MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xây nhà trái phép trên đất biệt thự, sao chậm xử lý?

26-02-2016 - 08:24 AM | Bất động sản

Khu đất biệt thự ở số 6C Tú Xương bị nhiều người dân xây nhà trái phép từ trước năm 1993 đến năm 2007. Tại sao đến bây giờ mới có quyết định xử lý?

Theo các cơ quan chức năng, khu nhà 6C Tú Xương nguyên là một biệt thự thuộc sở hữu nhà nước có tổng diện tích khuôn viên hơn 2.000m2, trong đó ngôi biệt thự một trệt một lầu chiếm diện tích gần 425m2, diện tích sân vườn, hồ bơi chiếm 1.625m2.

Biệt thự trên được Văn phòng Chính phủ bố trí cho 8 cán bộ, nhân viên làm nhà ở và cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP bán nhà cho người dân theo nghị định 61 từ năm 2002.

Nhiều người dân đã tiến hành xây dựng trái phép trên phần đất chung của khu biệt thự này. Tổng diện tích sàn xây dựng vi phạm lên đến 1.300m2, thời điểm vi phạm kéo dài từ trước năm 1993 đến năm 2007.

Ngày 25-12-2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã làm việc với UBND TP.HCM về việc giải quyết vụ việc này.

Tại sao chậm giải quyết?

Ông Trần Hải Nguyên, chủ tịch UBND phường 7, cho biết việc vi phạm xây dựng diễn ra từ rất lâu, chủ yếu từ năm 2002 trở về trước. Đó là giai đoạn khu nhà trên thuộc quyền quản lý của Văn phòng Chính phủ nên các cơ quan chức năng ở địa phương không có thẩm quyền kiểm tra.

Từ năm 2008, sau khi việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước đã hoàn thành, khu nhà trên thuộc quyền sở hữu của tư nhân thì UBND phường mới quản lý và nắm bắt các hoạt động xây dựng trong khuôn viên.

Theo luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM), vào thời điểm xảy ra vi phạm thì Luật xây dựng 2003 đang có hiệu lực thi hành. Theo điều 86 Luật xây dựng 2003, công trình xây dựng trái phép buộc phải phá dỡ. Trường hợp không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho công tác phá dỡ.

Tuy nhiên, do Luật xây dựng và các văn bản liên quan quy định trình tự phá dỡ công trình còn nhọc nhằn và phức tạp. Ví dụ như thông tư 12/2005/TT-BXD hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng có quy định sau khi có quyết định phá dỡ của cơ quan có thẩm quyền, người được giao tổ chức thực hiện việc phá dỡ công trình phải lập và phê duyệt giải pháp phá dỡ.

Khi việc phá dỡ có thể ảnh hưởng đến công trình lân cận thì giải pháp phá dỡ phải có sự thỏa thuận của chủ hộ liền kề và của chủ các công trình lân cận.

“Tùy theo quy mô và tính chất của công trình cần phá dỡ, trong trường hợp cần thiết người được giao tổ chức thực hiện việc phá dỡ công trình cần lấy ý kiến của các chuyên gia về giải pháp phá dỡ trước khi phê duyệt”  - LS Hà Hải cho biết.

LS Hà Hải cho rằng đó thường là nguyên nhân dẫn đến việc chậm phá dỡ một số công trình xây dựng trái phép.

Tuy nhiên, theo điều 24 nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, thời gian tối đa thực hiện cưỡng chế, phá dỡ công trình trái phép là 10 ngày kể từ khi ban hành quyết định đình chỉ thi công.

“Vì vậy, ngay khi đã có quyết định, công tác phá dỡ phải được tiến hành một cách nhanh chóng chứ không thể chậm trễ hơn nữa” - LS Hà Hải nhận định.

Vai trò của chính quyền địa phương

LS Trần Ngọc Quý (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng chính quyền địa phương đã thiếu những hành động cụ thể và quyết liệt, để tình trạng nhà xây trái phép trong khu đất biệt thự tiếp diễn trong rất nhiều năm.

“Sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý nhà nước ở địa phương và làm giảm đi tính nghiêm minh của pháp luật. Nhưng dù chậm trễ, quyết định tiến hành cưỡng chế này cũng thật sự rất cần thiết để lập lại kỷ cương pháp luật trong công tác quản lý nhà nước ở địa phương” - LS Trần Ngọc Quý cho biết.

Theo LS Hà Hải, khi nhận được tố cáo về hành vi lấn chiếm đất, xây dựng công trình trái phép, chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp phường hoặc cấp quận có trách nhiệm ban hành kịp thời quyết định đình chỉ thi công xây dựng hoặc cưỡng chế phá dỡ công trình. Đó là quy định tại điều 10 nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7-12-2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

“Các cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương cần xem xét lại quy trình quản lý, giải quyết các vụ việc phát sinh để tránh các trường hợp vi phạm kéo dài khác, đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm minh đối với mọi người dân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn” - LS Trần Ngọc Quý nêu ý kiến.

Cưỡng chế tháo dỡ các công trình trái phép tại khu 6C đường Tú Xương

Ngày 25-2, UBND phường 7, quận 3 (TP.HCM) cho biết sẽ cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm xây dựng tại khu nhà 6C đường Tú Xương vào ngày 1-3.

Năm 2013, Thanh tra TP đã thanh tra toàn diện khu nhà và kiến nghị với UBND TP xử lý vi phạm đối với các công trình xây dựng trái phép trên. Các cơ quan chức năng đã đồng ý với nội dung kiến nghị, giao UBND phường 7 xử lý vi phạm.

Hiện đã có ba hộ dân tự nguyện tháo dỡ các công trình vi phạm xây dựng trong khuôn viên sân vườn chung, hai hộ dân khác hứa sẽ tự tháo dỡ trong những ngày tới. Bà Phạm Thị Thúy Hằng, chánh văn phòng  UBND quận 3, cho biết các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể vẫn tiếp tục vận động các hộ dân nơi đây tự nguyện tháo dỡ công trình trái phép, trả lại phần sân chung, vườn chung.

Được biết, UBND TP cũng đã báo cáo với cơ quan chức năng về sai phạm của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP trong việc xem xét bán nhà thuộc sở hữu nhà nước. Theo quy định, đối với các biệt thự có diện tích lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khuôn viên thì phải tiến hành điều tra, xem xét, phân loại và xử lý trước khi bán. Công ty đã không thực hiện điều này, giải quyết bán nhà thuộc sở hữu nhà nước mà không yêu cầu xử lý phần nhà vi phạm.

 

Theo ĐẶNG TƯƠI - D.N.HÀ - MAI NGUYỄN

Tuổi Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên