Thủ tướng: “Không để sông chết, không để Hà Nội ngập lụt”
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan để nghe báo cáo đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra hôm qua, 3.3.
Ba mục tiêu lớn của đồ án
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1758 từ cuối năm 2012 với địa giới mới gồm Hà Nội và 9 tỉnh (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang) với tổng diện tích toàn vùng khoảng trên 24.314km2, dân số hiện trạng (năm 2012) khoảng 17,6 triệu dân.
Thực hiện đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” (viết tắt là đồ án), Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia và Viện Quy hoạch phát triển Vùng Ile de France - IAU (đơn vị lập quy hoạch vùng thủ đô Paris - Pháp) phối hợp thực hiện. Cho đến nay đồ án được lập, thẩm định và trình duyệt theo đúng quy trình, được tham vấn của tất cả các cơ quan có liên quan.
Đồ án đã nêu lên 3 mục tiêu lớn của quy hoạch xây dựng vùng là: Thứ nhất, đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quản lý quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ là liên kết giữa các địa phương trong vùng; thứ hai là tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các khu vực xung quanh về kinh tế, văn hóa-xã hội; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn; thứ ba, làm cơ sở cho việc lập và điều chỉnh các quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng dọc tuyến đường vành đai, cao tốc liên tỉnh, các vùng, các khu chức năng đặc thù, quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồ án đã đề cập mạnh tới tính chất liên kết vùng, nhất là liên kết về hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ. Cùng với phát triển hệ thống đô thị và giao thông, nhiều định hướng quan trọng cũng được làm rõ như công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, môi trường, cấp thoát nước, đào tạo nguồn nhân lực,…
Phó Thủ tướng đề nghị trong tổ chức thực hiện cần có sự phân vai, phối hợp rõ ràng giữa các bộ, ngành, địa phương. Đi liền với liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội phải đảm bảo được vững chắc an ninh quốc phòng.
Không được để sông chết
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương Ban chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng thủ đô Hà Nội mà trực tiếp là Bộ Xây dựng. Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh sự liên quan trực tiếp và mật thiết giữa đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” và quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình vừa mới được phê duyệt cuối tháng 2.2016.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, quy hoạch này có tầm ảnh hưởng đến toàn bộ các địa phương trong vùng thủ đô. Tuy nhiên, sau khi được phê duyệt, ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều địa phương cho rằng quy hoạch này quá an toàn và trong điều kiện đất chật người đông, gây ra sự lãng phí khi có nhiều bãi ven sông bị bỏ hoang, không được sử dụng.
“Hà Nội và các tỉnh liên quan phải hết sức chú ý khôi phục hết các hệ thống sông để vừa làm đẹp, vừa tạo điều kiện thoát nước và giao thông thủy. Cả mấy con sông này không được để nó chết. Nên cho tư nhân bỏ tiền ra kè để họ được sử dụng một phần diện tích nào đó. Tôi cũng đề nghị Hà Nội khôi phục những hồ đã lấn chiếm và bố trí những trạm bơm cưỡng bức để chống lụt. Không thể để Hà Nội ngập lụt” - Thủ tướng yêu cầu.
Trong quy hoạch về đô thị, khu công nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tính toán kỹ, cân nhắc kỹ theo nhu cầu của từng tỉnh và cho cả vùng. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp hiện đại, tập trung; không phát triển các cơ sở công nghiệp theo kiểu tràn lan, bám mặt đường quốc lộ, tỉnh lộ. Cùng với đó, trong quy hoạch phát triển y tế, giáo dục cũng phải rõ ràng, không làm tràn lan.
Lao động