MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Bắt mạch’ bất động sản: Cần nhất điều gì?

08-06-2020 - 10:59 AM | Bất động sản

Dù là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ từ đại dịch COVID-19, thị trường bất động sản đã sớm cho thấy những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, để “cỗ xe” này đi nhanh hơn thì cần các tuyến cao tốc mang tên “chính sách”.

Bức tranh bất động sản sẽ tiếp tục thay đổi theo chiều hướng nào, vướng mắc lớn nhất là gì, những giải pháp nào sẽ thúc đẩy thị trường phát triển... là những vấn đề được trao đổi nhiều tại Tọa đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, CLB Doanh nhân Sao Đỏ phối hợp tổ chức tại FLC Samson Beach & Golf Resort vào cuối tuần qua.

Thông qua lăng kính và những câu chuyện chia sẻ từ thực tế từ các doanh nghiệp, cuộc tọa đàm đã làm rõ những vấn đề thiết thực đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản 2020 sau đại dịch COVID-19 như về xu hướng, quy hoạch, cơ chế chính sách.

Đóng góp cho tăng trưởng

Nhìn lại một thập niên phát triển của thị trường bất động sản (2010-2020), ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam dẫn số liệu từ kết quả tổng điều tra dân số tháng 4/2019 cho biết, tổng quỹ nhà vượt so với 10 năm trước 60 triệu m2. Một trong những điểm sáng nhất là thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, với khoảng 230 dự án bất động sản được triển khai, 80.000 căn condotel, 10.300 phòng khách sạn, hơn 14.000 shophouse, chủ yếu trong giai đoạn 10 năm vừa qua đã góp phần thay đổi bộ mặt của các địa phương có dự án được triển khai.

Dẫn ví dụ câu chuyện FLC Sầm Sơn quy mô hàng trăm ha được xây dựng chỉ trong gần một năm, biến khu đầm lầy hoang vu thành khu nghỉ dưỡng sôi động, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho rằng một thập kỷ qua đã chứng kiến những bước tiến và đóng góp không thể phủ nhận của bất động sản trong việc cải thiện diện mạo về hạ tầng cơ sở tại nhiều địa phương.

"Nếu như trước đây, tòa FLC tại Mỹ Đình là một trong những tòa nhà hiếm hoi sáng đèn thì bây giờ, chỉ cần nhìn từ tòa tháp đôi của FLC tại Cầu Giấy ra toàn cảnh khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm Trung Hòa, có hàng nghìn tòa nhà, xây san sát, bình quân trên dưới 30 tầng", ông Trịnh Văn Quyết, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao đỏ, Chủ tịch FLC nói thêm, cho đó là tín hiệu tích cực sau 10 năm của bất động sản.

Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, 10 năm qua, bất động sản đã thực sự thay đổi bộ mặt của nhiều lĩnh vực, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân, đi kèm với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Trong thời gian vừa qua, đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, khi Việt Nam bắt đầu khống chế được dịch bệnh, một số giao dịch bất động sản tại nhiều phân khúc đã ghi nhận sự tăng trưởng trở lại. Đây là một tín hiệu khả quan, đáng mừng.

"Vực dậy bất động sản hiện nay không chỉ là mối quan tâm của doanh nghiệp bất động sản, mà còn là mối quan tâm chung của cả xã hội, bởi đây là ngành có tác động lớn đến tốc độ phục hồi nền kinh tế nói chung", ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC nói.

‘Bắt mạch’ bất động sản: Cần nhất điều gì? - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Quyết - Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn FLC - Sao đỏ năm 2014


Trước câu hỏi về tiềm năng thị trường bất động sản 2-3 năm tới, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản đều bày tỏ thái độ lạc quan và tin tưởng vào đà phục hồi từ cuối năm nay.Cần gỡ vướng

Theo ông Đỗ Anh Dũng, hiện Hà Nội có trên dưới 1.000 tòa nhà, là rất nhỏ so với Thượng Hải (Trung Quốc), hay Singapore nơi có hàng trăm nghìn tòa nhà. Về mức giá, theo ông, giá căn hộ tại Việt Nam có giá trung bình khoảng 1.000 USD/m2, là rất rẻ so với Singapore 15.000 USD/m2 dù cấu thành, chất lượng chênh nhau là rất ít. Như vậy, tiềm năng thị trường bất động sản còn rất lớn.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng cho rằng đại dịch COVID-19 là cơ hội để thị trường phát triển bền vững và thực chất hơn. Để có thể cạnh tranh trên thị trường, các doanh nghiệp buộc phải đầu tư sâu vào chất lượng sản phẩm, với yêu cầu phải là những sản phẩm có không gian sống tốt và chi phí phù hợp.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng, diễn biến thị trường nay hoàn toàn khác. Thời trước là khủng hoảng thừa, dự án nhiều nguồn cầu ít còn hiện nay ngược lại. Do đó, chỉ cần pháp lý được khơi thông thì thị trường sẽ nhanh chóng tích cực trở lại. "Tôi đặc biệt lạc quan với bất động sản nhà ở và khu công nghiệp", ông Hà nói.

Theo bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, dù khung pháp lý đã được hoàn thiện khá tốt nhưng vẫn còn nhiều điểm liên quan đến vấn đề tài chính như vấn đề thuế. "Để đón đầu xu thế tiếp theo cần nhiều thay đổi một cách kịp thời. Cần cải cách sự chênh vênh giữa luật chuyên ngành và luật cơ bản, giải quyết các vấn đề thủ tục đầu tư. Khung pháp lý đã hoàn thiện nhưng cần đồng bộ, đồng nhất giữa các địa phương. Xu thế phát triển thị trường bất động sản còn phụ thuộc nhiều vào tài chính, đây là câu chuyện khá khó khăn và thú vị cho các nhà kinh doanh bất động sản", bà Thanh nói.

Ông Trịnh Văn Quyết cho biết, mỗi người, mỗi nhà làm bất động sản có "khẩu vị" riêng, nhưng nếu nhiều doanh nghiệp quan tâm tới các đô thị trung tâm thì quan điểm của FLC là "đánh bắt xa bờ", đầu tư thi công tại những vùng đất hoang sơ, chưa được khai phá. FLC đã trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm thông qua việc triển khai những dự án hàng trăm, hoặc hàng nghìn ha, chỉ trong thời gian ngắn, có khi chưa đầy một năm. Ông phản ánh, có dự án quy mô lớn muốn bước vào thi công phải mất khoảng 3,4 năm thuận buồm xuôi gió về pháp lý mới có thể chính thức khởi công. Tiến độ này tạo ra độ trễ nghiêm trọng cho thị trường và nếu cơ quan quản lý Nhà nước không vào cuộc quyết liệt thì sẽ ngày càng khó khăn.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Anh Dũng bày tỏ, kiến nghị lớn nhất của giới doanh nghiệp là muốn thủ tục hành chính được triển khai nhanh hơn. Chính sách của Chính phủ phải cập nhật với thị trường từng năm để có thể điều chỉnh kịp thời. Quy luật cung cầu của thị trường phải áp dụng triệt để trong lĩnh vực bất động sản.

Ông Nguyễn Tuấn Hải - Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đưa ra 3 đề xuất, đó là các bộ, ngành cần mạnh dạn phân cấp cho địa phương, cần có một cơ quan liên bộ để cùng giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách, với những vấn đề mà luật chưa quy định nhưng lại đúng với thực tế, cũng nên có một tổ chức liên bộ để đề xuất làm thí điểm, theo nguyên tắc không hồi tố trên quyết định của tập thể.

Theo Nguyễn Đức

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên