MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Nhà đầu tư BĐS sẽ “tranh” nhau nhiều suất đổi đất lấy hạ tầng

10-08-2015 - 15:57 PM | Bất động sản

Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho lĩnh vực này từ nay đến thời điểm đấy là 326.277 tỷ đồng.

Tóm tắt

- Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Tp HCM đã đầu tư cho hạ tầng giao thông nguồn vốn hơn 24.778 tỷ đồng, trong đó có hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động từ nguồn xã hội hóa. Thành phố cũng đã huy động nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BTO, BT…

- Thông tin từ sở GTVT cũng cho biết, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho một liên doanh bát động sản - xây dựng tham gia nghiên cứu dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với hình thức hợp đồng BT.


Như vậy, trong giai đoạn trước mắt, mỗi năm thành phố phải đầu tư khoảng 23,7 nghìn tỷ đồng để phát triển cầu đường giao thông. Trong năm 2014, TP.HCM đã thi công hoàn thành 47 công trình, tăng thêm 26,8km chiều dài đường, diện tích tăng thêm trên 678 m2.

Tổng nguồn vốn dành cho lĩnh vực hạ tầng giao thông của thành phố trong năm 2015 khoảng 30,5 nghìn tỷ đồng, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 15% nhu cầu vốn). Do vậy, thành phố đang tận dụng nguồn vốn đầu tư từ tư nhân bằng việc dành đất đổi hạ tầng.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, Tp HCM đã đầu tư cho hạ tầng giao thông nguồn vốn hơn 24.778 tỷ đồng, trong đó có hàng nghìn tỷ đồng đã được huy động từ nguồn xã hội hóa. Thành phố cũng đã huy động nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức PPP, BOT, BTO, BT…

Theo Sở GTVT Tp.HCM, một trong những nguyên nhân khiến việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa bị “chững” lại là do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Việc đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) gần như khó tiếp tục thực hiện khi mà người dân phản ứng gay gắt với tình trạng trạm thu phí quá dày đặc, quá trình đền bù giải tỏa kéo dài. Còn đối với hình thức hợp tác công tư (PPP), mặc dù rất được kỳ vọng, nhưng khi mà các hành lang pháp lý chưa rõ ràng thì giải pháp này vẫn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả hai bên.

“Trong thời gian tới thành phố sẽ thực hiện thu hút vốn đầu tư lĩnh vực giao thông bằng phương án sử dụng vốn ngân sách và giá trị quyền sử dụng đất (quỹ đất sạch) để hoàn trả chi phí đầu tư và tiếp nhận công trình theo hình thức BT”, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT thành phố, cho biết.

Theo đó, thành đố đã tận dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư tư nhân để phát triển hạ tầng, từ đó tạo điều kiện tốt cho thị trường BĐS nhiều khu vực phát triển mạnh. Thời gian qua, Tập đoàn Vingroup khi triển khai dự án Vinhomes Tân Cảng đã cam kết với UBND Tp.HCM đầu tư nâng cấp con đường Nguyễn Hữu Cảnh, xây dựng tuyến đường ven sông từ đường Tôn Đức Thắng đến đường chui bên dưới dạ cầu Sài Gòn và mở rộng đường Ung Văn Khiêm, với tổng vốn đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng.

Để triển khai Khu đô thị Sa La, Công ty Đại Quang Minh đã ký hợp đồng với thành phố xây dựng 4 tuyến đường chính, quảng trường trung tâm, cầu Thủ Thiêm 2, khu công viên bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) vừa khởi công dự án đổi đất lấy hạ tầng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đây là dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng cho khu 3 và 4. CII sẽ nhận lại quỹ đất trên 84 nghìn m2, với tổng giá trị đất được định giá là 2.343 tỷ đồng.  CII sẽ đầu tư hai dự án BĐS lớn là dự án Marina Bay và dự án Thủ Thiêm Lake View.

Thông tin từ sở GTVT cũng cho biết, đơn vị này đã có văn bản kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho một liên doanh bát động sản - xây dựng tham gia nghiên cứu dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với hình thức hợp đồng BT. Đổi lại, liên doanh này mong muốn thành phố giao quỹ đất để đầu tư khu đô thị - thương mại tại Thủ Thiêm nhằm thu hồi vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, khu đô thị Tây Bắc, kéo dài từ huyện Củ Chi đến Hóc Môn, có diện tích hơn 90.000 ha đang được thành phố chọn để tập trung kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước "rót" vốn đầu tư hệ thống hạ tầng thông qua hình thức BT, như dự án đường Tam Tân, đường dọc kênh số 5, số 7, số 8, nút giao thông đầu đường dẫn vào cầu An Hạ…. Khu đô thị này còn gắn với các trục giao thông chiến lược, thông qua đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) kết nối Tp.HCM với tỉnh Long An, Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài.

Trước đó, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đã đầu tư khoảng 360 triệu USD xây dựng tuyến đường dài 13,6km nối quận Phú Nhuận, Gò Vấp và Tân Bình, quy mô 8-12 làn xe lưu thông, đổi lại đơn vị này được giao đất tại Q.2, Q.9 và Q.10.

Trong năm 2015 này, Sở GTVT tiếp tục kêu gọi đầu tư đối với các đoạn đường thuộc tuyến đường Vành đai 2 phía đông, trong đó ưu tiên đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến ngã tư Bình Thái; đường Vành đai 2 phía Nam thành phố, cầu đường Bình Tiên, xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương, nâng cấp và mở rộng quốc lộ 13. Hoàn tất các thủ tục cần thiết để lựa chọn nhà đầu tư và khởi công bãi đậu xe ngầm tại sân bong Tao Đàn, bãi đậu xe ngầm tại sân bong Hoa Lư… Trong số đó, thành phố đang tập trung kêu gọi nhà đầu tư tham gia bằng hình thức đổi đất lấy hạ tầng.

Một chuyên gia kinh tế nhận định rằng với chính sách phát triển "đôi bên cùng có lợi" như Tp.HCM đang áp dụng một cách mạnh mẽ như thế, kết hợp với quyết định về việc thực hiện hình thức đầu tư BT mà Thủ tướng Chính phủ mới vừa ban hành, sẽ là những cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư muốn phát triển dự án BĐS. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt vẫn là làm sao thành phố tạo được sự an toàn cho nhà đầu tư và tránh phân biệt đổi xử.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên