Tiền lại đổ vào dự án BĐS nghỉ dưỡng
Khi thị trường BĐS tăng trưởng mạnh thì cũng là lúc phân khúc BĐS nghỉ dưỡng tiếp tục rơi vào tầm ngắm của nhà đầu tư trong và ngoài nước sau một thời kỳ “ngủ đông” khá dài.
- 28-06-2015Đầu tư 4.600 tỷ đồng xây dựng khu nghỉ dưỡng Grand World tại Phú Quốc
- 26-06-2015Phú Quốc sắp có thêm dự án nghỉ dưỡng năm sao
- 26-06-2015Thị trường BĐS nghỉ dưỡng: Đầu tư nội “đi trước đón đầu” đầu tư ngoại
- 23-06-2015FLC Group khánh thành toàn bộ Quần thể du lịch nghỉ dưỡng bậc nhất Việt Nam
Tóm tắt
- Một số địa phương khác có ngành du lịch chưa phát triển như Thanh Hóa, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.
- Đặc biệt, Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã có hiệu lực cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, BĐS nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Cuộc chơi của những nhà chuyên nghiệp
Từ lâu, Phú Quốc đã trỗi dậy với nhiều doanh nghiệp BĐS lớn như BIM Group, Sungroup, Vingroup, CEO Group, Nam Cường Hà Nội… đã đổ hàng chục nghìn tỷ đồng xây dựng các khu đô thị, khu nghỉ dưỡng từ 3 - 5 sao trên hòn đào này.
Mới đây nhất, tập đoàn M.I.K cũng đã công bố đầu tư gần 100 triệu USD cho hai dự án BĐS nghỉ dưỡng mới trên thiên đường du lịch này. Tiếp đó, ngày 27/6 vừa qua, tập đoàn LDG cũng đã cho ra mắt dự án nghỉ dưỡng quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng nhằm chuẩn bị thời cơ phát triển mới.
Không dừng lại đó, một số địa phương khác có ngành du lịch chưa phát triển như Thanh Hóa, Bình Định, Ninh Thuận, Đồng Nai cũng đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư.
Cuối tháng 5/2015, Tập đoàn FLC đã động thổ xây dựng dự án quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý, tại TP. Quy Nhơn với quy mô vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. Dự kiến dự án bắt đầu đưa vào hoạt động, khai thác từ quý I/2016. FLC cũng đang có tham vọng muốn biến Thanh Hóa thành điểm đến mới của những người có nhu cầu mua BĐS nghỉ dưỡng khi đầu tư dự án FLC Samson Golf Links, có vốn đầu tư trên 5.500 tỷ đồng.
Tại Bình Định, Tập đoàn Vingroup đã xây dựng dự án Khu du lịch Hải Giang, với tổng diện tích quy hoạch hơn 650ha, tổng vốn đầu tư gần 3.500 tỷ đồng. Sắp tới, Vingroup sẽ chọn Cần Thơ để đầu tư dự án xây dựng sân golf 18 lỗ, khu biệt thự cao cấp tại cồn Ấu và khu vui chơi giải trí Vinpearlland trên cồn Nổi. Mới đây nhất, UBND Tp.HCM đã “chọn mặt gửi vàng” giao dự án Khu đô thị biển Cần Giờ trị giá 1,5 tỷ USD cho Vingroup tiếp tục đầu tư sau 15 năm “nằm im”.
Một tên tuổi không mới trên thị trường BĐS Việt Nam là Sacomreal cũng đang chuyển hướng “vung tiền” đầu tư vào lĩnh vực này, bên cạnh hàng loạt dự án nhà ở và đất nền tại Tp.HCM. Ngày 1/7, Sacomreal chính thức công bố dự án Jamona Home Resort tại quận Thủ Đức, trên diện tích 9ha, với tổng vốn đầu tư là 400 tỷ đồng. Đây là dự án được nhiều người đánh giá là hướng đi khá “lạ” của Sacomreal khi chọn vị trí này để đầu tư loại hình này.
Thị trường điểm
Theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng hay Quảng Ninh không còn giữ ngôi vị “hậu” trong dòng chảy vốn đầu tư vào các dự án BĐS nghỉ dưỡng. Thay vào đấy, các địa phương ven biển như Bình Định, Phú Yên, Hải Phòng, Bình Thuận, Ninh Thuận sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong 5 năm tới. Đặc biệt, một khi Chính phủ Việt Nam “bật đèn xanh” cho việc đầu tư phát triển các trung tâm nghỉ dưỡng có kèm casino, thì những địa phương trên sẽ trở thành điểm đến mới của các dòng vốn ngoại.
Ông Thân Thành Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Du lịch Việt Nam, cho biết phân khúc BĐS du lịch vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới, khi Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong các hiệp định kinh tế song phương và đa phương. Từ đó, lượng khách du lịch quốc tế tiếp tục đến Việt Nam ngày một nhiều. Đặc biệt, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có hiệu lực cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, BĐS nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn.
Theo nhận định của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư công ty Savills Việt Nam, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam đang có sự cạnh tranh tốt so với các nước khác trong khu vực. Một khi chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà dài hạn của Chính phủ Việt Nam đi vào thực tiễn cuộc sống, thì Việt Nam chắc chắn trở thành một điểm đến hàng đầu cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì, thời gian qua Savills đã liên tục nhận được nhiều yêu cầu cung cấp thông tin đầu tư vào lĩnh vực này từ các nhà đầu tư trong khu vực ASEAN.
Cùng đánh giá trên, ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Công ty TNHH Grant Thornton Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, chỉ rõ qua khảo sát và nghiên cứu từ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ có kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực BĐS du lịch Việt Nam, kết quả nhận được thời gian gần đây hết sức khả quan. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu có chiến lược “rót” vốn vào Việt Nam, thông qua hình thức hoặc mua lại dự án nghỉ dưỡng hiện hữu hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài.