Tp.HCM: Công nhân bỏ thuê nhà trong KCN vì giá quá cao
Nhu cầu về nhà ở cho công nhân (CN) tại TP.HCM ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, đến nay cả phía Nhà nước và doanh nghiệp (DN) vẫn đang loay hoay tìm giải pháp. Theo các DN, nút thắt lớn nhất hiện nay là thiếu quỹ đất và DN không mặn mà xây nhà cho công nhân.
- 12-10-2015TP. Hồ Chí Minh: Tiềm năng lớn tại phân khúc nhà ở giá rẻ
- 16-08-2015Nhà ở sinh viên hơn 1.000 tỷ: Giá rẻ, vì sao vắng vẻ?
- 19-07-2015Nhiều dự án nhà xã hội "mặc áo" nhà ở thương mại giá rẻ
- 04-12-2013Bộ trưởng Bộ Xây dựng: “Cần tạo ra nhiều nhà ở giá rẻ”
Tóm tắt
Mặc dù công nhân liên tục tăng ca, nhưng thu nhập dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, thì không đủ để thuê nhà ở.
Một nút thắt cổ chai lớn nhất khiến chương trình xây dựng nhà lưu trú cho công nhân ì ạch, theo Sở Xây dựng TP.HCM, là do thiếu quỹ đất và các DN cũng không mấy mặn mà đầu tư trong lĩnh vực này.
Giá thuê nhà vẫn còn cao
Ghi nhận của chúng tôi tại khu nhà lưu trú (NLT) cho công nhân của KCX Tân Thuận (Q.7), mặc dù ban quản lý tòa nhà đã có nhiều chính sách ưu đãi cho CN, đến nhiều công ty trong KCX vận động CN vào ở NLT, nhưng hiện nay chỉ khoảng 50% công suất phòng được khai thác. Theo ban quản lý NLT, những năm đầu khi NLT mới đưa vào sử dụng, lượng CN vào ở chật kín.
Tuy nhiên, qua thời gian, đến nay hầu hết CN đã “xin” ra ngoài ở. “Lương của tôi, nếu tháng nào tăng ca mới được 1,5-1,8 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ tính riêng tiền thuê phòng đã mất gần 500.000 đồng/tháng. Để giảm chi phí, nên tôi phải ở ghép với số lượng rất đông để giảm tiền nhà ở. Tuy nhiên, nhà trong KCX ở rộng hơn nhưng nhưng do hạn chế số người ở chung nên chi phí vì thế cao hơn”, một công nhân cho biết.
Theo các CN tại đây, nguyên nhân khiến họ lũ lượt dọn ra ngoài ở, mặc dù điều kiện sống tệ hơn vì ở ngoài họ có thể sống nhiều người trong một căn nhà, giá thuê vì thế rẻ hơn. Ngoài ra, ở ngoài sống không phải gò bó vì những quy định. “Trong NLT chúng tôi không được nấu ăn, mà phải đi ăn ở ngoài đắt đỏ gấp nhiều lần. Ra ngoài, chúng tôi có thể tự đi chợ, nấu ăn, từ đó cũng giảm được một khoản chi đáng kể”, chị Thuận, quê ở Quảng Nam, vừa dọn ra ngoài thuê nhà tính toán.
Theo Ban quản lý các KCN-KCX TP.HCM, một khảo sát về chi phí sinh hoạt tối thiểu của CN độc thân ngành dệt may, gia công đồ gỗ tại các KCX-KCN trên địa bàn thành phố cho thấy tổng thu nhập khoảng 1,7 triệu đồng/tháng (gồm: lương cơ bản, phụ cấp, tăng ca). Trong khi đó, chi phí ăn, ở, sinh hoạt mỗi tháng đã ngốn từ 1-1,5 triệu đồng.
Đó là chưa kể tiền khám chữa bệnh, nuôi con khi đã lập gia đình và tiền gửi về quê khi có việc. “Mặc dù CN liên tục tăng ca, nhưng thu nhập chỉ còn dưới 1,5 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập như vậy, thì mức giá cho thuê ở các khu NLT của một số KCN hiện còn quá cao.
Ngay cả nhà lưu trú ở KCN Tân Bình, nhiều CN được DN hỗ trợ tiền thuê, nên mỗi tháng chỉ trả khoảng 150.000đ/người nhưng NLT vẫn… ế”, một đại diện của Ban quản lý các KCN-KCX TP.HCM cho biết.
Lấy đất công xây nhà ở cho CN
Một nút thắt cổ chai lớn nhất khiến chương trình xây dựng NLT cho CN ì ạch, theo Sở Xây dựng TP.HCM, là do thiếu quỹ đất và các DN cũng không mấy mặn mà đầu tư trong lĩnh vực này.
Mặc dù UBND TP.HCM đã nhiều lần ra “tối hậu thư” yêu cầu các DN trong quy hoạch chi tiết 1/2000 tại các KCN-KCX phải dành quỹ đất để xây dựng NLT cho CN và các tiện ích công cộng khác, nhưng trên thực tế có rất ít DN nghiêm chỉnh chấp hành quy định này.
Theo Sở Xây dựng thành phố, thực tế chỉ các KCN-KCX được xây dựng mới khi cấp phép hoặc phê duyệt quy hoạch, các địa phương mới bắt buộc phải dành quỹ đất để làm NLT cho CN, còn những dự án đã triển khai trước đó thì chủ đầu tư không hề dành quỹ đất để thực hiện nghĩa vụ này.
Trong khi đó, theo phản ánh từ các DN, họ không mặn mà tham gia đầu tư vào lĩnh vực nhà ở cho CN vì lợi thu về không được bao nhiêu, trong khi đó thời gian thu hồi vốn cũng kéo dài có khi lên đến 20 năm, thậm chí là 30 năm.
“Với cùng số tiền này, nếu DN đầu tư vào một dự án nhà ở thương mại nào đó, lợi nhuận sẽ cao hơn và đồng vốn quay vòng cũng nhanh hơn. DN tham gia xây nhà ở cho CN là vì lương tâm và trách nhiệm chứ không phải vì lợi nhuận”, một nhà đầu tư địa ốc tại Tp.HCM, cho biết thêm.
Để giảm bớt gánh nặng cho DN trong việc xây dựng NLT cho CN, một số DN kiến nghị thành phố nên hỗ trợ toàn bộ lãi vay làm dự án, với thời hạn hỗ trợ lãi suất theo thời gian là 20 năm. Trên địa bàn có nhiều kho bãi để trống hoặc sử dụng chưa đúng mục đích gây rất nhiều lãng phí. TP.HCM cũng cần mạnh tay thu hồi để tạo nguồn vốn, tạo quỹ đất để đầu tư cho các chương trình nhà ở.