TS Đinh Thế Hiển: Sửa đổi Thông tư 36 sẽ rất hữu ích cho BĐS trong trung hạn
Trong khi các doanh nghiệp kêu ca rằng việc dự thảo sửa đổi Thông tư 36 theo hướng siết chặt tín dụng là đòn hạ gục thị trường bất động sản vừa mới hồi phục thì nhiều chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển lại cho rằng việc NHNN điều chỉnh cho vay là hợp lý, làm lành mạnh thị trường bất động sản.
- 15-03-2016Sửa đổi Thông tư 36: Thị trường BĐS mất nhiều hơn được
- 14-03-2016Những tác động bất lợi của dự thảo sửa đổi Thông tư 36
- 11-03-2016TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tín dụng BĐS có thể giảm đến 40.000 tỷ đồng nếu sửa Thông tư 36
- 07-03-2016Dự thảo sửa đổi thông tư 36 tạo cơ hội cho BĐS?
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi mới đây, chuyên gia tài chính - ngân hàng Đinh Thế Hiển nhận định rằng trong 3 năm tới, Thông tư này sẽ giúp cho thị trường BĐS ổn định, doanh nghiệp có nhiều đòn bẫy tài chính hơn...
Theo ông Hiển, thời gian qua, các nhà phát triển bất động sản chuyên nghiệp cũng đã chủ động tìm kiếm nguồn vốn từ các kênh khác để không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch kinh doanh của mình. Thậm chí, vẫn có nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước đang tìm kiếm các dự án tiềm năng để mua lại.
Đặc biệt, việc sửa đổi Thông tư 36 sẽ giúp thị trường có được một đợt sàng lọc tốt hơn, trong đó những doanh nghiệp địa ốc yếu kém chắc chắn bị loại bỏ. Người mua nhà có thể tìm được những sản phẩm nhà ở chất lượng hơn từ các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản trị...
Trả lời câu hỏi của chúng tôi liệu Thông tư nay sẽ làm thị trường đóng băng hay không, ông Hiểu khẳng định: "Thông tư 36 chỉ ảnh hưởng tới thị trường đầu cơ, còn lại sẽ tác động lành mạnh đến thị trường nhà ở và đầu tư". Ông Hiển cho rằng, Thông tư 36 giúp thị trường tránh nguy cơ đóng băng, giảm giá do thừa cung, góp phần cân đối cung cầu, hạn chế đầu cơ, nhiễu loạn thị trường.
Vị chuyên gia kinh tế này nhận xét thêm: “Việc điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là hợp lý về mặt vĩ mô khi nền kinh tế đang có dấu hiệu thâm hụt tín dụng. Tín dụng nền kinh tế năm 2015 tăng nhanh, trong đó tăng trưởng tín dụng BĐS tăng mạnh góp phần tăng tỷ lệ tín dụng trung dài hạn/tổng tín dụng lên mức giới hạn 50%".
Quan hệ tín dụng - tăng trưởng GDP và BĐS trong 4 năm qua. Trích tham luận của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển tại hội thảo "Sửa đổi thông tư 36: Thị trường BĐS được gì, mất gì?".
Ông Hiển cũng cho rằng không nên quá lo lắng về việc Thông tư 36 thắt chặt tín dụng trong năm 2016, bởi dư địa cho vay trung dài hạn là 540.000 tỉ đồng trong khi dư địa BĐS hiện mới 390.000 tỉ đồng.Thông tư 36 sẽ làm lành mạnh thị trường BĐS, tạo cơ chế giảm tăng nguồn cung, giúp thị trường cân bằng cung cầu. Nhưng về lâu dài, thị trường cần thành lập quỹ tín thác BĐS phát triển bền vững.
“Trong cái nhìn trung hạn, tôi cho rằng thông tư này rất hữu ích”, TS Đinh Thế Hiển khẳng định khi trao đổi với chúng tôi.