Mùa tết ế ẩm, cò đất ngủ gật canh sàn
Những ngày cuối năm cộng với cái lạnh tê tái khiến cho sàn bất động sản càng ảm đạm. Cận Tết, người mua nhà không thấy đâu nhưng chủ đầu tư vẫn ép nhân viên ngồi trực cả thứ bảy, chủ nhật để mong kiếm thêm được khách hàng.
- 31-01-2016Kiều hối "lũ lượt" chảy vào bất động sản
- 30-01-2016Giao thông, bất động sản thưởng Tết tưng bừng
- 29-01-2016TPHCM: Bất động sản đứng đầu thu hút vốn FDI trong năm 2015
- 28-01-2016Những dự báo “táo bạo” về thị trường bất động sản toàn cầu năm 2016
- 28-01-2016Bất động sản 2016: Tiếp tục ổn định, vào chiều sâu
Lạnh lẽo sàn giao dịch
Sáng chủ nhật tại một sàn bất động sản ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bên ngoài trời mưa lạnh, nhiệt độ xuống dưới 10 độ, nhìn vào bên trong qua những ô cửa kính đã mờ vì nước mưa, hai nhân viên kinh doanh ngồi co ro, người cầm điện thoại, người gục xuống bàn ngủ. 10 giờ sáng, cả sàn không có một khách ghé thăm.
“Hôm nay, chủ đầu tư tiếp tục mở bán số căn hộ còn lại của dự án này, tuy nhiên với tình hình như khách như vậy, chắc chắn ra Tết lại phải tổ chức thêm mấy đợt mở bán nốt”, một nhân viên kinh doanh chia sẻ.
Nhiều sàn vắng khách cuối năm
Theo nhân viên kinh doanh, cận Tết nhằm khuyến khích người mua nhà, chủ đầu tư âm thầm giảm ngay 100 triệu đồng cho khách hàng. Tuy nhiên, chương trình này được “bí mật” nhằm tránh những khách mua trước kiện tụng. Mặc dù vậy, số lượng người quan tâm không nhiều.
Thực tế, dự án chung cư này đã được mở bán hơn một năm nay. Mặc dù vậy, số lượng căn hộ không bán được vẫn còn nhiều, hầu hết là những loại căn diện tích lớn hoặc vị trí không đẹp. Chủ đầu tư liên tục mở các đợt bán đặc biệt để thu hút người mua nhà nhưng hầu như số căn hộ tồn kho đều rất khó “trôi”.
“Từ ngày, nhiều chủ đầu tư mới xuất hiện, dự án mở bán ầm ầm, cũng là lúc mà dự án của mình hết sức hút. Người mua nhà dường như thờ ơ, họ so sánh đủ kiểu, thậm chí người mua bỏ ngay cọc để sang dự án khác chỉ vì tên tuổi đơn vị đó hay chương trình khuyến mãi”, anh nhân viên kinh doanh buồn rầu.
Với số lượng căn hộ tồn kho lên tới 30 căn, chủ đầu tư lẫn nhân viên đều đang đau đầu. “Tết này không bán được hàng sẽ chẳng ai vui vẻ gì, mình bị ép nên ngày mưa gió vẫn phải ngồi đây”, anh cho biết thêm.
Tiết lộ của nhân viên kinh doanh này, từ giữa năm 2015, dự án bán chậm, nhân viên kinh doanh của sàn gần 10 người đã chuyển sang các sàn khác làm việc. Hiện tại, một hai nhân viên còn ngồi đây đều là trưởng phó phòng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cao, đại diện một đơn vị môi giới cho hay, thị trường hiện tại giao dịch có chùng xuống do thời điểm cận Tết. Mặc dù sàn này vẫn hoạt động nhưng chủ yếu là đưa thông tin tới người mua nhà, còn việc giao dịch gần như là ít hẳn.
Khó giải quyết căn hộ tồn kho
Không khí hiu hắt những ngày cuối năm không chỉ ở sàn mà tại nhiều dự án chủ đầu tư cũng đang trong tình trạng tương tự. Thị trường mặc dù đã có những diễn biến tích cực nhưng tình hình thanh khoản chủ yếu vẫn là các dự án mới mở bán, còn các căn hộ mở bán từ lâu thì hầu như không giải quyết được hàng tồn kho.
Chủ đầu tư dự án ở quận Cầu Giấy chia sẻ: “Năm vừa rồi, tốn gần nửa tỷ để làm các sự kiện truyền thông để bán nốt 10 căn hộ còn lại nhưng số tiền này gần như muối bỏ bể. Quảng bá rầm rộ, chiết khấu, khuyến mại đủ kiểu nhưng mới chỉ bán được 1 căn, còn lại hầu như không có khách hỏi mua”.
Theo vị giám đốc này, 10 căn hộ với giá trị khoảng 5 tỷ/căn, thì hiện tại chủ đầu tư đang có khoản 50 tỷ trong tay mà không thể nào chuyển được thành tiền mặt. Hiện nay đang có một cuộc chiến về truyền thông, marketing giữa các chủ đầu tư. Phần thắng đang nghiêng về những đơn vị có tiềm lực về tài chính. “Hai dự án đều như nhau nhưng ai quảng cáo nhiều, xuất hiện rầm rộ trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, mở bán ở khách sạn lớn sẽ thu hút khách”.
Lý giải về việc không tổ chức tương tự các dự án khác, ông chia sẻ, số lượng căn hộ còn lại rất ít, chủ đầu tư không còn kinh phí để làm các hoạt động như vậy. Họ đành phải đi vào giá trị thực là chiết khấu ngay vào giá thành. Nhưng mọi biện pháp đều chưa đạt hiệu quả.
Kế hoạch của dự án này, nếu tháng 6/2016 vẫn chưa giải quyết xong số căn hộ tồn kho, họ sẽ chuyển sang giải pháp tình thế, cho thuê để cắt giảm tài chính.
Tính đến ngày 20/1/2016, tổng số tồn kho trên địa bàn thành phố Hà Nội khoảng 6.555 tỷ đồng (so với quý 1/2013 giảm 10.505 tỷ đồng (giảm 61,58%); so với tháng 12/2013 giảm 6.415 tỷ đồng (giảm 49,46%), so với 20/12/2015 giảm 191 tỷ đồng. Trong đó tồn kho căn hộ chung cư: 268 căn (tương đương 299 tỷ đồng); tồn kho nhà thấp tầng: 2.129 căn (tương đương 6.256 tỷ đồng).
Đánh giá của các chuyên gia, năm 2016 với nguồn cung tăng mạnh mẽ sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các chủ đầu tư.
Vietnamnet