MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Thị trường BĐS tại khu Nam sẽ tạo ra một thế cạnh tranh mới với khu Đông

12-10-2015 - 13:57 PM | Bất động sản

Trong quý 3/2015, nguồn cung nhà ở nhiều phân khúc tại khu Nam TPHCM đã tăng mạnh rõ rệt, với 36% trong khi tại khu Đông chỉ là 29%.

Tóm tắt

Điều kiện tự nhiên khu Nam Sài Gòn khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái. Như vậy, Nam Sài Gòn hội đủ yếu tố thuận lợi về mọi mặt để nâng giá trị đô thị lên một mức cao hơn nếu phát triển theo hướng này.

Theo các chuyên gia của công ty Chứng khoán Rồng Việt, cùng với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế của Tp. HCM, các dự án đổi đất lấy hạ tầng đang giúp khuấy động thị trường BĐS khu Nam Tp.HCM sau một thời gian dài khá trầm lắng.


Yếu tố quyết định cho thị trường BĐS

Theo dự báo của CBRE Việt Nam, trong thời gian tới thị trường BĐS khu Nam tiếp tục hấp thụ nhiều nguồn vốn đầu tư do thành phố đang tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông quy mô lớn cho khu vực này.

Còn theo ông Trương Quốc Hưng, Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH Phú Mỹ Hưng, khu Nam đang có những điều kiện cần và đủ để tăng tốc phát triển. Trong đó, hạ tầng giao thông đóng một vai trò rất quan trọng để thị trường BĐS “ăn theo”. Trong năm 2015 và 2016, hàng loạt dự án như hầm chui ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh; cầu Rạch Đĩa mới, đường vào cảng Hiệp Phước sẽ được khởi công xây dựng; và Cảng Sài Gòn sẽ chính thức được di dời để phát triển khu siêu đô thị… sẽ tạo thời cơ rất lớn cho BĐS khu vực này.

Theo ông Hưng, kể từ khi triển khai xây dựng công trình tại khu Nam thành phố, sự tăng trưởng về mọi mặt ở nơi đây được xem là những bước thay đổi tích cực. Ý nghĩa lớn nhất của việc hoàn thành các công trình phát triển hạ tầng cụ thể là đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị - cảng Hiệp Phước và đô thị Phú Mỹ Hưng là đúng lúc, kịp thời, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - an sinh xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, khu Nam (gồm quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè) đang chuyển mình để trở thành một điểm đến mới của các nhà đầu tư BĐS.

Khi được hỏi về về tiềm năng phát triển thị trường BĐS của khu Nam hiện nay và giai đoạn tới, ông Hưng cho rằng, hướng Bắc có điều kiện đất đai và hạ tầng rất tốt, tuy nhiên, nếu phát triển khu đô thi với quy mô lớn ở đây thì về lâu dài có thể ảnh hưởng không tốt đến môi trường, đặc biệt là nguồn nước của Tp.HCM.

Phát triển về hướng Tây ở thời điểm đó hạ tầng chưa hoàn thiện, vị trí nằm xa quận 1 và quận 5 – hai quận trung tâm sầm uất của thành phố. Quận 2 thì gần quận trung tâm, nhưng điểm hạn chế bị ngăn cách bởi sông Sài Gòn.

Vì vậy, Nam Sài Gòn đã được chọn vì những lý do sau: Dải đô thị nằm dọc cùng trục và gần hai quận trung tâm là quận 1, quận 5, hệ thống giao thông sẵn có nên dễ dàng kết nối. Đồng thời, phát triển theo hướng Nam cũng phù hợp với xu thế phát triển của những đô thị lớn trên thế giới, đó là phát triển tiến dần ra biển. Mặt khác, điều kiện tự nhiên khu Nam Sài Gòn khá tốt, có hệ thống kênh rạch dày đặc, nằm gần rừng phòng hộ Cần Giờ nên đây là điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển đô thị sinh thái. Như vậy, Nam Sài Gòn hội đủ yếu tố thuận lợi về mọi mặt để nâng giá trị đô thị lên một mức cao hơn nếu phát triển theo hướng này.

“Điểm nóng” mới của TPHCM

Theo các chuyên gia của công ty Chứng khoán Rồng Việt, cùng với chủ trương xây dựng đặc khu kinh tế của Tp. HCM, các dự án đổi đất lấy hạ tầng đang giúp khuấy động thị trường BĐS khu Nam Tp.HCM sau một thời gian dài khá trầm lắng.

Nhìn xa hơn, sau khi việc nạo vét tuyến luồng Soài Rạp hoàn tất, lượng hàng hóa qua cảng Sài Gòn – Hiệp Phước sẽ gia tăng mạnh. Cộng với làn sóng FDI đón đầu TPP và các hiệp định FTA, các KCN xung quanh cảng như KCN Hiệp Phước , KCN Long Hậu sẽ có nhiều cơ hội để nâng cao tỷ lệ lấp đầy. Dự án tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành, tuyến metro số 4… sẽ tạo cơ hội phát triển lớn cho các công ty BĐS đã có sẵn quỹ đất lớn ở khu vực này.

Còn theo quy hoạch phát triển giao thông Tp. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, Tp. HCM sẽ xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 và quận 7. Dự án cầu Thủ Thiêm 4 có vị trí cách cầu Thủ Thiêm 3 khoảng 1,1 km theo đường sông về phía hạ lưu, giao cắt với cảng Tân Thuận thuộc bến cảng Sài Gòn. Đây được xem là dự án trọng điểm kết nối Khu đô thị mới Nam Sài Gòn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu của công ty CBRE Việt Nam, nhấn mạnh rằng trong thời gian tới, thị trường BĐS tại khu Nam sẽ tạo ra một thế cạnh tranh mới với khu Đông, khi mà thành phố đang thực hiện nhiều chính sách phát triển khu vực này. Tuy nhiên, để tránh tính trạng khu Nam có khả năng sẽ quá tải, khi mà hiện có hàng loạt dự án BĐS cao cấp đã và đang chuẩn bị đầu tư, thì hệ thống hạ tầng giao thông phải đi trước một bước.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên