MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phía sau vụ cháy ở Trung tâm Hành chính Đà Nẵng

15-09-2014 - 15:00 PM | Bất động sản

Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương tuyên bố sự cố bình acquy gây cháy ở tầng hầm Trung tâm Hành chính TP “là việc bình thường”, “không có vấn đề gì lớn”.

Chiều 14/9, một vụ cháy nhỏ đã xảy ra tại tầng hầm B2 Trung tâm Hành chính (TTHC) Đà Nẵng do sự cố bình acquy của tủ điện phục vụ cho điều hành tòa nhà. Dù chỉ là một sự cố nhỏ, thiệt hại không đáng kể nhưng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm đối với việc vận hành an toàn công trình này.

Vụ cháy ở tầng hầm Trung tâm Hành chính Đà Nẵng chiều 14/9 đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm

Dư luận hoan nghênh lãnh đạo TP Đà Nẵng đã kịp thời cử ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng cùng Đại tá Nguyễn Phong, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cung cấp thông tin chính thức cho báo chí ngay sau khi dập tắt đám cháy. Từ đó đã tránh được những ảnh hưởng không hay do những tin đồn thất thiệt.

Tuy nhiên nhiều người không thật an tâm khi tại buổi gặp báo chí chiều 14/9, phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương hai lần cho rằng “sự cố nhỏ như thế này là việc bình thường”, cũng như hai lần tuyên bố “không có vấn đề gì quan trọng”, “không có vấn đề gì lớn” trong khi Đại tá Nguyễn Phong chỉ nói là “không có thiệt hại gì lớn".

Vẫn biết sự cố luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, nhưng không thể xem một sự cố không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn có nguy cơ đe dọa an toàn tính mạng con người xảy ra tại một công trình trị giá gần 2.000 tỉ đồng chỉ vừa chính thức khánh thành trước đó 1 tuần sau gần 6 năm ròng rã xây dựng là “việc bình thường”.

Cần nhắc lại, theo Đại tá Nguyễn Phong, do lượng khói trong tầng hầm quá lớn nên lực lượng Cảnh sát PCCC phải mất đến 15 phút mới tìm ra gốc lửa để dập tắt đám cháy. 15 phút là khoảng thời gian đủ để một đám cháy nhỏ có thể bùng lên thành vụ cháy lớn. Và dù sự cố xảy ra lúc 14h14ph nhưng đến 16h, khi ông cùng ông Võ Văn Thương gặp báo chí để cung cấp thông tin thì việc đẩy khói ra khỏi tầng hầm vẫn đang tiếp tục.

Đại tá Nguyễn Phong, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cho biết phải mất 15 phút mới tìm ra gốc lửa để dập tắt đám cháy và sau 2 tiếng đồng hồ thì việc đẩy khói ra khỏi tầng hầm vẫn đang tiếp tục

Rất may sự cố xảy ra chiều Chủ nhật nên số ô tô, xe máy trong tầng hầm không nhiều. Nhưng vào ngày làm việc bình thường, số xe của 1.600 cán bộ, công chức làm việc tại TTHC Đà Nẵng sẽ vô hình chung biến tầng hầm này thành... kho xăng. Dù sự cố bình acquy nằm ngoài khu vực để xe nhưng do lượng khói quá lớn bao phủ cả tầng hầm việc nên di dời “kho xăng” này ra ngoài phải là ưu tiên một để tránh cháy, nổ lan.

Chắc chắn giải tỏa cùng lúc cả ngàn chiếc xe máy (trong đó hẳn có nhiều xe khóa cổ), ô tô (không phải lúc nào cũng có sẵn tài xế) là không hề đơn giản. Do vậy, việc truy tìm gốc lửa để dập tắt đám cháy sẽ càng thêm phức tạp, tốn nhiều thời gian khiến nguy cơ từ một vụ cháy nhỏ bùng phát thành đám cháy lớn càng cao.

Vấn đề đặt ra là ở tầng hầm tòa nhà TTHC Đà Nẵng có hệ thống hút khói sự cố hay không? Nếu có, tại sao không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả khiến sau 2 tiếng đồng hồ mà khói vẫn chưa được đẩy hết ra khỏi hầm? Bình acquy của tủ điện là acquy khô mà chập cháy thì cần phải xem lại chất lượng của tủ điện như thế nào...

Đáng nói nữa là, sự cố vừa qua xảy ra tại nơi làm việc tập trung của hơn 1.600 cán bộ, công chức thuộc 24 sở, ban, ngành và UBND TP Đà Nẵng. Ngoài ra còn có khoảng 600 lượt người đến đây giao dịch mỗi ngày. Do tính chất đặc biệt của công trình nên càng đòi hỏi sự an toàn phải lên đến mức tuyệt đối. Để đạt được điều đó không chỉ cần thiết bị an toàn mà còn cần ý thức và kỹ năng ứng phó với sự cố của những người trong tòa nhà.

Rất nhiều cán bộ, công chức đang làm việc tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng hiện vẫn chưa biết trong tòa nhà này có bao nhiêu cầu thang bộ thoát hiểm, nằm ở những chỗ nào!

Theo Đại tá Nguyễn Phong, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Đà Nẵng: “Trong tòa nhà TTHC TP có đủ hệ thống thang cho thoát nạn. Quan trọng nhất là làm cho mọi người khi có sự cố xảy ra thì bình tĩnh để theo hướng thoát nạn cho đúng!”. Và đây đang chính là điều đáng lo nhất!

Ngày 9/9, tại buổi giao ban đầu tiên để nghe Giám đốc các sở, ban, ngành báo cáo kết quả bước đầu tình hình công tác sau khi chuyển vào TTHC TP, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến đã yêu cầu “triển khai ngay công tác tập huấn PCCC và xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra cho cán bộ, công chức làm việc trong toà nhà”. Việc tập huấn chưa kịp triển khai thì đã xảy ra sự cố cháy chiều 14/9.

Đặt trường hợp sự cố xảy ra vào ngày làm việc bình thường thì sao? Cho đến sáng 15/9, khi được hỏi thì nhiều cán bộ, công chức, thậm chí Phó Giám đốc Sở vẫn chưa biết trong tòa nhà TTHC TP có bao nhiêu cầu thang bộ thoát hiểm, nằm ở những chỗ nào. Như vậy làm sao họ có thể “bình tĩnh để theo hướng thoát nạn cho đúng” khi có sự cố xảy ra? Hậu quả sẽ như thế nào hẳn ai cũng có thể mường tượng được.

Trong công tác phòng chống sự cố nói chung, PCCC nói riêng thì “phòng” bao giờ cũng phải đi trước “chống”, “chữa”. “Phòng” càng tốt thì “chống”, “chữa” càng khỏe, càng ít bị thiệt hại. Do sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu nên việc đặt ra các trường hợp giả định như trên, thậm chí giả định các tình huống khó có khả năng xảy ra nhất, để kiểm tra độ an toàn của thiết bị, nâng cao ý thức của mọi người và dự lường các phương án ứng phó hiệu quả là hết sức cần thiết.

Bởi vậy chúng tôi cho rằng, phát biểu của ông Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng có thể chỉ để trấn an dư luận ngay tại thời điểm đó. Nhưng nếu lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng thực sự cho rằng sự cố vừa qua “là việc bình thường”, “không có vấn đề gì quan trọng”, “không có vấn đề gì lớn” thì đó thực sự là điều đáng lo!

>>>Cháy tại trung tâm hành chính Đà Nẵng

Theo HẢI CHÂU

ngatt

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên