“Phải Thanh tra toàn diện công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông”
Đó là ý kiến của ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa với PV sáng 10.3, liên quan đến công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông có nhiều tai tiếng trong suốt thời gian qua, vừa được chúng tôi công bố loạt bài: "Công trình đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông: Thiếu an toàn, nhiều sai phạm".
Thưa ông, trong thời gian thi công công trình đường sắt trên cao đã có không ít người đi đường tử vong vì sự mất an toàn lao động của công trình này, không những vậy, việc xin lùi thời hạn đưa công trình vào sử dụng là bài ca muôn thủa của chủ đầu tư - Tổng thầu Cty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, nhà thầu phụ thi công là Cty cổ phần nhà X4 - X4 home. Ông có ý kiến như thế nào về công trình này?
Tôi gọi đây là công trình tai tiếng, cụ thể là tai tiếng về tiến độ thi công và mất an toàn lao động. Thực tế, đã có thời gian Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng có ý kiến gay gắt về công trình này.
Vấn đề ở đây là tôi băn khoăn và không hiểu Bộ Giao thông vận tải và TP. Hà Nội phối hợp để xử lý như thế nào để cho nó trôi chảy, công trình tránh trục trặc, dứt điểm và tạo niềm tin cho nhân dân?!. Đó mới là điều quan trọng. Tuy nhiên, trong thời gian qua việc công trình liên tục chậm về tiến độ và mất an toàn lao động đó là điều không thể chấp nhận được.
Đã không ít người đi đường tử vong vì sự mất an toàn lao động của công trình này, trong khi đó chính người lao động thi công tại công trình này cũng không được trang bị bảo hộ lao động cũng như học về an toàn lao động. Ông có ý kiến gì về việc này?
Như vậy là ăn bớt rồi. Riêng về vấn đề an toàn theo quy định của pháp luật, những lao động trong ngành xây dựng và trên cao rất nguy hiểm phải được đào tạo, huấn luyện, có chứng chỉ về an toàn lao động. Bất kỳ nhà thầu nào cũng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, chứ không thể tùy nghi được.
Nếu không quản lý chặt chẽ thì các nhà thầu sẽ không trang bị cho người lao động, như vậy họ sẽ tránh được các chi phí nhằm có lợi cho họ, như không trang bị bảo hộ, không có các phương tiện đảm bảo an toàn lao động, bớt được cái đó thì họ sẽ được lợi. Việc các nhà thanh tra lao động buông lỏng quản lý hoặc né tránh vấn đề gì đó thì rất dễ để các công trình xây dựng xảy ra sai phạm.
Vậy, theo ông công trình này phải được thanh tra toàn diện?
Đúng vậy. Tôi cho rằng công trình này phải có đoàn thanh tra do Chính phủ thực hiện để có giải pháp cho công trình này. Tôi nghĩ để giải quyết vấn đề này cần một cơ quan có thẩm quyền để thanh tra, làm rõ toàn diện các mặt của công trình, từ an toàn lao động, đến kết cấu, chất lượng bên trong công trình có đúng như thiết kế hay không. Chứ còn thanh tra nhỏ lẻ, vụn vặt đến đâu xem xét đến đó hoặc các cơ quan thanh tra không có thẩm quyền quyết định sẽ không hiệu quả.
Vì từ trước đến nay, nếu các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc quy định của nhà nước, thanh tra, kiểm tra thưỡng xuyên và xử lý nghiêm những sai phạm thì các chủ đầu tư, cũng như đơn vị thi công đã không để xảy ra nhưng sai phạm và lợi dụng sơ hở để mang lợi cho họ được.
Theo tôi khi thanh tra cũng cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong lĩnh vực an toàn lao động đã thực hiện đúng trách nhiệm chưa, thực hiện hình thức hay có biểu hiện nhẹ tay? Và phải làm rõ trách nhiệm để xử lý đến nơi đến chốn không để tình trạng như vậy được.
Khi thanh tra cũng phải làm rõ từ việc mất an toàn lao động đến chất lượng của công trình và tiến độ công trình nguyên nhân vì sao, đúng sai thế nào, chất lượng công trình có đảm bảo không?, trong khi đó tiền đầu tư cho công trình đã “vống” lên, trượt hàng trăm triệu đô la.
Lao động