MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2015: Nhà xã hội là trọng tâm của ngành Xây dựng

30-01-2015 - 17:32 PM | Bất động sản

Người đứng đầu ngành Xây dựng khẳng định, việc phát triển NXH sẽ tiếp tục là công việc trọng tâm của ngành trong năm 2015.

Điểm sáng 2014

Thời gian qua, một loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển NXH được ban hành đã tác động tích cực đến thị trường nhà ở nói chung và việc đầu tư xây dựng NXH nói riêng. Bắt đầu bằng Nghị quyết 02/NQ-CP (ngày 7-1-2013), được sửa đổi bằng Nghị quyết số 61/NQ-CP (ngày 21-8-2014) cùng với nhiều thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, nhiều dự án NXH được thực hiện tạo thêm nguồn cung cho thị trường, đến nay việc triển khai các dự án cũng như việc tiếp cận NXH của người dân đã có nhiều kết quả khả quan.

Hiện cả nước có 102 dự án NXH hoàn thành việc đầu tư xây dựng, trong đó có 38 dự án cho người thu nhập thấp (quy mô xây dựng khoảng 19.680 căn hộ) và 64 dự án cho công nhân (với khoảng 20.270 căn hộ). 150 dự án NXH đang tiếp tục triển khai, trong đó có 91 dự án cho người thu nhập thấp với khoảng 55.830 căn, tổng mức đầu tư khoảng 28.505 tỷ đồng, bao gồm cả một số dự án chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang NXH đã được UBND các tỉnh, thành phố chấp thuận. Riêng Hà Nội có 14 dự án với khoảng 11.900 căn, TP.HCM có 11 dự án với khoảng 7.830 căn. Bên cạnh đó là 59 dự án nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 66.750 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.105 tỉ đồng.

Sự ấm lên của BĐS trong lĩnh vực NXH thời gian qua cũng phản ánh nhu cầu thực về nhà ở, nhất là nhu cầu về NXH, đồng thời cho thấy nỗ lực “nhóm lửa trong băng” của ngành Xây dựng đã thu được kết quả khả quan khi NXH được đánh giá là điểm sáng của ngành Xây dựng trong năm 2014. Kết quả này xuất phát từ sự nhận diện và tháo gỡ đúng đắn, kịp thời những khó khăn, bất cập trong đầu tư và cơ cấu BĐS, sự điều chỉnh tích cực trong quản lý Nhà nước về nới điều kiện tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua, thuê, xây mới và cải tạo nhà.

NXH là kế hoạch lâu dài, đòi hỏi phải tập trung, quyết liệt đưa chương trình NXH trở thành mục tiêu, tiêu chí, một nhiệm vụ chính trị của mỗi ngành, mỗi địa phương, thì việc phát triển NXH mới thực sự đi vào thực chất và người hưởng lợi chính là người dân. Năm 2015 Bộ sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các dự án NXH phát triển, nhưng trên hết là vai trò của các địa phương trong việc xây dựng được chương trình phát triển NXH, có lộ trình phát triển theo mục tiêu đề ra.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

 

Nhu cầu NXH rất lớn

Trong năm qua, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đã thành công khi gắn với chương trình phát triển nhà ở bởi cùng lúc đáp ứng được các yêu cầu về nhà ở của người dân, nhất là phân khúc thu nhập thấp. Theo đánh giá chung, các chính sách phát triển NXH tại khu vực đô thị đã từng bước giải quyết nhu cầu của các đối tượng gặp khó khăn về chỗ ở.

Đánh giá về tình hình NXH trong năm 2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: Phát triển NXH là sự cố gắng rất lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn rất lớn với khoảng 80% người dân có nhu cầu về NXH. Do đó, phát triển NXH chính là một hướng đi tốt để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Đây sẽ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách của ngành Xây dựng năm 2015.

Như vậy, với lượng cung tương đối lớn, song song với đó là nhu cầu về NXH của người dân còn rất cao nhưng trên thực tế cái bắt tay giữa cung và cầu chưa thực sự suôn sẻ khi việc tiếp cận NXH của người dân còn khá nhiều khó khăn. Có những dự án NXH “cháy hàng” nhưng vẫn còn những dự án ế ẩm, nhất là ở các địa phương. Điều này là do có những dự án NXH được bố trí đất quá xa khu trung tâm, hạ tầng kém, thủ tục hành chính để vay tiền, mua nhà rườm rà, người dân còn nghi ngại về chất lượng nhà, giá nhà vẫn còn cao so với thu nhập của người dân…

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, công tác phát triển NXH đã được nhiều địa phương quan tâm nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cần thiết, việc phát triển NXH, nhất là NXH cho các đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn khó khăn, do thiếu quỹ đất, do đầu tư NXH đòi hỏi chi phí lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay vốn còn cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các DN chưa mặn mà...

Để tăng nguồn cung NXH cũng như tạo sự gặp gỡ giữa cung và cầu, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, bên cạnh kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các dự án NXH, năm 2015, Nhà nước gồm các bộ, ngành, các địa phương phải tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho các DN được phát triển NXH, đồng thời hỗ trợ người dân có đủ điều kiện để mua NXH, đặc biệt là hỗ trợ về tín dụng ưu đãi. Nếu làm được như vậy, chắc chắn việc phát triển NXH sẽ trở thành chương trình thường xuyên và sẽ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhà ở cho người dân.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị bổ sung đối tượng được vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là công nhân, người lao động trong và ngoài khu công nghiệp; hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng NXH để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Theo Hoài Anh

PV

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên