Nợ dài hạn của Viglacera giảm 223 tỷ 6 tháng cuối năm 2014
Tổng số nợ phải trả của Viglacera tính đến 31/12/2014 lên tới 9.287 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 5.605,8 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 3.681 tỷ đồng.
- 22-04-2015Dư âm ĐHCĐ Viglacera: “Chia cổ tức hơi ít”
- 20-04-2015Trực tiếp ĐHCĐ Viglacera: Tăng vốn điều lệ lên 3.070 tỷ, niêm yết cổ phiếu trong năm 2015
Tóm tắt
- Tổng số nợ phải trả của Viglacera tính đến 31/12/2014 lên tới 9.287 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 5.605,8 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 3.681 tỷ đồng.
- Những ngân hàng mà Viglacera vay nợ đều là những ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank,…
- Ngoài ra, Viglacera còn vay dài hạn của một số đối tượng, cá nhân khác với tổng giá trị khoảng trên 105 tỷ đồng.
Tổng Công ty Viglacera là đơn vị hàng đầu miền Bắc trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản và đầu tư kết cấu hạ tầng KCN. Sau 40 năm hình thành và phát triển từ Công ty Gạch gói Sành sứ xây dựng, với tổng tài sản tính đến hết 2014 đạt trên 12.219 tỷ đồng, vốn điều lệ 2.645 tỷ đồng, doanh thu trên 4.473 tỷ đồng…
Năm 2014, đánh dấu bước ngoặt quan trọng với Viglacera khi chuyển đổi mô hình hoạt động Tổng Công ty sang công ty cổ phần kể từ 02/07/2014.
Tính đến thời điểm 31/12/2014, cơ cấu cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài không có thay đổi so với thời điểm chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần.
Có cấu cổ đông Viglacera
Năm 2015, Viglacera có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.070 tỷ đồng, giảm tỷ lệ vốn nhà nước từ 91,5% hiện nay xuống còn 75%, tiếp tục xây dựng lộ trình giảm vốn nhà nước xuống 51% trong các năm tiếp theo.
Nhu cầu vốn đầu tư của Viglacera hàng năm khá lớn. Trong 6 tháng cuối 2014, vốn đầu tư trong lĩnh vực vật liệu xâu dựng đạt 1.756 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch ĐHĐCĐ lần đầu tiên của Viglacera giao. Lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS cũng chiếm phần vốn đầu tư khá lớn 1.633 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư vào Dự án Đặng Xá 2, Xuân Phương, Thăng Long Number One, giai đoạn 3 Đặng Xá. Đầu tư hạ tầng KCN đạt 106 tỷ đồng,…
Để có nguồn vốn đầu tư vào các dự án, số tiền vay nợ của Viglacera cũng khá lớn. Theo báo cáo tài chính hợp nhất (kỳ kế toán từ 22/7/2014 đến 31/12/2014) cho thấy tổng số nợ phải trả của Viglacera tính đến 31/12/2014 lên tới 9.287 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 5.605,8 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 3.681 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Viglacera vẫn nằm trong khung quy định của Nhà nước.
Trong khoản 5.605,8 tỷ đồng nợ ngắn hạn, có hơn 1.514 tỷ đồng là khoản vay ngắn hạn ngân hàng và các khoản nợ dài hạn đến hạn. Số còn lại nằm ở phần phải trả người bán 1.228 tỷ, chi phí phải trả hơn 1.292 tỷ và các khoản thuế, quỹ khen thưởng, người mua trả tiền trước,…
Những ngân hàng mà Viglacera vay nợ đều là những ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank,…
Những khoản vay ngắn hạn ngân hàng của Viglacera -trích số liệu báo cáo tài chính hợp nhất kỳ kế toán 22/7/2014-31/12/2014 (con số làm tròn)
Chi phí phải trả của Viglacera tính đến 31/12/2014 phần lớn là khoản trích trước chi phí các dự án, công trình xây dựng (780 tỷ), khoản trích trước chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng các KCN (152 tỷ), và đáng chú ý là khoảng 105,8 tỷ đồng tiền lãi vay phải trả…và các khoản chi phí khác.
Với khoản 3.681 tỷ đồng nợ dài hạn, phần lớn là doanh thu chưa thực hiện chiếm trên 2.615 tỷ. Vay và nợ dài hạn của Viglacera là trên 993 tỷ đồng, chủ yếu là từ các ngân hàng lớn.
Số liệu trích từ báo cáo tài chính hợp nhất của Viglacera kỳ kế toán 22/7/2014 đến 31/12/2014 (con số làm tròn)
Trong đó, khoản dư nợ vay lớn nhất là trên 461 tỷ đồng của Vietinbank, chủ yếu để đầu tư các dự án bất động sản như Xuân Phương, Đặng Xá 2…trong số này, năm 2015 Viglacera phải trả 124,6 tỷ đồng nợ đến hạn.
Đối với khoản vay từ BIDV, năm 2001 Viglacera đã ký hợp đồng tín dụng với BIDV chi nhánh Tp.HCM trị giá hơn 434 tỷ đồng để xây nhà máy kính nổi, thời hạn 15 năm lãi suất 11,35%-11,85%, đến nay số dư nợ gốc còn 57,3 tỷ; Năm 2013 Viglacera ký tiếp hợp đồng tín dụng với BIDV chi nhánh Tp.HCM vay 165 tỷ để sửa chữa, nâng cấp nhà máy kính nổi, đến nay số dư nợ gốc còn lại 18,5 tỷ.
Khoản vay tại Oceanbank, theo báo cáo tài chính hợp nhất 2014 của Viglacera, năm 2012 công ty đã ký hợp đồng tín dụng với Oceanbank với hạn mức vay 600 tỷ trong 4 năm, lãi suất kỳ đầu tiên là 15,5%/năm, sau đó điều chỉnh 3 tháng/lần. Khoản vay này dùng để đầu tư dự án Khu nhà ở cao cấp Viglacera Tower (Thăng Long Number One). Tại thời điểm 31/12/2014, số dư nợ gốc khoản vay này chỉ còn 113,8 tỷ.
Số liệu trích từ báo cáo tài chính hợp nhất của Viglacera kỳ kế toán 22/7/2014 đến 31/12/2014 (con số làm tròn)
Ngoài ra, Viglacera còn vay dài hạn của một số đối tượng, cá nhân khác với tổng giá trị khoảng trên 105 tỷ đồng.
Theo nhận định của HĐQT Viglacera, sau khi chuyển đổi sang mô hình Công ty cổ phần, các chỉ số tài chính của Công ty mẹ có cải thiện hơn. Trong đó cơ cấu tài sản và nợ phải trả thay đổi theo hướng giảm nợ ngắn hạn so với thời điểm trước cổ phần hóa.
Nợ phải trả, đặc biệt là các khoản vay và nợ dài hạn cuối năm 2014 đã giảm trên 223 tỷ đồng so với điểm trước chuyển đổi cổ phần hóa, giảm phụ thuộc tài chính đối với các đối tượng bên ngoài, đảm bảo tình hình tài chính an toàn. Hệ số nợ/tổng tài sản và vốn chủ sở hữu ở mức an toàn. Trong đó, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu giảm từ 2,69 lần xuống 2,44 lần.
Gia Bảo
Trí Thức Trẻ