Nên dời ga Sài Gòn hay làm đường sắt trên cao?
"Đặt nhà ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) ở quận 3, là nhà ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc Nam, chỉ có một ưu điểm là nó nằm ngay trung tâm TP, trong khi lại có vô số nhược điểm khác".
"Nghe đọc bài Dời ga hay hơn làm đường sắt trên cao"
Đó là ý kiến của PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) sau khi ông Hà Ngọc Trường, ủy viên thường vụ Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM bày tỏ việc không ủng hộ dời ga Sài Gòn hiện nay.
Nhiều chuyên gia khác cũng đã vô cuộc.
* PGS.TS Phạm Xuân Mai (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM):
Dời ga Sài Gòn đỡ tốn hơn xây đường sắt trên cao
Theo tôi, việc đặt nhà ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) ở quận 3, là nhà ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc Nam, chỉ có một ưu điểm là nó nằm ngay trung tâm TP, trong khi lại có vô số nhược điểm khác.
Cụ thể, ga Sài Gòn ở vị trí của một nhà ga nhỏ trên tuyến theo quy hoạch cũ của Pháp, không có đủ diện tích đất đai, quảng trường cho một nhà ga đầu mối, liên thông, đa phương thức.
Đa số hành khách đi xe lửa hiện nay là ở các khu vực ngoại thành: công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp ngoại thành, các tỉnh liền kề như Bình Dương, các tỉnh miền Tây... Những người này khi đi xe lửa phải vào và ra khu vực Hòa Hưng, tạo ra các hành trình gây tắc nghẽn giao thông thêm cho nội ô.
Thành phố cũng không có các hệ thống đường giao thông lớn xung quanh ga Sài Gòn và tiếp cận với ga từ nhiều hướng. Vào ga Sài Gòn hiện nay chỉ có hai tuyến đường hẹp (dưới 7m) trên cùng một hướng là Nguyễn Thông và Nguyễn Phúc Nguyên nên hai tuyến đường này thường xuyên ùn tắc giao thông, lan ra khu vực đường Cách Mạng Tháng 8...
Ngoài ra, ga Sài Gòn có diện tích hẹp nên không thể bố trí các trạm trung chuyển giữa các phương thức: tàu hỏa, xe buýt, tàu điện/tàu điện ngầm.
Hiện nay chỉ có một điểm trung chuyển xe buýt nhỏ trong ga và sau này nếu tuyến metro số 2 chạy dọc đường Cách Mạng Tháng 8 thì cũng phải xây dựng một hành lang trung chuyển ngầm hàng trăm mét ra tuyến này với tính khả thi không cao.
Còn nếu không làm như vậy thì phải trung chuyển khách trên mặt đất, gây ra ùn tắc giao thông.
Có tới 14 điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ từ ga Bình Triệu vào ga Sài Gòn và đây là 14 điểm ùn tắc giao thông lớn của TP.HCM. Trong khi đó, phương án xây đường sắt trên cao vô cùng tốn kém và không khả thi.
Theo tôi, ga Bình Triệu hiện nay là ga đầu mối phù hợp. Khu vực này có diện tích rất rộng, có thể đặt nhà ga, quảng trường và depot xe lửa ngay tại đây, phù hợp với đa số hành khách có hành trình ở ngoại thành và các tỉnh liền kề như Bình Dương.
Việc chọn ga Bình Triệu làm ga đầu mối sẽ không phải làm hệ thống đường sắt trên cao rất tốn kém và không hiệu quả từ ga Bình Triệu vào ga Sài Gòn như dự án của Bộ GTVT.
Từ đây cũng có thể làm hệ thống đường sắt đối ngoại đi miền Tây, Campuchia..., không phải sử dụng cầu sắt Bình Lợi, tránh được mối nguy hiểm và tai nạn liên quan vì cây cầu này đã được Pháp xây dựng trên 100 năm nay...
* Ông Võ Kim Cương (nguyên phó kiến trúc sư trưởng TP):
Nên đầu tư xây dựng đường sắt trên cao
Theo tôi biết, ga hành khách trung tâm của đường sắt quốc gia đã được quy hoạch tại Bình Triệu từ đồ án quy hoạch tổng mặt bằng thành phố năm 1993 và duy trì cho tới nay. Trong các đồ án quy hoạch đều không bỏ đoạn đường sắt từ Bình Triệu đi Hòa Hưng mà thay bằng đường sắt trên cao, kết hợp đường quốc gia với nội vùng (nội ô).
Quy hoạch như vậy là hợp lý bởi vì lượng hành khách đi tàu từ trung tâm TP còn lớn, sức chở của tàu hỏa cũng rất lớn, an toàn và nhanh. Xu hướng chung để giảm ùn tắc giao thông là phải hạn chế xe cá nhân, muốn vậy phải phát triển giao thông công cộng có sức chở lớn, an toàn và nhanh.
Nếu bỏ đoạn đường sắt từ Bình Triệu đi Hòa Hưng sẽ làm tăng lượng xe cá nhân từ trung tâm TP đi Bình Triệu và gây bất tiện cho hành khách. Như vậy vấn đề không phải là bỏ quy hoạch mà phải sớm đầu tư đoạn đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng. Hà Nội đang xây dựng đường sắt đi trên cao như vậy rồi.
* Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP.HCM):
Dời ga Sài Gòn và giải bài toán giao thông
Trong khi tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu - Hòa Hưng vẫn chưa xây dựng, tôi cho rằng dời ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu là giải pháp tốt nhất.
Tuy nhiên, khi dời ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu cũng cần giải quyết những bài toán giao thông tại khu vực này như quốc lộ 13 và đoạn từ nút giao thông Hàng Xanh đến ngã năm đài liệt sĩ (Q.Bình Thạnh) vì các tuyến đường này thường xuyên xảy ra kẹt xe.
Như vậy, trước mắt phải mở rộng ngay quốc lộ 13, từ ngã tư Bình Triệu lên đến tỉnh Bình Dương và đường từ nút giao thông Hàng Xanh.
Đồng thời cũng phải tính đến xây dựng tuyến đường sắt nhẹ (monorail) trên cao từ Bình Triệu vào trung tâm TP để không xảy ra xung đột giao thông với đường bộ và tận dụng phần đường bên dưới cho xe lưu thông.
Tuổi trẻ