Vì sao hàng chục ngàn sổ đỏ thuộc dự án VLAP bị người dân từ chối?
Thực hiện Dự án "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam" (Dự án VLAP), đến nay, Huyện. Tuy Phước (Bình Định) đã thực hiện xong việc lập hồ sơ đăng ký, xét duyệt, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Thế nhưng đến nay vẫn còn 20.000 sổ đỏ thuộc Dự án VLAP tồn đọng do người dân... chưa chịu nhận.
- 31-01-2016Cấp sổ đỏ sai, không chịu bồi thường
- 17-12-2015Mất sổ đỏ gốc, vẫn được tách thửa
- 15-12-2015TP.HCM ùn tắc... sổ đỏ
Sổ đỏ có nhiều sai sót
Đến nay, các ngành chức năng của H. Tuy Phước đã lập hồ sơ đăng ký, xét duyệt, cấp sổ đỏ cho 131.416 hồ sơ thuộc diện hộ gia đình, cá nhân tại các xã, thị trấn trong huyện. Trong đó, có 106.108 hồ sơ đủ điều kiện cấp sổ đỏ; số hồ sơ không đủ điều kiện, chưa được cấp sổ đỏ là 25.308. Qua kết quả thẩm tra, đến nay, UBND H. Tuy Phước đã ký 105.100 sổ đỏ; Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành giao 84.700 sổ đỏ (gồm 10.448 sổ đỏ đất ở và 74.252 sổ đỏ đất nông nghiệp) cho người dân. Tuy nhiên, còn 20.400 sổ đỏ (gồm 14.826 sổ đỏ đất ở và 5.574 sổ đỏ đất nông nghiệp) đang ở chế độ "tồn kho" do người dân không nhận.
Một số người dân ở xã Phước Sơn (H. Tuy Phước), đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ Dự án VLAP, cho biết: "Nhà nước thực hiện đo đạc đất, cấp sổ đỏ cho người dân là điều rất tốt. Tuy nhiên, không hiểu sao sổ đỏ mới có nhiều sai sót, chênh lệch về diện tích đất so với sổ cũ nên chúng tôi còn chần chừ chưa muốn nhận".
Theo UBND H. Tuy Phước, nguyên nhân sổ đỏ còn tồn đọng nhiều là bởi công tác tuyên truyền, giải thích cho nhân dân chưa đạt hiệu quả cao, do đó, một số hộ dân khi nhận sổ đỏ mới thuộc Dự án VLAP, phát hiện có sai sót về tên, năm sinh, diện tích giảm, không có tài sản trên đất... so với sổ đỏ cũ nên không đồng ý nhận. Mặt khác, nhiều trường hợp sổ đỏ cũ bị mất hoặc đang thế chấp, tín chấp để vay vốn, chuyển QSDĐ cho người khác... nên chưa nhận.
Bên cạnh đó, trong quá trình xét duyệt, thẩm tra hồ sơ cấp sổ đỏ, do áp lực về thời gian hoàn thành Dự án nên có những hồ sơ chưa hoàn thiện về mặt pháp lý, bộ phận chuyên môn vẫn trình UBND huyện ký duyệt. Đến khi tiến hành giao sổ đỏ, người dân phải bổ sung các thủ tục còn thiếu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giao sổ đỏ, dẫn đến việc sổ đỏ bị tồn đọng nhiều.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định trao sổ đỏ thuộc Dự án VLAP cho người dân H. Tuy Phước.
Sớm giao sổ đỏ cho người dân
Ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND H. Tuy Phước, đánh giá: Thực hiện Dự án VLAP, hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn huyện được xây dựng với công nghệ thông tin đất đai hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu chỉnh lý và đăng ký biến động về đất đai. Đồng thời, cơ sở dữ liệu được xây dựng theo mô hình tập trung và kết nối liên thông giữa tỉnh - huyện - xã; cho phép cán bộ quản lý đất đai tra cứu, cập nhật thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là trong quá trình thực hiện, công tác thẩm định hồ sơ đăng ký cấp sổ đỏ có sai sót về nội dung; số lượng sổ đỏ đã ký, nhưng chưa giao cho người dân vẫn còn tồn đọng nhiều.
Thời gian tới, để giải quyết tình trạng tồn đọng nhiều sổ đỏ, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn lập danh sách những trường hợp mất sổ đỏ cũ; đồng thời, thực hiện thủ tục đề nghị UBND huyện hủy sổ đỏ cũ để tiến hành giao sổ đỏ mới thuộc Dự án VLAP. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng giải quyết việc giao sổ đỏ mới đối với những trường hợp thuế chấp sổ đỏ cũ để vay vốn. Văn phòng đăng ký QSDĐ huyện phối hợp với các địa phương chuyển thông báo nhận sổ đỏ cấp theo Dự án VLAP đến trực tiếp các hộ gia đình, cá nhân để người dân biết và thực hiện việc kê khai nhận sổ đỏ.
Có thể thấy, Dự án VLAP mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho cả đối tượng sử dụng đất, cũng như các cấp chính quyền trong việc quản lý đất đai. Do đó, H. Tuy Phước cần sớm có biện pháp giao toàn bộ số sổ đỏ đã ký đến hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, nhằm phát huy hơn nữa tính hiệu quả của Dự án VLAP, cũng như tránh lãng phí công sức, tiền của đã bỏ ra để thực hiện Dự án.
Dự án VLAP được triển khai tại 9 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có tỉnh Bình Định; bắt đầu thực hiện từ năm 2008. Tại tỉnh Bình Định, vào cuối tháng 10-2009, Dự án VLAP chính thức được triển khai với tổng mức đầu tư khoảng 12,134 triệu USD (vốn đối ứng của tỉnh chiếm 27%). VLAP được xây dựng trên cơ sở công khai, minh bạch, chính xác, kịp thời về đăng ký đất đai, thông tin đất đai, nhằm tăng cường sự tiếp cận của mọi đối tượng đối với dịch vụ thông tin đất đai qua việc phát triển hệ thống quản lý đất đai hoàn thiện ở các địa phương.