MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Nhà nứt, hầm lún cả thước

05-03-2016 - 10:58 AM | Bất động sản

Nhà dân nhiều nơi bị sụt, lún nứt, hư hỏng; cầu, hầm chui, đường giao thông bị lún và ngày càng bị ngập sâu hơn,… Tình trạng lún sụt ở TPHCM gây bất an và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý một cách bài bản.

Nhiều căn nhà mặt tiền đường Nam Hòa (phường Phước Long A, quận 9) bỗng dưng bị nứt toác từ cuối năm 2015. Tường, trần nhà xuất hiện nhiều vết nứt dài, khe hở của vết nứt ngày càng rộng, có thể nhét lọt cả ngón tay. Nền một số căn bị sụt lún nghiêm trọng.

Căn nhà số 157 của ông Trần Minh Đức bị hư hỏng nặng nhất. Căn nhà số 159 của ông Trần Minh Định (anh trai ông Đức) cũng bị nứt nhưng nhẹ hơn. Theo ghi nhận của Tiền Phong chiều 4/3, cả hai căn vừa được sửa lại nhưng tình trạng lún vẫn không giảm. Tường, trần nhà lại xuất hiện nhiều vết nứt chi chít. Tường lún nên các chấn song cửa sổ bằng sắt bị đứt rời khỏi khung cửa.

Vợ ông Đức cho biết: “Hai căn nhà trước kia vết nứt có thể nhét vừa hai ngón tay. Sân bị lún, sụt xuống. Gia đình luôn sống trong tâm trạng bất an, lo lắng, chưa đêm nào ngủ ngon giấc. Chúng tôi vừa bỏ ra hơn 100 triệu đồng sửa lại nhà cho tươm tất. Mới hơn một tháng nhà đã bị lún nứt trở lại”.

Nhiều căn nhà gần đó cũng xuất hiện tình trạng lún sụt, hư hỏng như căn nhà số 147, 149, … Căn nhà số 149 của ông Thiện (35 tuổi, quê Hưng Yên) nền nhà, tường bị nứt ngang dọc, vết nứt khá rộng. Nền nhà cũng nứt, lộ ra khe hở sâu hoắm chạy dài từ trước ra sau nhà. Sân xi măng bị lún, tách khỏi thềm nhà. Hai cánh cửa bên cao bên thấp, không khép lại được.

Trước đó, cũng tại phường Phước Long A, hàng chục căn nhà của 26 hộ dân mặt tiền đường Tây Hòa bị lún nứt, hư hỏng. Nền một số căn bị sụt xuống, tạo thành hố. Có hố sâu đến hơn 3m. Một số ngôi mộ cũng bị lún sụt.

Tình trạng sụt lún cũng xảy ra trên địa bàn phường 22 (quận Bình Thạnh) với trên 130 hộ dân khu vực xung quanh tòa nhà Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh) bị lún, nứt nhà. Người dân cho rằng thủ phạm là tòa cao ốc này còn theo đại diện chủ đầu tư cho rằng do nhà dân nằm trong khu vực có nền đất yếu, lại thường xuyên bị ngập nước.

Theo ông Nguyễn Văn Bình (38 tuổi), kỹ sư thủy lợi trú tại chung cư Ngô Tất Tố (phường 22), đường Nguyễn Hữu Cảnh, đoạn qua khu vực Saigon Pearl ngập nặng nhất. Mưa nhỏ, triều cường cũng ngập. Cách đây 3-4 năm, cũng đỉnh triều 1,50m, chỗ sâu nhất chỉ ngập nửa bánh xe. Bây giờ ngập lút yên xe máy. Chỉ có lún đất mới như vậy.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM (TNMT) nhận định: Nền đất yếu, tốc độ xây dựng nhanh, chất tải nhiều lên bề mặt thì bị lún là khó tránh khỏi.

Trở lại cầu Văn Thánh 2 đường Nguyễn Hữu Cảnh tiếp giáp quận 1 và quận Bình Thạnh, chúng tôi ghi nhận tình trạng sụt lún vị trí đường nối tiếp giáp mố cầu không còn sau khi làm thêm mỗi bên một nhịp cầu, việc lưu thông qua lại khá thuận lợi. Theo kết quả khảo sát của Sở GTVT trước khi sửa cầu Văn Thánh 2, toàn tuyến Nguyễn Hữu Cảnh nhiều đoạn bị lún, cao độ thấp hơn mực nước triều. Riêng hầm chui bị lún hơn 1,5 m vì nằm trên túi bùn sâu hơn 40m.

Mới chỉ …nghiên cứu

Theo công bố của Sở TNMT, tổng diện tích các khu vực sụt lún tại TPHCM lên đến gần 7.200 ha.

Có khoảng 20 khu vực bị sụt lún nhanh gồm một phần các phường 7, 15, 16 (quận 8); một phần các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông (quận 12); một phần các phường Tân Tạo A, An Lạc, Bình Trị Đông B (Bình Tân); một phần phường 26 (Bình Thạnh); một phần các xã Phong Phú, Bình Hưng, Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc (Bình Chánh), một phần xã Nhị Bình (Hóc Môn) và một phần các xã Nhơn Đức, Phú Xuân và thị trấn Nhà Bè (Nhà Bè).

Trên 40 khu vực khác bị sụt lún nhưng tốc độ chậm hơn, như một phần phường 10 (quận 6), một phần các phường Bình Thuận, Tân Thuận Tây, Tân Thuận, Phú Thuận, Phú Mỹ (quận 7) và nhiều khu vực khác ở các quận 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè…

Kết quả quan trắc biến dạng mặt đất năm 2015 cho thấy khu vực bị sụt lún lớn nhất lên tới 28 mm/năm. Khoảng 356 ha bị sụt lún với tốc độ hơn 15 mm/năm. Gần 2.500 ha bị sụt lún từ 10-15 mm/năm và trên 4.000 ha lún sụt mức trung bình từ 5-10 mm/năm.

Nhiều khu vực ở các huyện Nhà Bè, Bình Chánh mới xuất hiện tình trạng lún sụt. Nhiều vị trí ở quận 8, 12, Bình Chánh tình trạng sụt lún vẫn diễn ra đều đặn hơn 10 năm qua.

Theo một số chuyên gia thuộc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện tượng sụt lún liên quan đến tình trạng ngập úng đô thị hiện nay.

Một số nhà khoa học cũng đã báo động hiện tượng sụt lún xuất hiện do khai thác nước ngầm quá mức, xây nhà cao tầng, bê tông hóa vỉa hè ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ thừa nhận hiện nay chưa có số liệu chính thống về vấn nạn sụt lún.

“Kết quả quan trắc của Sở chưa có đủ cơ sở công bố TPHCM đang lún tốc độ bao nhiêu. Hầu hết các số liệu về lún đang sử dụng các nguồn từ hoạt động nghiên cứu của các cơ quan, đơn vị ở trung ương và TPHCM. Kết quả quan trắc của Sở TNMT cho thấy khai thác nước ngầm có gây lún sụt đất nhưng chỉ cục bộ ở một số các giếng khoan ở vùng đất yếu, hoặc giếng khai thác công suất lớn” – bà Mỹ cho biết.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

Trở lên trên