Quỹ nhà cho người nghèo đô thị đi đâu?
Giấc mơ an cư của người nghèo đô thị đang bị khép lại, khi cơ quan quản lý nhà nước cho phép chủ đầu tư trả tiền thay vì xây nhà ở trên quỹ đất 20% như quy định. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư lại chây ì không giải phóng mặt bằng quỹ đất này, khiến lượng cung nhà ở xã hội thiếu trầm trọng.
- 21-08-2015Hà Nội xử lý dứt điểm vi phạm trong sử dụng quỹ nhà tái định cư
- 13-08-2015TPHCM tăng quỹ đất tạo nhà ở cho người dân
- 04-08-2015Hà Nội: Bất cập trong sử dụng quỹ nhà tái định cư Nam Trung Yên
- 29-07-2015Quỹ bảo trì nhà tái định cư: Bao giờ bàn giao lại cho dân?
Đi lại vết xe đổ
Không chờ đến Nghị định 90 (2006) của Chính phủ quy định phải dành 20% diện tích đất trong dự án từ 10ha trở lên để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), mà trước đó, Hà Nội đã đi tiên phong về mô hình này. Quyết định 123 của UBND thành phố Hà Nội ra đời (năm 2001) từng quy định, đối với dự án kinh doanh hạ tầng, xây dựng nhà ở để bán, chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất ở (hoặc 30% quỹ nhà ở) để bổ sung vào quỹ nhà ở của thành phố.
Còn nhớ, “quỹ nhà 123” ngày đó là “miếng mồi ngon” được giới đầu cơ bất động sản săn lùng. Danh sách cán bộ được mua nhà theo quỹ nhà này do thành phố duyệt và chỉ cần cầm giấy được mua có thể bán chênh đến hàng trăm triệu đồng/căn hộ. Rà soát hàng trăm chung cư xây dựng trước năm 2001 có thể biết “quỹ nhà 123” giờ đây ai đang sử dụng, sử dụng vào việc gì... và đa phần chủ sở hữu của nó không phải cán bộ, công chức hưởng lương nhà nước hay người thu nhập thấp của Thủ đô.
Sau đó, thành phố “chữa cháy” bằng Quyết định 87 (2004) quy định, nhà được bán với giá thị trường nhưng chủ đầu tư chỉ được nhận phần giá trị tương đương với chi phí xây dựng cơ bản của công trình. Chi phí xây dựng này lại do một hội đồng định giá của thành phố quyết định. Phần lợi chênh lệch nhà đầu tư phải nộp lại cho thành phố.
Như vậy có thể thấy rằng, thành phố sẽ thu một phần lớn lợi nhuận của dự án về cho ngân sách của thành phố. Trong khi những người nghèo và các đối tượng chính sách vẫn khó có cơ hội được mua nhà ưu đãi trong những dự án khu đô thị mới hiện đại (vì giá nhà ở đây vẫn rất cao).
Sau 5 năm thực hiện Nghị định 90, dự án NƠXH tại Hà Nội trích từ quỹ đất 20% chỉ đếm trên đầu ngón tay như: NƠXH Khu đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), Khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Khu đô thị Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) với khoảng hơn 3.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Vì vậy mới có cảnh người dân xếp hàng, chen chân đi nộp hồ sơ mua NƠXH mỗi khi có dự án mở bán. Trong khi đó, hàng chục đô thị mới ra đời nhưng đều bỏ qua quy định này.
Mặc dù có bài học từ Hà Nội, nhưng tại Nghị định 188 (2013) về Phát triển và Quản lý NƠXH của Chính phủ có hiệu lực thi hành lại cho phép chủ đầu tư dự án trả bằng tiền, thay vì phải dành quỹ đất 20% cho phát triển NƠXH đối với các dự án có quy mô sử dụng dưới 10ha.
Mới đây nhất, Nghị định số 100 (2015) của Chính phủ về phát triển và quản lý NƠXH hướng dẫn theo Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2015) không bắt buộc chủ đầu tư dành 20% quỹ đất cho NƠXH. Chủ đầu tư dự án được lựa chọn chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% hoặc nộp bằng tiền tương đương với giá trị 20% quỹ đất vào ngân sách địa phương, để đầu tư xây dựng NƠXH trên phạm vi địa bàn.
Điều lạ lùng là, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) lại lý giải ngắn gọn rằng, việc quy định các hình thức nêu trên là để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng dự án, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu có đủ quỹ đất để phát triển NƠXH theo quy định.
Tuy nhiên, có một thực tế là, nguồn cung NƠXH ngày một thiếu, nhất là những dự án NƠXH gần trung tâm và trong một khu đô thị đã có sẵn hạ tầng. Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng Phòng phát triển nhà ở (Sở Xây dựng) thẳng thắn nhìn nhận: NƠXH bán được hàng hay không phụ thuộc vào vị trí, hạ tầng kỹ thuật chứ không phải giá bán.
Rà soát đến bao giờ?
Cuối năm 2011, Bộ Xây dựng công bố kế hoạch kế hoạch kiểm tra việc sử dụng quỹ đất xây dựng NƠXH trên địa bàn thành phố Hà Nội. Kế hoạch kiểm tra kéo dài đến năm 2014 khi Ban Chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và Thị trường bất động sản vào cuộc, Bộ Xây dựng mới công bố kết quả kiểm tra 12 dự án NƠXH tại Hà Nội.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phát biểu thời điểm đó rằng, việc sử dụng quỹ đất để xây dựng NƠXH phần lớn không đúng mục đích (trong 11 dự án chỉ có 3 dự án triển khai xây dựng NƠXH; 3 dự án đã cho chuyển đổi sang xây dựng nhà ở tái định cư và 3 dự án cho phép chuyển đổi sang nhà ở thương mại hoặc đấu giá quyền sử dụng đất). Các dự án vi phạm như: Dự án Cầu Bươu tại Thanh Trì do Cty Kinh doanh phát triển nhà HN đầu tư; Dự án Hạ Đình tại Thanh Xuân do Cty Xây dựng lắp máy điện nước đầu tư; Dự án Cầu Diễn thuộc dự án thành phố giao lưu do Tổng Cty CP ĐTXD Vigeba đầu tư...
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hầu hết các dự án nhà ở và khu đô thị mới trên địa bàn thành phố Hà Nội khi phê duyệt đều quy định dành quỹ đất để xây dựng NƠXH. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư chưa quan tâm đến việc giải phóng mặt bằng phần diện tích đất dành để xây dựng NƠXH.
“Tổng hợp báo cáo của các địa phương khác cũng cho thấy, tình hình tương tự như tại Hà Nội. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát việc thực hiện quy định về việc bố trí quỹ đất cho phát triển NƠXH”, vị này nói.
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho biết, Bộ Xây dựng đang ưu ái doanh nghiệp. Muốn kiểm soát tốt quỹ đất 20% dành cho NƠXH không bị biến tướng, Bộ Xây dựng hoàn toàn có thể làm được nếu quy định chủ đầu tư khu đô thị khi đã bán được 50% căn hộ trong dự án phải bàn giao ngay quỹ đất này. Nếu không bàn giao sẽ không cho doanh nghiệp triển khai bán hàng nữa.
* Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, cả nước cần tới 1 triệu căn hộ NƠXH để đáp ứng cho người thu nhập thấp. Hiện, mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 10.000 căn.
* Chỉ cần rà soát hàng trăm chung cư xây dựng trước năm 2001 có thể biết “quỹ nhà 123” giờ đây ai đang sử dụng, sử dụng vào việc gì...
Tiền Phong