Từ hiến đất thành... lấn chiếm đất
Năm 2001, bà Nguyệt hiến cho thôn 450m2 trong thửa đất hơn 1.100m2 của gia đình để làm hội trường. 13 năm sau, bà lại bị coi là “người lấn chiếm đất công” trên chính lô đất của mình.
- 24-03-2015Hiến đất, được hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở
- 15-11-2014Lấn, chiếm đất ở phạt đến 10 triệu đồng
Cầm trên tay các giấy cho nhượng đất, bằng khen “vì đã có thành tích hiến đất cho tập thể”, bà Hoàng Thị Thu Nguyệt (trú tại thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, Krông Nô, Đắk Nông) không khỏi ngỡ ngàng...
Bà Nguyệt nhớ lại năm 2001, do thôn Đắk Hoa không có đất để xây dựng hội trường, lớp mẫu giáo nên gia đình bà mới tự nguyện nhượng lại một lô đất có diện tích 450m2 trong thửa 1.141m2 của gia đình.
“Cả thửa đất có chiều ngang theo mặt đường khoảng 17m, sâu 80m. Tôi hiến cho thôn lô 15m mặt đường (chừa 2m để đi ra phía sau), sâu 30m, có tổng diện tích 450m2 để làm hội trường phía trước.
Từ đó đến nay, gia đình tôi xây nhà ở, dãy phòng trọ phía sau để sinh sống, kinh doanh trên mảnh đất còn lại” - bà Nguyệt nói.
“Hỏi xã thì người này đổ người kia, nói đời trước làm nên không biết. Họ nói ngang xương là cứ theo sổ đỏ hiện tại mà giải quyết
Bà HOÀNG THỊ THU NGUYỆT
Việc cho tặng đất đã được bà Nguyệt và ban tự quản thôn Đắk Hoa mà đại diện là ông Nguyễn Thái Thượng - nguyên trưởng thôn - cùng ký vào một tờ giấy viết tay thể hiện việc thôn chỉ xin khoảng “nửa sào” (450 - 500m2), có chiều dài theo trục đường liên thôn là 15m.
Năm 2008, bà Nguyệt còn được UBND xã Tân Thành tặng bằng khen “vì đã có thành tích hiến đất cho tập thể”.
Thế nhưng cuối năm 2013, bà Nguyệt mới biết toàn bộ lô đất (kể cả diện tích chưa hiến) đã được UBND tỉnh Đắk Nông cấp “sổ đỏ” cho UBND xã Tân Thành. Từ khi biết toàn bộ thửa đất được cấp “sổ đỏ” cho xã, bà Nguyệt đã nhiều lần khiếu nại nhưng vẫn chưa được giải quyết.
“Hỏi xã thì người này đổ người kia, nói đời trước làm nên không biết. Họ nói ngang xương là cứ theo sổ đỏ hiện tại mà giải quyết” - bà Nguyệt bức xúc.
Ông Nguyễn Thái Thượng - người trực tiếp đi xin đất của bà Nguyệt - cho biết thêm thời đó thôn có một hội trường cũ nát, đường đất khó đi nên mới đi vận động gia đình bà Nguyệt hiến đất.
Ban tự quản thôn chỉ xin “nửa sào” đất để làm hội trường, diện tích còn lại vẫn thuộc gia đình bà Nguyệt toàn quyền sử dụng.
Về việc bà Nguyệt hiện bị xem là “lấn chiếm đất công”, ông Thượng cho rằng có thể là do sai sót của cán bộ địa chính xã đã không kiểm tra diện tích thực tế mà bà Nguyệt hiến tặng, phần thuộc sở hữu của gia đình.
Mới đây UBND xã có tổ chức họp dân, nhiều người trong thôn cũng công nhận đất này thuộc gia đình bà Nguyệt, bà chỉ hiến 450m2 đất làm hội trường thôn.
Tuy nhiên mới đây, ông Nguyễn Xuân Hiền - chủ tịch UBND xã Tân Thành - nói nếu gia đình bà Nguyệt “không tự nguyện giao đất lấn chiếm” thì xã sẽ “xử lý theo pháp luật”, vì đất này đã được tỉnh cấp sổ đỏ rồi.
Bà Nguyệt nói mình mua thửa đất này từ năm 1988 (người bán còn sống) rồi hiến một phần đất cho thôn và ai trong thôn cũng biết.
“Ngoài ra, tôi hai lần xây dựng nhà ở và nhà trọ trên thửa đất này. Xã nói tôi lấn chiếm đất thì tại sao khi tôi xây nhà, phòng trọ không thấy ngăn cản, buộc ngừng thi công?” - bà Nguyệt bức xúc.
Yêu cầu xã báo cáo
Ông Huỳnh Long Quốc - trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Krông Nô - cho biết đã yêu cầu xã báo cáo.
Theo ông Quốc, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hội trường thôn thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh và dựa trên cơ sở UBND xã báo cáo nguồn gốc đất, không cần qua phòng.
Tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại, đơn vị đã yêu cầu xã giải trình để hướng dẫn người dân.
“Để giải quyết sự việc này thì cần xác định nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của bà Nguyệt như thế nào. Nếu xã xác định sai nguồn gốc đất, dẫn đến cấp sổ đỏ chưa đúng thì sẽ đề nghị tỉnh chỉnh sửa” - ông Quốc nói.
Trong khi đó, ông Ngô Chí Trung - chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đắk Nông - lại cho rằng tranh chấp đất giữa bà Nguyệt và UBND xã thì thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án.
Tuy nhiên, bà Nguyệt có thể làm việc với huyện, xã để xem xét việc xác định nguồn gốc có xảy ra sai sót hay không.
“Nếu xã báo cáo nguồn gốc đất lên tỉnh sai thì có thể làm văn bản đề nghị trả lại diện tích đất (không hiến) cho bà Nguyệt” - ông Trung hướng dẫn.
Tuổi trẻ