MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ngờ tăng tốc giải ngân vốn công

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng đáng kể trong tháng 7 có một phần nguyên nhân nhờ vào sự thúc giục mạnh mẽ từ Chính phủ.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 vừa qua ước tính đạt 45.700 tỉ đồng, tăng 51,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn trung ương quản lý giải ngân đạt 8.300 tỉ đồng, tăng 101,8%; vốn địa phương quản lý 37.400 tỉ đồng, tăng 43,9%.

Giải ngân cao nhất giai đoạn 2016-2020

Lũy kế 7 tháng năm 2020, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 203.000 tỉ đồng, bằng 42,7% kế hoạch năm và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. "Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 7 và 7 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020" - Tổng cục Thống kê nhận xét.

Tại TP HCM, theo báo cáo của Cục Thống kê TP, trong 7 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn TP ước thực hiện 186.595 tỉ đồng, đạt 46% kế hoạch năm. Trong đó, vốn từ ngân sách địa phương và trung ương phân bổ ước thực hiện 7 tháng là 17.089 tỉ đồng, tăng tới 72,8% so với cùng kỳ. Khối lượng thực hiện trong tháng 7 so với tháng trước cũng tăng 26,4% và tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm có tốc độ tăng giải ngân của 7 tháng cao nhất từ trước đến nay.

Cục Thống kê TP HCM đánh giá nguyên nhân do sự chỉ đạo quyết liệt của TP và trung ương trong giải ngân vốn đầu tư công - vốn được đánh giá là giải pháp cấp bách và cần thiết để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Một số dự án lớn có khối lượng thực hiện 7 tháng so với kế hoạch đạt mức cao trên địa bàn TP HCM như: xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu tại quận 9 đạt 99,4% kế hoạch cả năm; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ đạt 53,9% kế hoạch năm; dự án vệ sinh môi trường TP giai đoạn 2 đạt 57% kế hoạch.

Hiện TP HCM đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số công trình giao thông trọng điểm như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đang được gấp rút thi công để đưa vào vận hành một phần vào tháng 10 tới; dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; dự án đường sắt tuyến Metro số 2…

Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với đà tăng trưởng giải ngân ở mức này, nhiều khả năng đầu tư công sẽ hoàn thành kế hoạch đã đề ra, góp phần vào tăng trưởng chung cả năm 2020; đồng thời tạo ra sự lan tỏa cho các khu vực kinh tế khác vẫn phải đang đối mặt với những khó khăn từ dịch Covid-19.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định qua tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới nền kinh tế Việt Nam, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% năm nay là không khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kép "phòng chống dịch Covid-19 thành công và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội ở mức khả quan tối đa", như tăng trưởng GDP đạt khoảng 2% (phấn đấu 3%), kiểm soát giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%... đã được xem là thành công và đáng ghi nhận.

Bất ngờ tăng tốc giải ngân vốn công - Ảnh 1.

Dự án tuyến đường sắt Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được gấp rút thực hiện để sớm hoàn thành đúng tiến độ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiếp đà tăng trưởng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã lý giải nguyên nhân tiến độ đầu tư công được cải thiện mạnh mẽ là bởi động thái quyết liệt của Chính phủ trong chấn chỉnh, siết chặt kỷ cương và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, Chính phủ cũng phát tín hiệu về việc thực hiện mạnh tay cơ chế điều hòa nguồn lực theo hướng địa phương nào chậm giải ngân sẽ bị điều chuyển vốn sang nơi khác, thậm chí không được bố trí vốn cao vào năm sau. "Dự án tồn đọng nhiều mà không siết kỷ cương, không có chế tài rõ ràng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu thì công việc không thể chạy được. Đây là bài học chung cho mọi hoạt động, không riêng lĩnh vực đầu tư công" - ông Đinh Văn Nhã bình luận.

Nhìn nhận nếu duy trì được đà giải ngân tốt sẽ tạo đà tăng trưởng cho rất nhiều ngành nghề khác, tạo thêm công ăn việc làm trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp khá cao…, ông Nhã kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công cả năm đạt 80%-85%, cao hơn mức 78% của năm ngoái. Để làm được, ông góp ý giải pháp là tiếp tục mạnh tay điều chỉnh vốn ở các bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng tồn đọng, không giải ngân được. Đặc biệt, điều chỉnh cần kịp thời hơn nữa, có thể sau 6 tháng đầu năm thay vì đợi đến tháng 9 mới điều chỉnh như hiện nay.

"Việc báo cáo tiến độ dự án nên thực hiện hằng tuần chứ không nên hằng tháng nữa, vì tình hình rất cấp bách rồi. Vốn ở nơi nào tắc mà xem xét thấy không xử lý được nhanh, tốt nhất mang vốn đến nơi không tắc để làm trước. Ngoài ra, bộ, ngành, địa phương nào có dự án giải ngân được và có thể sớm đưa vào sử dụng thì nên ưu tiên trước, không phụ thuộc kế hoạch vốn năm sau. Hướng điều hành này không chỉ cần thiết cho giai đoạn nền kinh tế trì trệ bởi dịch Covid-19 mà có thể áp dụng cho cả sau này để tháo được nút thắt ở đầu tư công tồn tại nhiều năm nay" - ông Đinh Văn Nhã phân tích.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa tỏ ra không lạc quan với tín hiệu giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 7 vừa qua. Theo ông, đây là những hạng mục dự án, công trình đã có sẵn, chưa quyết toán nên bị tồn đọng từ năm trước đến nay. Đến thời điểm này, các dự án bắt đầu hoàn thiện hồ sơ, pháp lý, mặt bằng…, cộng thêm hiệu ứng từ sự thúc giục của Chính phủ nên nhiều dự án giải ngân được. "Tốc độ giải ngân trong tháng vừa qua tuy là tín hiệu tốt nhưng về mặt bản chất, giải ngân đầu tư trên toàn quốc vẫn còn ì ạch, tồn đọng lớn và không dễ giải quyết một sớm một chiều với những quy định còn khá vướng mắc hiện nay" - ông Hòa đánh giá.

Dự báo kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm nay, ông Phạm Văn Hòa cho rằng dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 vào nửa cuối năm có thể lấy đi nhiều nguồn lực bởi cần tập trung toàn lực chống dịch. Hơn nữa, điểm nghẽn công tác giải phóng mặt bằng chưa có dấu hiệu được tháo gỡ. Chưa kể, còn nhiều vấn đề tồn tại liên quan đến giải ngân công trình giao thông, chẳng hạn dự án mặc dù có ghi vốn nhưng hồ sơ xây dựng cơ bản vẫn chưa xong, chưa thẩm định, thiết kế bản vẽ, thẩm tra môi trường… Do vậy, hậu quả là "vốn nằm chờ dự án", gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân đầu tư công năm nay.

"Các giải pháp thúc giải ngân mạnh mẽ của Chính phủ như thành lập đoàn thanh - kiểm tra tới từng địa phương ghi nhận vướng mắc… được coi như liệu pháp tinh thần để xốc lại kỷ luật đầu tư. Nếu 3 tháng cuối năm giữ được hiệu ứng giải ngân tốt như tháng 7 thì tăng trưởng kinh tế có thể đạt kết quả khả quan hơn so với dự báo của Chính phủ" - ông Hòa nhận xét và lưu ý ngoài một số địa phương bắt buộc khoanh vùng để chống dịch còn những địa phương khác cần nhanh chóng tổ chức thực hiện những công việc còn dở dang để bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đẩy nhanh giải ngân vốn ODA

Theo TS Cấn Văn Lực, cần kiên quyết giao trách nhiệm cho người đứng đầu, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bố trí kịp thời nguồn vốn đối ứng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn vay ODA. Rà soát, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, dự án phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, có tính lan tỏa cao, tạo nhiều việc làm… Dù vậy, không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà gây lãng phí, kém hiệu quả.

Theo Phương Nhung - Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên