MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sống trong những căn nhà tí hon ở Sài Gòn

19-10-2015 - 07:30 AM | Bất động sản

Không riêng gì phố cổ Hà Nội, ở giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp vẫn có những ngôi nhà tí hon nằm sâu trong những con hẻm nhỏ. Nơi đây đã và đang dung chứa, đùm bọc, chở che biết bao số phận con người…

Sống trong nhà, ngủ… ngoài đường

Ba, bốn thế hệ sống chen chúc trong căn nhà “hộp” chỉ vỏn vẹn vài mét vuông suốt vài chục năm ròng là cảnh thường thấy ở con hẻm 185, Cống Quỳnh, quận 1. Ở hẻm này là địa điểm có những căn nhà chỉ rộng từ hơn mét vuông đến gần 10 mét vuông chen chúc nhau. Cư dân ở con hẻm đa phần đều là trẻ ở cô nhi viện lớn lên có gia đình, được cấp mảnh đất nhỏ để xây nhà ở. Từ đó thế hệ này tiếp nối thế hệ kia đều sống trong con hẻm này.

“Thật sự được chỗ để chui ra chui vào như vầy ở Sài Gòn đã là quí giá lắm rồi. Không dám mơ đến việc có tiện nghi hay thoải mái thêm nữa với hoàn cảnh của mình. Đã ở thành phố thì phải chấp nhận thôi”.

Anh Tuấn cười buồn

Căn nhà của bà Bùi Thị Kim Ngọc có chiều cao 1 mét 6 và chiều dài là 3 mét 9 nhưng có đến 3 thế hệ với 6 con người sinh sống. Nhà nhỏ, nên đồ đạc cái gì cũng nhỏ và được sắp xếp gọn gàng để bà Ngọc có chỗ để bàn máy may may gia công kiếm thêm thu nhập. Không gian nấu nướng và không gian cho những đứa trẻ cũng được thu gọn lại tối đa.

“Đa phần cư dân ở đây đều là trẻ cô nhi ở cô nhi viện, sau đó lớn lên có công việc rồi được cấp nhà. Hồi đó, một nhà có mấy hộ ở. Nhưng rồi sau này ngăn cách ra. Nhà nhỏ quá nên cũng chẳng  có số riêng, tất cả giấy tờ kê khai, sổ hộ khẩu cho con cháu đi học đều lấy chung là hẻm 185 Cống Quỳnh”- bà Ngọc kể.

Sống ở môi trường chật hẹp, làm gì cũng không được thoải mái. Theo bà Ngọc, cơm thì chưa bao giờ cả nhà ngồi được vào cùng mâm mà ăn chung cả, chỉ có nấu sẵn rồi tùy ý ai muốn ăn gì thì lấy rồi ra một góc ngồi ăn. Nhiều khi muốn ăn được một bữa cơm quây quần cả nhà cũng khó.

Gia đình ông Trần Văn Đỏ ở trong con hẻm 56/69, đường Thích Quảng Đức, thuộc quận Phú Nhuận. Căn nhà như một cái chòi nhỏ có hình tam giác. Với một cạnh hơn 1m, hai cạnh dài 3m. Chóp tam giác là nhà vệ sinh. Bên ngoài vừa là nơi để chứa đồ, là nơi để nấu nướng và cũng là nơi ngả lưng của hai vợ chồng anh. Còn trên gác là nơi ở của 3 cậu con trai. “Nhà đông anh em, nên khi ra ở riêng, cha mẹ cho miếng đất nhỏ này nên hai vợ chồng đi mua thêm vật liệu về cất và ở cũng được hơn 15 năm nay”, ông Đỏ cho hay.


Sống trong căn nhà nhỏ, bà Bùi Thị Kim Ngọc vẫn cố gắng thu xếp một góc để may vá gia công kiếm thêm thu nhập.

Sống trong căn nhà nhỏ, bà Bùi Thị Kim Ngọc vẫn cố gắng thu xếp một góc để may vá gia công kiếm thêm thu nhập.

Khác với gia đình ông Đỏ, gia đình bà Phan Thị Hoàng (62 tuổi) sống tại căn nhà trong con hẻm 408, đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) có chiều rộng 1,8m và dài 2m. Nhưng đây lại là nơi sinh sống của 7 người gia đình bà Hoàng suốt hơn 20 năm nay.

“Đến chỗ ngủ còn không đủ thì lấy đâu ra không gian mà ăn cơm với sinh hoạt gia đình. Mỗi lần đi vệ sinh, cả gia đình phải đi nhờ nhà hàng xóm. Diện tích của căn nhà chỉ đủ để cái gường tầng và vài thứ đồ đạc. Thấy thương con cháu nên tôi thường mang ghế xếp ra đường để ngủ và nhường chỗ lại cho mấy đứa nhỏ”, bà Hoàng tâm sự. Theo bà Hoàng nhà đã chật chội, tù túng nhưng giữa nhà còn có cây cột gỗ nên lại chật như nêm.

Chị Phan Thị Bé Ba, con gái bà Hoàng (39 tuổi) kể: “Trước năm 1975 gia đình tôi làm gì có nhà, cứ vật vạ ngoài đường vậy. Sau đó, chính quyền mới cấp cho căn nhà nhỏ này, tôi không nhớ rõ từ năm nào nhưng ở đây cũng phải hơn 20 năm rồi”.  Ban đầu, chỉ vài ba người ở, nhưng sau con cái lập gia đình, sinh nở và sống ở đây luôn.

Bên trong căn nhà chỉ hơn 2 mét vuông lỉnh kỉnh tủ lạnh, tủ quần áo. Chỗ ngủ của ba thế hệ là chiếc giường tầng bằng sắt hoen gỉ. Khi có khách vào nhà, thì phải ra đường hoặc đứng ngoài cửa tiếp chuyện vì không còn chỗ vào nhà. Vì nhà chật nên bên trong nhà thường chỉ có 4 người.

Bi hài thuê nhà tắm, vệ sinh

Sống trong những căn nhà chật hẹp, nên các khoảng không gian dành cho việc vệ sinh hay phục vụ các nhu cầu thiết yếu cũng bị hạn chế rất nhiều. Ông Trần Văn Đỏ chia sẻ rằng, thiếu thốn, cấp bách nhất là nhà vệ sinh. “Nhà chật hẹp, đôi khi thành viên trong gia đình phải đi nhờ…nhà vệ sinh của hàng xóm. Việc đó rất bất tiện nhưng không thể nào tránh khỏi. Tôi cũng không biết làm gì ngoài việc đôi khi…gửi tiền cho hàng xóm như thuê nhà vệ sinh”, ông Đỏ trình bày.


Cận cảnh không gian trong ngôi nhà tí hon của ông Trần Văn Đỏ

Cận cảnh không gian trong ngôi nhà tí hon của ông Trần Văn Đỏ

Ông Mai Văn Lam, một hộ dân sống trong “xóm nhà hộp” này nói, dù sống trong nhà bằng “cái lỗ mũi”, bất tiện đủ đường nhưng mấy chục năm giờ cũng quen, quan trọng là liệu cơm mà gắp mắm. Khi được hỏi “gắp mắm làm sao”, ông Lam cười và cho biết: Nhà nhỏ nên vật dụng phải tối giản: không giường, không ghế, không tủ. Ngoài ra những thứ cần thiết thì treo hết: tivi treo, quạt treo... ban ngày xe cộ để hết ngoài đường. “Khách đến uống nước trên sàn, ăn cơm trên sàn, con cũng học trên sàn. Tối ngủ, ngoài 2 cái xe máy, mỗi người cũng còn được một hàng gạch (khoảng 40cm) cứ nằm thẳng ra mà ngủ thôi”, ông Lam chia sẻ.

Tuy đã sắp xếp hết sức chu đáo, nhưng ông Lam còn một điều băn khoăn, hiện con trai duy nhất của ông gần 30 tuổi đã đến tuổi lập gia đình, nhưng lấy vợ rồi về biết ở đâu. Ông đang dự định làm thêm cái gác xép để con trai lấy vợ. Cũng sống trong căn nhà chật hẹp, nhưng hoàn cảnh của anh Nguyễn Công Tuấn lại éo le hơn rất nhiều. Trong một cơn bạo bệnh, anh phải cắt bỏ đi đôi chân và hiện đang sống cùng 3 đứa con tại một căn nhà nằm ở hẻm 107 đường Bùi Viện, quận 1.

Không chịu nổi cuộc sống chật vật, vợ anh bỏ đi. Anh Tuấn hàng ngày đi bán vé số, tối về chui vào cái “ổ” mà anh gọi là nhà để nghỉ ngơi, chăm con. Hàng ngày, khi đến giờ tắm giặt, anh đều gửi các con qua nhà cô, chú để được chăm sóc. Riêng anh thì phải thuê “nhà tắm” của hàng xóm để sử dụng.

Theo Hữu Huy

Tiền Phong

Trở lên trên