MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư ngoại ngóng chính sách

07-08-2015 - 09:46 AM | Bất động sản

Năm 2015 này, lĩnh vực mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ tăng mạnh hơn những gì đã diễn ra trong năm 2014 rất nhiều.

Tóm tắt

- Năm nay, có nhiều thương vụ M&A đã được thực hiện, phản ảnh sự chuyển động của thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, bất động sản. Đáng chú ý các thương vụ này đều diễn ra dưới sự chủ động và mang tính chiến lược cao của các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN). 

- Tuy nhiên, đi kèm với xu hướng này thì Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung thể chế pháp lý cho những giao dịch được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. 

- Song song đó, các nhà đầu tư cũng đang “ngóng” Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một số luật mới có hiệu lực như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. 


Tuy nhiên, làn sóng này có thể trở thành những con sóng lăn tăn nếu các chính sách về công bố thông tin, chuyển nhượng dự án, đấu giá, sở hữu đất đai và tránh phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài...  chậm thay đổi.

Làn sóng mới

TS. Vũ Anh Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), năm nay, có nhiều thương vụ M&A đã được thực hiện, phản ảnh sự chuyển động của thị trường, đặc biệt là trong các lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, bất động sản. Đáng chú ý các thương vụ này đều diễn ra dưới sự chủ động và mang tính chiến lược cao của các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN).

Theo thông tin mà ông Kevin Hawkins, luật sư thành viên, Công ty Luật Vilaf Hồng Đức cho hay, năm 2014 đã có 430 thương vụ M&A diễn ra và trong  6 tháng đầu năm 2015 này đã có hơn 300 thương vụ. Với diễn biến đó cho thấy M&A sẽ tăng trưởng mạnh trong năm này.

Rất nhiều thương vụ ở nhiều lĩnh vực BĐS đáng chú ý trong thời gian qua có của Gaw Capital Partners và Indochina Land, Gamuda Land Vietnam (Malaysia) và Công ty Cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín(Sacomreal)…mua bán và hợp nhất dự án.

Trong đó, DN Nhật Bản cũng đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2014, có 15 giao dịch M&A giữa DN Việt Nam và DN Nhật Bản, và năm 2015 này số lượng giao dịch có thể tăng lên con số là 30 thương vụ.

Còn ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corporation, cho biết từ nay đến năm 2020, tại Việt Nam sẽ diễn ra là đa dạng hóa ngành hàng tiêu dùng, bùng nổ dự án BĐS vì nhu cầu nhà ở đang tăng mạnh. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường.

Chính sách mở phải đi trước một bước

Tuy nhiên, đi kèm với xu hướng này thì Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung thể chế pháp lý cho những giao dịch được diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. “Nếu như chúng ta không điều chỉnh chính sách pháp lý cho phù hợp thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay lưng lại với thị trường Việt Nam”, một nhà đầu tư cho biết.

Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, thực tế các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng dự án tại Việt Nam hết sức phức tạp. Theo quy định về kinh doanh BĐS, xây dựng, nhà ở và đất đai, thì thủ tục chuyển nhượng tương tự thủ tục xin phê duyệt dự án BĐS mới. Theo đó, bên mua và bên bán đều phải trải qua các bước với cơ quan cấp phép đầu tư, xin ý kiến thẩm định của từng sở, ban ngành tại địa phương…

Về điểm này, ông Nguyễn Vĩnh Trân, giám đốc điều hành Quỹ Jen Capital, cho biết: “Nhà đầu tư không biết đâu mà lần từng thủ tục để có thể nhận chuyển nhượng dự án một cách nhanh chóng. Hồ sơ phải chuyển đến nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau và còn phải chờ thêm thời gian xin ý kiến của những đơn vị cấp cao hơn liên quan. Như vậy, cơ hội đầu tư của chúng tôi không còn”. Chính vì lẽ đó, mà trong hai năm qua mặc dù “săn lùng” khá ráo riết để mua lại dự án phát triển, quỹ này cũng chỉ dừng lại thương thảo các bước cuối cùng để mua lại 2 dự án BĐS.

Song song đó, các nhà đầu tư cũng đang “ngóng” Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một số luật mới có hiệu lực như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS. Bởi vì các luật này có độ mở rất lớn, nhưng những chính sách hướng dẫn thực hiện lại chậm ban hành, khiến cho tình trạng đăng ký đầu tư, kinh doanh bị đình trệ vì các cấp thừa hành vẫn còn lúng túng không biết thực hiện như thế nào.

Cũng theo ông Trân, các nhà đầu tư nước ngoài thường có kế hoạch đầu tư dài hạn và bài bản hơn các doanh nghiệp trong nước. Họ đã nhận thấy các dấu hiệu phục hồi và tiếp tục phát triển của thị trường BĐS Việt Nam gần đây và triển khai triến lược đầu tư theo niềm tin vào thị trường của họ. Tuy nhiên, chính sách mới ban hành đã thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhưng việc triển khai thiếu đồng bộ, mỗi nơi mỗi kiểu thì cũng đang tạo thêm rắc rối cho nhà đầu tư.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên