dẫn: “Trường hợp ký kết hợp đồng mua bán nhà ở ký từ ngày 16-11-2004 đến trước ngày 1-7-2007 (ngày Nghị định 84/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) thì nộp tiền SDĐ thực hiện theo quy định tại Điều 81 Nghị định 181/2004”. Điều 81 Nghị định 181/2004 quy định nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư dự án nhà ở tại Việt Nam bán nhà thì nhà đầu tư phải nộp số tiền chênh lệch giữa tiền thuê đất và tiền SDĐ cho Nhà nước. Vợ chồng bà mua và ký hợp đồng trực tiếp với Công ty Phú Mỹ Hưng từ tháng 5-2007 nên không phải đóng tiền SDĐ mà trách nhiệm đóng thuộc về phía công ty.
Cục Thuế căn cứ vào pháp luật
Người bị kiện đáp lại điểm a khoản 1 Điều 2 Nghị định 198/2004 của Chính phủ về thu tiền SDĐ thì đối tượng phải nộp là người được Nhà nước giao đất để sử dụng... Bà Phân được giao đất theo quyết định của UBND TP nên bà là người phải nộp thuế. Vợ chồng bà ký hợp đồng mua bán nhà năm 2007 và tháng 10-2011, Chi cục Thuế quận 7 đã ra thông báo nộp tiền SDĐ áp theo mức năm ký hợp đồng. Nhưng ông bà không thực hiện việc đóng thuế theo thông báo. Vì vậy, sau ngày 9-3-2012 phải áp giá đất năm 2013 để tính lại thuế nên ra thông báo mới cùng thông báo về tiền thuế nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Việc ông bà không nhận được thông báo đúng hạn từ Công ty Phú Mỹ Hưng không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan thuế. Từ các lý do trên, Cục Thuế TP đề nghị HĐXX bác yêu cầu khởi kiện.
Phía Công ty Phú Mỹ Hưng thì cho rằng đã giao thông báo đầy đủ, việc không nộp thuế khiến bị áp lại giá khác đối với ông bà Phân công ty không liên quan.
Tòa bác yêu cầu của nguyên đơn
HĐXX nhận định đúng như Cục Thuế trình bày rằng vợ chồng bà Phân thuộc đối tượng phải nộp tiền SDĐ. Bà Phân cho rằng bà không có trách nhiệm nộp thuế theo các nghị định đối với các dự án thực hiện bởi người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Trong khi đó, Công ty Phú Mỹ Hưng được thành lập, hoạt động theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không phải người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
HĐXX nhận thấy nếu bà cho rằng công ty có trách nhiệm nộp thuế theo hợp đồng hoặc không hoàn thành nghĩa vụ gây thiệt hại cho bà thì bà có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự. Việc Chi cục Thuế quận 7 tính giá đất ra thông báo mới là đúng quy định. Từ đó, HĐXX bác yêu cầu của người khởi kiện vì quyết định của Cục Thuế là phù hợp pháp luật.
Được biết nguyên đơn đã nộp đơn kháng cáo.
Càng chậm trễ, dân càng bất lợi
Năm 2009, tranh chấp về tiền SDĐ xảy ra tại khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và căng thẳng nhất là năm 2010. Nhiều hộ dân cho rằng trách nhiệm đóng tiền SDĐ khi làm hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền là do chủ đầu tư nhưng phía Công ty Phú Mỹ Hưng lại cho rằng là của khách hàng mua nhà. Do hai bên không thống nhất được cách giải quyết nên mọi việc đã được chuyển lên cho Chính phủ xử lý.
Ngày 2-10-2010, Thủ tướng có Công văn số 2187 và ngày 9-6-2011 UBND TP.HCM có Công văn hướng dẫn số 2709 về hướng giải quyết tranh chấp trên thì xác định đối tượng phải nộp khoản tiền SDĐ là người mua. Đồng thời, tiền SDĐ được tính vào thời điểm khách hàng ký hợp đồng với Phú Mỹ Hưng (thay vì tính tại thời điểm UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi và bàn giao đất như trước đây). Đây được coi như là một điểm thuận lợi dành cho người mua nhưng vẫn có một bộ phận cư dân Phú Mỹ Hưng không đồng ý. Các cư dân Phú Mỹ Hưng vẫn cho rằng trách nhiệm đóng tiền SDĐ là của công ty và công ty đã thu trong giá bán nhà. Không ít hộ chưa chịu đến công ty làm thủ tục đăng ký chủ quyền nhà, đất.
Từ một khu đầm lầy ở vùng ven, đến nay khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã trở thành một đô thị sầm uất ở khu Nam TP.HCM. Chính vì vậy, bảng giá đất hằng năm do Nhà nước ban hành để làm cơ sở tính giá đất, thuế đất, nghĩa vụ tài chính… của người SDĐ cũng ngày càng tăng cao. Từ năm 2008 đến nay, giá đất ở các tuyến đường trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã tăng 2-8 lần. Nếu làm hồ sơ xin cấp giấy trước thời hạn 4-11-2011, khách hàng sẽ hưởng theo giá cũ, còn đối với những trường hợp khách hàng chưa hoàn tất việc nộp hồ sơ thì số tiền phải nộp sẽ tính theo giá đất của năm 2012, có thể hơn 2-8 lần so với năm 2008.