TP.HCM: Tràn lan dự án “treo”
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, hiện tại trên địa bàn có hơn 2.500 dự án BĐS, trong đó có không ít dự án thuộc diện “treo”.
- 01-06-2015Đà Nẵng: Sẽ “khai tử” các dự án "treo" ven biển
- 04-05-2015Hà Nội: Vì sao nhiều dự án vẫn… “treo”?
- 14-01-2015Loay hoay tìm giải pháp xử lý dự án treo ở Mê Linh
- 30-10-2014Dự án trên giấy, hàng trăm hộ dân bị "treo" quyền lợi
Tóm tắt
Điểm lại một loạt các dự án BĐS trên địa bàn, một số Sở ngành của Tp.HCM cho rằng hiện tại rất nhiều dự án không có động tĩnh gì để đẩy nhanh tiến độ thi công, thay vào đó chủ đầu tư đã cho tư nhân thuê lại để làm bãi giữ xe nhằm thu lợi bất chính.
Điểm lại một loạt các dự án BĐS trên địa bàn, một số sở ngành của Tp.HCM cho rằng hiện tại rất nhiều dự án không có động tĩnh gì để đẩy nhanh tiến độ thi công, thay vào đó chủ đầu tư đã cho tư nhân thuê lại để làm bãi giữ xe nhằm thu lợi bất chính.
Một số ví dụ điển hình như: dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (Phường 28, quận Bình Thạnh, Tp.HCM) liên quan đến cuộc sống của hơn 12.000 hộ dân bị “treo” suốt 17 năm qua mà vẫn không có phương án giải quyết. Thành phố đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và Tập đoàn Bitexco tiến hành quy hoạch 1/2000 để sớm triển khai đầu tư nơi đây thành một khu trung tâm thương mại – giải trí – du lịch lớn của Tp.HCM. Tuy nhiên, đến nay tiến độ vẫn còn khá chậm.
Hay dự án tại khu C30 (nay thuộc tổ 1, 2, khu phố 1, Phường 6, quận Tân Bình, TP.HCM) được công bố từ năm 1980, theo đó khu này làm cơ quan, nhà ở của ngành bưu điện với tổng diện tích hơn 40 ha, đến năm 2009, UBND Tp.HCM ra quyết định quy hoạch 1/2.000 để làm trung tâm thương mại, sản xuất kỹ thuật cao, kinh doanh, dịch vụ chuyên ngành bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin.
Ngày 10/2/2015, UBND Quận Tân Bình đã tổ chức công bố công khai Thông báo mời gọi đầu tư dự án này trên trang thông tin điện tử của quận. Tính đến ngày 16/4/2015, đã quá thời hạn mời gọi đầu tư dự án và kết quả, chỉ duy nhất có một nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án.
Một số dự án khác như: Dự án đầu tư Đảo Kim Cương tại quận 2; dự án chung cư cao cấp The Kenton ở quận 7; dự án khu đô thị Tây Bắc rộng 9.000ha ở huyện Củ Chi; dự án khu đô thị đại học Quốc tế của Malaysia … đều “vắng bóng nhà đầu tư” hàng năm trời. Các chủ dự án này được thành phố dành cho một diện tích đất khá tốt để triển khai các hạng mục đầu tư từ nhiều năm qua, nhưng đến nay họ cũng chỉ hoàn thành một vài block chung cư, còn lại nhiều diện tích đất đang bị bỏ hoang rất lãng phí.
Thời gian qua, thành phố đã tiến hành rà soát các dự án đã cấp phép xây dựng nhưng không làm gì nhằm thu hồi, hoặc hủy bỏ dự án để mời gọi nhà đầu tư khác. Kết quả, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM, hiện có gần 600 dự án BĐS "án binh bất động". Tuy nhiên, khi nhà đầu tư mới xuất hiện, ban đầu rất hăm hở nhưng rồi lại tiếp tục “treo” từ năm này sang năm khác, thậm chí hàng chục năm trời gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân ở nhiều nơi và gây lãng phí đất đai.
Theo UBND Tp.HCM, hiện nay các quận/huyện trên địa bàn có tình trạng cấp phép đầu tư dự án một cách “loạn xạ” mà thiếu căn cứ vào các quy hoạch đất đã được phê duyệt. Thậm chí có quận cấp phép quy hoạch ngay trên những con đường, lộ giới chưa được mở, dân số và kết cấu hạ tầng không được quy hoạch đồng bộ. Các địa phương cứ vịn vào cơ cấu dân số phát triển trong tương lai mà cứ cấp phép xây dựng dự án tràn làn, làm phá vỡ quy hoạch.
Được biết, trong thời gian tới, căn cứ trên cơ sở các danh mục dự án đã bị thu hồi, thành phố sẽ tiếp tục “lọc” lại các dự án nào cần xúc tiến mời gọi nhà đầu tư thì sẽ làm ngay, còn dự án nào không thực hiện được thì sẽ trả lại đất đã quy hoạch cho người dân với đầy đủ quyền lợi chính đáng mà họ được thụ hưởng.
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội Tp.HCM 6 tháng đầu năm 2015 mới đây, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh rằng hiện tại có nhiều chủ đầu tư chỉ mong muốn xin dự án để dành đất mà không làm gì cả, rất lãng phí cho quỹ đất thành phố. Do vậy, chặn đứng tình trạng những doanh nghiệp “tay không bắt giặt” là một trong những việc phải thực hiện ngay để có được những dự án đúng nghĩa từ các chủ đầu tư có đầy đủ năng lực thực hiện. Từ đó, thành phố sẽ tạo được quỹ đất "sạch" để phát triển lĩnh vực BĐS một cách bền vững, đúng định hướng đề ra.