Bất đồng về áp trần giá khí đốt khiến kế hoạch giải quyết khủng hoảng của EU lâm nguy
Kế hoạch đối phó khủng hoảng năng lượng của EU đang gặp thách thức khi có ý kiến khác nhau về việc liệu có nên áp trần giá khí đốt tự nhiên nhập khẩu hay không và nếu có thì thực hiện ra sao.
- 28-11-2022Vừa xuất khẩu xe sang Mỹ, VinFast đón tin không thể vui hơn: Doanh số xe điện tại Mỹ, châu Âu liên tục lập kỷ lục
- 24-11-2022Châu Âu áp giá trần giá dầu, Nga mừng thầm vì mức giá trần…không khác giá đang giao dịch bên ngoài
- 23-11-2022Quyết không bỏ lỡ cơ hội vàng, quốc gia châu Phi này đang kêu gọi người dân tiết kiệm điện để dành khí đốt bán cho châu Âu
Trạm trung chuyển khí đốt ở Hajduszoboszlo, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang oilprice.com, mặc dù các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cố gắng tỏ ra cứng rắn và chỉ gửi tín hiệu tích cực tới dư luận, nhưng chỉ tính riêng số lượng thành viên EU cũng như nhu cầu và ưu tiên năng lượng rất khác nhau cũng là những yếu tố đủ quan trọng để khiến cho thỏa thuận trở nên khó khăn.
Tình hình thậm chí còn trở nên phức tạp hơn, khó đạt được thỏa thuận hơn khi một số thành viên chỉ trích công khai ý tưởng áp trần giá khí đốt tự nhiên nhập khẩu.
Các thành viên EU đã đàm phán về gói quản lý khủng hoảng trên trong nhiều tháng nay. Họ thống nhất rằng trần giá khí đốt không gần hơn so với mức lúc bắt đầu đàm phán.
Ủy ban châu Âu cũng đã hoài nghi về những lợi ích tiềm năng của áp trần giá khí đốt, nhưng do số lượng thành viên EU muốn có một mức trần giá nên vào tuần trước, Ủy ban châu Âu đã đưa ra đề xuất về mức trần. Từ một góc độ nào đó, sẽ tốt hơn nếu ủy ban này không làm như vậy.
Đề xuất đặt trần giá ở mức 275 euro mỗi megawatt giờ. Đây là một mức giá mà Ủy ban châu Âu cho biết sẽ chỉ kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng LNG tăng trên 58 euro trong 10 ngày cùng thời gian đó.
Phản ứng dữ dội xảy ra ngay lập tức và đến từ mọi phía. Các thương nhân và sàn giao dịch cho biết đề xuất này có thể gây ra tác hại nghiêm trọng và không thể đảo ngược đối với thị trường năng lượng EU do chỉ tập trung vào các hợp đồng tương lai trong tháng tới. Các chính trị gia từ một số thành viên EU cũng tuyên bố phản đối mức trần quá cao.
Các nhà quan sát lưu ý rằng ngay cả khi giá khí đốt ở châu Âu ở mức cao nhất trong năm nay là hơn 300 euro mỗi MWh, giá này chưa bao giờ ở mức 275 euro mỗi megawatt giờ trong suốt hai tuần. Do đó, mức mà Ủy ban châu Âu đề xuất được coi là cao phi thực tế nên trần giá không có hiệu quả.
Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera nói rằng các quốc gia sẽ khó khăn nếu họ phải chịu đựng giá khí đốt ở mức đó trong thời gian dài và gọi đề xuất của Ủy ban là một trò đùa vô duyên. Bộ trưởng Năng lượng Ba Lan, Anna Moskwa cũng nói như vậy.
Trạm trung chuyển khí đốt ở Werne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Các bộ trưởng năng lượng EU sẽ họp lại vào ngày 13/12 để cố gắng đạt được thỏa thuận về trần giá và các biện pháp khác. Đánh giá theo những dấu hiệu mới nhất, đây sẽ không phải là công việc dễ dàng nếu không có đề xuất thay thế nào để quản lý giá khí đốt.
Điều này có nghĩa là các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục cho đến khi các thành viên đồng ý về phiên bản rút gọn của đề xuất ban đầu. Giảm trần giá sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng của EU trong mùa đông khắc nghiệt nhất trong nhiều thập kỷ.
Trong khi đó, các thành viên EU cần phải suy nghĩ về mùa đông tới. Hiện tại, nguồn cung cấp khí đốt được đảm bảo nhờ nguồn cung ổn định của Nga trong nửa đầu năm, nhập khẩu LNG của Mỹ cao kỷ lục và thời gian nạp đầy kho lưu trữ dài hơn bình thường. Tuy nhiên, năm tới, dầu Nga sẽ ít hơn rất nhiều so với năm nay và không có nguồn cung LNG bổ sung nào của Mỹ có sẵn để lấp đầy khoảng trống.
Có thể nói rằng các bộ trưởng năng lượng EU nên tập trung vào điều đó thay vì trần giá mà Ủy ban châu Âu rõ ràng không muốn thực hiện và các thành viên như Đức, Đan Mạch và Hà Lan cũng vậy. Tuy nhiên, vấn đề khí đốt cấp bách hơn nhiều đối với hầu hết các chính phủ ở châu Âu, do đó, nó trở thành tâm điểm chú ý.
Vấn đề này có thể sẽ vẫn được chú ý trong tương lai gần, cho dù các bộ trưởng năng lượng EU có thể thống nhất ý kiến vào tháng 12 hay không. Khi thời tiết trở nên lạnh hơn trên khắp châu Âu, điều quan trọng đối với các chính trị gia là phải làm điều gì đó về giá năng lượng. Mọi người đã trở nên tức giận khi hóa đơn điện tăng vọt.
Báo Tin tức