Hiện nay, mật độ dân số cao cùng diện tích sinh sống nhỏ hẹp đã phần nào ảnh hưởng tới cảnh quan của khu phố cổ. Thế nhưng, hình ảnh đặc trưng cùng lối kiến trúc quen thuộc của một Hà Nội xưa cũ vẫn rất dễ bắt gặp ở khu phố cổ. Ngôi nhà số 53 Hàng Nón dưới đây là một ví dụ. Ngôi nhà cho đến nay vẫn còn giữ được lối kiến trúc ban công 2 tầng du nhập từ Pháp rất phổ biến tại Hà Nội trước đây.
Thoạt nhìn, hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là căn nhà 3 tầng giống như những ngôi nhà 3 tầng khác.
Thực tế, đây là hai căn nhà có lối đi riêng biệt, mà chủ căn hộ ở tầng trên phải đi vào ngõ và lên gác mới đến được nhà mình.
Đây là căn nhà mà ông Dương Đình Tài và bà Nguyễn Thị Hiển đã chung sống cùng các con từ năm 1971.
Bà Hiển nguyên gốc ở phố Cầu Gỗ, chung sống với ông Tài đã được 45 năm. Từ đó cho đến nay, kiến trúc nguyên bản của căn nhà Pháp cổ vẫn không thay đối gì so với hình dáng ban đầu.
Căn nhà rộng khoảng 40 mét vuông, được chia làm 2 phòng để sinh hoạt cùng một ban công nhỏ nhìn ra mặt đường.
Tất cả những đồ đạc của gia đình từ xưa như sập gụ tủ chè, bộ bàn ghế, chiếc máy khâu “xanh gie” hay chiếc giường lò xò của nhà tư sản thời kì trước Cách mạng Tháng Tám… đều không còn hoặc hết giá trị sử dụng do đã quá lâu đời. Bà Hiển chia sẻ, từ hồi lấy nhau, hai ông bà cũng chẳng mua sắm gì nhiều nên tài sản lớn nhất của họ là 3 người con sau gần 50 năm chung sống.
Toàn các căn hộ trong ngõ xưa kia và cả cửa hàng nhỏ đang buôn bán ở mặt đường số 53 Hàng Nón vốn là của gia đình nhà ông Tài. Nhưng theo thời gian, nhiều căn hộ đã được sang tên cho chủ mới và 3 anh em nhà ông Tài vẫn cùng nhau sinh sống trong con ngõ nhỏ hẹp này.
Các sinh hoạt như nấu nướng, tắm giặt hay vệ sinh cá nhân,… đều diễn ra tại khu vực chung vì căn nhà của họ không có khu phụ theo thiết kế nguyên bản.
Những ngày đông rét mướt hay buổi đêm mưa gió bão bùng, hai ông bà vẫn phải lên xuống hàng chục bậc cầu thang để đi xuống được khu vệ sinh chung của ngõ. Hiện khu vệ sinh chung của ngõ hiện nay có 6 hộ sử dụng.
Để phơi phóng và cất trữ đồ đạc không dùng tới, bà Hiển lại phải lên xuống tiếp tục hàng chục bậc cầu thang nữa mới đến được khu vực phơi phóng.
Năm nay đã 70 tuổi và sức yếu đi nhiều, lại hay bị đau nhức chân nhưng những hôm trời mưa gió, bà Hiển vẫn phải chạy lên tum gấp để rút quần áo cho khỏi ướt.
“Ngày trước, đã có người tới hỏi mua nhà nhưng tôi không bán. Sống quen ở khu phố này gần đời người rồi nên gia đình tôi cũng chẳng muốn chuyển đi đâu làm gì”, bà Hiển tâm sự và cho biết thêm, giá trị của căn nhà này không được lớn lắm do không tiện kinh doanh, buôn bán và sinh hoạt nhiều bất tiện.
Việc đi lại trong ngõ cũng gặp nhiều khó khăn bởi chiều ngang rất hẹp và không đủ ánh sáng.
Đã có nhiều người khuyên nên làm một chỗ đi vệ sinh nhỏ ở ngay ban công, nhưng ông bà Tài không thực hiện vì không muốn phá bỏ đi kiến trúc nguyên bản của căn nhà mà ông cha để lại.
Khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, với tổng số dân hơn 6,6 vạn người (năm 2010), mật độ 823 người/ha. Trong khu phố cổ hiện có 121 di tích, hơn 200 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần bảo tồn. Tuy nhiên, đang có hơn 1.600 hộ dân sống trong các căn hộ xuống cấp nguy hiểm và nhà đông hộ.
Đề án giãn dân phố cổ của quận Hoàn Kiếm dự kiến trong giai đoạn một sẽ di chuyển khoảng 1.800 hộ (gồm các hộ sống trong các di tích, trường học, công sở, nhà đông hộ và nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn) sang khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị mới Việt Hưng (quận Long Biên). Dự trù nguồn vốn đầu tư cho toàn bộ giai đoạn I là hơn 4.300 tỷ đồng.