Quỹ bảo trì chung cư: Vinaconex nói gì về khoản nợ 70 tỷ đồng?
Đại diện Vinaconex cho hay: chưa thể bàn giao cho Ban quản trị chung cư nhà N05 Trung Hòa – Nhân Chính vì vướng Luật ?
- 22-10-2015"Sức khỏe" của Tài chính Vinaconex trước ngày sáp nhập vào SHB
- 21-10-2015Đại diện SCIC rời ghế Chủ tịch HĐQT Vinaconex sau gần 4 tháng
- 05-10-2015Kiểm toán Nhà nước lưu ý các khoản nợ phải thu tại Vinaconex 2
“Chờ” văn bản hướng dẫn
Trao đổi với về vấn đề bàn giao quỹ bảo trì chung cư tại cụm nhà N05 Trung Hòa – Nhân Chính, ông Phạm Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại – Pháp chế, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho hay: Vinaconex đã có văn bản giải thích với cư dân N05 việc chậm chễ bàn giao quỹ bảo trì 70 tỷ đồng là do văn bản pháp luật chưa có sự thống nhất nên Vinaconex chưa thể bàn giao được. Hiện nay phía Vinaconex vẫn đang chờ sự hướng dẫn từ phía các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Ông Sơn cũng giải thích: Theo điều 21, quyết định 01/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành quy chế quản lý nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội, đối với quỹ bảo trì, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại với lãi suất không thấp hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn. Chủ đầu tư giữ tài khoản này cho đến khi ban quản trị thành lập. Và chủ đầu tư sẽ bàn giao tài khoản này cho doanh nghiệp được ban quản trị lựa chọn vận hành nhà chung cư.
Trong khi đó, tại quyết định 08/2008- Bộ Xây dựng thì yêu cầu chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị và Ban quản trị quản lý tài khoản này dưới hình thức đồng sở hữu (trưởng ban quản trị và một thành viên do ban quản trị cử ra).
Ông Phạm Chí Sơn cũng cho hay: “Hiện số tiền 70 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư của cụm tòa nhà N05 vẫn do Vinaconex giữ”.
Được biết, gần đây nhất ngày 13/8/2015 Sở Xây dựng Hà Nội ban hành văn bản số 7171/SXD-QLN về việc quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư N05.Theo đó, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015 đến nay chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Vì vậy, Sở Xây dựng thông báo để Vinaconex được biết.
Như vậy, theo văn bản mới nhất mà Sở Xây dựng thông báo, số tiền 70 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư của cư dân nhà N05 vẫn chưa thể được Vinaconex bàn giao.
Bàn giao quỹ bảo trì chung cư sau 7 ngày
Tại buổi Tọa đàm Góp ý cho bản dự thảo quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay: Dự thảo quy định rõ quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản để tạm quản lý kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi Ban quản trị hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua cho ban quản trị nhà chung cư.
Kỳ hạn tiền gửi và chủ tài khoản quản lý kinh phí bảo trì do một người đứng tên hoặc đồng chủ tài khoản đứng tên. Dự thảo quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư lần này quy định rất cụ thể, chặt chẽ về việc chi tiêu tài chính của Ban quản trị. Trong đó, đảm bảo có đủ các loại giấy tờ chứng minh theo quy định thì ngân hàng nơi Ban quản trị mở tài khoản mới cho phép rút tiền.
Bên lề buổi tọa đàm, trả lời các cơ quan báo chí cề vấn đề Vinaconex không đồng ý bàn giao hơn 70 tỷ đồng quỹ bảo trì cho cư dân cụm NO5 Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội), ông Nguyễn Mạnh Khởi cho hay: Điều này là không đúng với quy định của pháp luật, bởi vì phí bảo trì 2% phải được trả lại cho cư dân khi Ban quản trị được thành lập.
Tổ hợp chung cư N05 khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bao gồm 4 tòa tháp chung cư cao 25 tầng với gần 1.000 căn hộ, do Vinaconex làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Dự án đã chính thức hoàn thành và bàn giao nhà cho người dân từ năm 2012. Đã 3 năm sau khi đi vào hoạt động, Ban quản trị tòa nhà N05 vẫn chưa được cầm số tiền bảo trì chung cư lên đến hơn 70 tỷ đồng. Một số hạng mục của tòa nhà đã có dấu hiệu xuống cấp, nhưng Ban quản trị không có tiền để sửa chữa, nâng cấp.
BizLIVE