MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ngờ khan hiếm SGK: Những con số đáng giật mình

24-08-2018 - 10:38 AM | Thị trường

Năm 2016, số lượng SGK phát hành của NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) chiếm tới 56,4% ngành xuất bản. Năm 2017, con số này là 50,4%. Ðó là chưa kể các loại ấn phẩm khác. Như vậy, số lượng phát hành SGK của NXBGDVN bằng tất cả ấn phẩm in ấn của các NXB khác của Việt Nam cộng lại. Trong khi đó, SGK dùng một năm, sau đó lại in sách mới.

Cũng theo số liệu thống kê, năm 2016, số đầu SGK mà NXBGDVN in là 424 đầu sách với 188.788.810 bản, chỉ chiếm 1,4% về số đầu sách nhưng lại chiếm tới 56,4% số bản in trong toàn ngành.

Tương tự, năm 2017, số đầu SGK mà NXBGDVN in là 675 và phát hành 159.402.910 bản in. Số đầu SGK in chỉ chiếm 2,2% nhưng lượng phát hành lại chiếm 50.4% trong toàn ngành xuất bản.

Ngoài SGK, NXBGDVN còn in các ấn phẩm khác dạng tài liệu sách và các loại lịch, áp phích, tờ rơi, tờ gấp. Theo một báo cáo mà Tiền Phong có được, năm 2016, NXBGDVN phát hành trên 275 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó bao gồm cả SGK. Năm 2017, con số này là trên 270 triệu bản.

Cũng theo báo cáo này, tổng doanh thu của NXBGDVN năm 2015 đạt trên 1.040 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt có 29 tỷ đồng. Tương tự, năm 2016 tổng doanh thu của NXBGDVN đạt trên 1.147 tỷ đồng, thế nhưng lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt gần 72 tỷ đồng.

SGK cũng chiết khấu… hai con số

Theo quy định của Bộ Tài chính, SGK là một trong những loại hàng hóa không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Chính vì thế NXBGDVN đang nắm trong tay 2 lợi thế: thị trường lớn, ổn định và không phải nộp thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, lẽ ra những thuận lợi đó phải được  chiết khấu vào giá thành SGK thì NXBGDVN lại trích lợi nhuận vào chiết khấu cho các nhà sách, đơn vị phát hành.

Tìm hiểu tại một số đơn vị phát hành cho thấy, các đại lý cấp 1 của NXBGDVN chiết khấu cho các nhà sách ở mỗi địa phương một tỷ lệ khác nhau. Tại khu vực Hà Nội, sẽ ở mức 12%, 13%, 14% tùy vào thời điểm đăng ký. “Ví dụ, đăng ký từ đầu vụ thì được chiết khấu khoảng 14%, nhưng đến thời điểm hiện nay, SGK khan hiếm thì chỉ còn khoảng 12%. Nhưng ở các thành phố lớn, thuận lợi thì mức chiết khấu thấp hơn các địa phương khác. Chính vì vậy, phía các đại lý cấp 1 cũng quy định nếu phát hiện SGK đi từ nơi chiết khấu cao (từ miền núi, nông thôn chẳng hạn) đến nơi chiết khấu thấp (như các thành phố lớn) là sẽ bị phạt. Các nhà sách chỉ được mua sách phát hành theo ngành dọc của NXBGDVN” - đại diện một cửa hàng sách tại Hà Nội cho biết. Còn tìm hiểu cho thấy, mức chiết khấu SGK của NXBGDVN dao động từ 14% đến 25%.

Có phản khoa học?

Theo tính toán của GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH quốc gia Hà Nội, với việc liên tục thay đổi SGK, hàng năm phải in một lượng sách cực lớn, hàng trăm triệu bản sách mỗi năm! NXBGDVN là NXB khổng lồ nhất nước về tiêu thụ giấy hàng năm. Nước ta còn nghèo nhưng tỷ lệ học sinh phải sử dụng SGK mới in là 42%, vào loại cao nhất khu vực.

Còn một chuyên gia cho rằng chuyện chép lại một bài toán, viết lời giải khác với việc nhìn vào đó để chọn lời giải nào là đúng. Nhiều môn toán phải học đi học lại để hình thành kỹ năng cho người học. “Trong nước, người ta có rất nhiều lý do để giảm giờ giảng các môn học xuống. Vì vậy chỉ là giảng để hiểu, không có chuyện giảng lâu để hình thành kỹ năng. Lấy ví dụ thế để thấy có những cái phải rèn bằng mọi cách. Cũng giống như tập viết với học sinh” - vị chuyên gia này cho hay. Chính vì vậy, với riêng môn Toán, nếu mọi thứ đều “bày sẵn” trong SGK, trong sách bài tập thì học sinh sẽ rất nhanh quên.

Theo vị chuyên gia này, việc hàng năm phải in một lượng SGK lớn do không tái sử dụng được sẽ dẫn đến một số hệ lụy. Thứ nhất là hiệu quả sử dụng không cao. Thứ hai là không hiệu quả trong việc giáo dục. SGK, sách bài tập đều có sẵn phương án để chọn sẽ giống như thi trắc nghiệm hiện nay, làm học sinh lười nghĩ. “Việc học sinh lười nghĩ để lại hậu quả rất xấu. Hiện các trường ĐH đang than phiền về tình trạng thí sinh lên học ĐH, nhất là toán đơn giản cũng không biết phân tích thế nào để hiểu tại sao có lời giải như vậy. Mà đây là sinh viên của trường sư phạm. Vậy sau này ra trường, họ dạy ai? Cách thi, cách học đã tạo ra một lớp người không theo kịp các nước hiện đại. Và đó là hệ quả của việc học sinh lười nghĩ” - vị chuyên gia khẳng định.

Về phía Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng, xác nhận lâu nay câu chuyện SGK vận hành theo mô hình cũ, chỉ có một bộ sách và do một NXB chịu trách nhiệm. Tình thế nhiều phụ huynh và học sinh năm nay nháo nhác tìm mua SGK có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên không thể loại trừ nguyên nhân độc quyền sách. Đại diện Cục Xuất bản xác nhận, theo báo cáo từ NXBGDVN số lượng sách in không thay đổi. Cung giữ nguyên nhưng cầu vượt trội dẫn tới sự khan hiếm không đáng có.

“Tuy nhiên sau Nghị quyết 88 của Quốc hội, từ năm 2019 việc in SGK thực hiện theo mô hình hiện đại hơn, bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội. Việc xây dựng chương trình SGK không còn là việc của một nhà, một bộ phận độc quyền mà tạo ra động lực mới để huy động nguồn lực cho xã hội, người sử dụng có nhiều lựa chọn hơn”, ông Chu Văn Hòa nói. Cho rằng NXBGDVN vẫn hoàn thành nhiệm vụ, tuy nhiên theo lãnh đạo Cục Xuất bản việc thay đổi mô hình xuất bản SGK buộc NXB điều chỉnh chiến lược từ thế độc quyền sang hướng cạnh tranh lành mạnh. “Không độc quyền mới có thể tạo ra cho người tiêu dùng những bộ sách có chất lượng. Không ai có quyền kiểm duyệt cao hơn người tiêu dùng”, ông Chu Văn Hòa nói. Nội dung các bộ SGK theo nhiều chuyên gia nên có hội đồng thẩm định quốc gia và độc lập, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

"Không độc quyền mới có thể tạo ra cho người tiêu dùng những bộ sách có chất lượng".

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Chu Văn Hòa


Tổng doanh thu của NXBGDVN năm 2015 đạt trên 1.040 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt có 29 tỷ đồng. Tương tự, năm 2016 tổng doanh thu của NXBGDVN đạt trên 1.147 tỷ đồng, thế nhưng lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt gần 72 tỷ đồng.

TS Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Vitas




Theo Nghiêm Huê - Toan Toan

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên