MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ngờ thành phố…chìm nhanh nhất thế giới: Lún sâu 4 mét trong suốt 25 năm, sẽ ngập trong nước biển nếu 7 năm tới không khắc phục

08-12-2023 - 21:21 PM | Tài chính quốc tế

Bất ngờ thành phố…chìm nhanh nhất thế giới: Lún sâu 4 mét trong suốt 25 năm, sẽ ngập trong nước biển nếu 7 năm tới không khắc phục

'Nước biển sẽ tràn vào và nó không bao giờ dừng lại. Không có lối thoát đâu', một chuyên gia nhận định về thành phố này.

Jakarta được mệnh danh là thành phố chìm nhanh nhất hành tinh. Trong suốt 25 năm, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất thủ đô Indonesia đã lún sâu hơn 4 mét. Thành phố buộc phải tìm ra giải pháp từ nay cho đến năm 2030, nếu không, mọi thứ sẽ quá muộn để khắc phục.

Air Berish Jakarta (ABJ), công ty thuộc sở hữu của tỷ phú Anthoni Salim, được chính phủ khai thác để mở rộng khả năng tiếp cận nước máy cho 11 triệu cư dân thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, cứ 3 người dân Jakarta thì có 1 người không được tiếp cận nước máy. Thay vào đó, họ phải dựa vào hàng nghìn giếng nước trái phép nằm rải rác khắp Jakarta - thứ đang gián tiếp làm thành phố chìm sâu hơn.

Nếu thành công, ABJ có thể đưa nước tới từng hộ gia đình Jakarta, song ngược lại, nếu thất bại, một sự hỗn loạn lớn sẽ xảy đến với đô thị lớn thứ hai thế giới này. JanJaap Brinkman, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu nước Deltares Hà Lan, cho biết: “Nước biển sẽ tràn vào và nó không bao giờ dừng lại. Không có lối thoát đâu”.

Theo Bloomberg, ABJ có toàn quyền vận hành 5 nhà máy xử lý nước lớn nhất thành phố và dự kiến thu về khoảng 4,8 tỷ USD từ thương vụ này. Simon Melhem, giám đốc công ty mẹ Moya Holdings Asia thuộc sở hữu của Salim, cho biết ngay cả trong trường hợp xấu nhất, ABJ sẽ không mất tiền. “Chỉ là bạn không thu về được nhiều lợi nhuận thôi”, Simon Melhem nói.

Bất ngờ thành phố…chìm nhanh nhất thế giới: Lún sâu 4 mét trong suốt 25 năm, sẽ ngập trong nước biển nếu 7 năm tới không khắc phục - Ảnh 1.

Với nguồn nước phần lớn bị ô nhiễm bởi nước thải, Jakarta phải mua nước thô từ bên ngoài thành phố

Với nguồn nước phần lớn bị ô nhiễm bởi nước thải, Jakarta phải mua nước thô từ bên ngoài thành phố, sau đó xử lý và phân phối chúng qua những mạng lưới đường ống hơn 100 năm tuổi. 40% bị thất thoát trên đường đi. Phần lớn trong 60% còn lại sẽ bị tái ô nhiễm khi chảy qua hệ thống.

Chính quyền thành phố Jakarta dự định đầu tư 11 nghìn tỷ rupiah xây dựng các đường ống phân phối nước mới, song kế hoạch này nhanh chóng thất bại sau đại dịch, khi ngân sách thành phố bị cắt giảm 28%.

Trên bờ biển phía bắc thành phố, hàng nghìn ngôi nhà chen chúc nhau trong khu phố Muara Baru. Giống như nhiều khu dân cư nghèo khác ở Jakarta, rất ít hộ gia đình tại đây được sử dụng nước máy. Sugiarti, một bà mẹ hai con 40 tuổi, thậm chí phải múc nước từ một cái hố trên mặt đất.

“Nó mùi quá”, Sugiarti phàn nàn về chậu nước nâu xì trước mặt. “Chúng tôi chỉ muốn có nước sạch. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu. Chúng tôi xứng đáng được nhận nước”.

Mất kiên nhẫn, nhiều hộ gia đình, trong đó có nhà anh Sigit Hariyanto, quyết định tự khai thác nước ngầm ngay bên dưới nhà mình để sử dụng.

“Đôi khi, nước có màu trắng sữa và nồng nặc mùi clo. Thỉnh thoảng, nó còn có màu nâu đục và đầy bùn nữa’’, anh Sigit chia sẻ với tờ CNA.

Hệ lụy bắt đầu vào năm 2019, khi một đường ống nước trong khu anh sống bị vỡ. Điều này khiến khoảng 200 hộ gia đình không có nước sạch sử dụng trong suốt 10 giờ đồng hồ. Công nhân địa phương sau đó đã phải đào một giếng nước sâu 40m để các hộ dân có nước đủ sạch sinh hoạt.

Bất ngờ thành phố…chìm nhanh nhất thế giới: Lún sâu 4 mét trong suốt 25 năm, sẽ ngập trong nước biển nếu 7 năm tới không khắc phục - Ảnh 2.

Tình trạng khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân khiến Indonesia đối mặt với rủi ro sụt lún đất. Tại Jakarta, việc khai thác vô tội vạ của người dân khiến thành phố này sụt 26cm mỗi năm, qua đó trở thành một trong những siêu đô thị chìm nhanh nhất trên thế giới.

Tính đến năm 2022, hơn 90% khu vực ven biển của Jakarta đã nằm dưới mực nước biển; thành phố theo đó càng dễ bị ngập lụt. Việc các con sông không thể đổ ra biển nếu thiếu sự hỗ trợ của các trạm bơm cũng làm trầm trọng thêm tình trạng ngập úng và ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ gia đình.

Dù chính quyền thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp, song có lẽ việc giải quyết tình trạng khai thác nước ngầm “nói” dễ hơn “làm”.

“Mọi người đã đào giếng và khai thác nước ngầm từ nhiều thế hệ nay, vì thế, thật khó để thay đổi suy nghĩ và hành động của họ. Không dễ để họ hiểu được hậu quả của việc khai thác nước ngầm’’, Nila Ardhianie, Giám đốc Viện Amrta nhận định.

“Thực tế là Jakarta bị ngập lụt hàng năm. Vào một số thời điểm nhất định, thủ đô ngập úng nghiêm trọng. Hệ thống quản lý nước rất tệ’’, Nirwono Joga, một chuyên gia quy hoạch đô thị từ Đại học Trisakti của Jakarta cho biết.

Bất ngờ thành phố…chìm nhanh nhất thế giới: Lún sâu 4 mét trong suốt 25 năm, sẽ ngập trong nước biển nếu 7 năm tới không khắc phục - Ảnh 3.

Jakarta thiếu nước sạch.

Theo nghiên cứu hồi năm 2019 do Cơ quan Môi trường Jakarta thực hiện, 96% nước từ các con sông đều bị ô nhiễm do chứa chất thải rắn, kim loại nặng và vi khuẩn. Việc thủ đô này thiếu cơ sở quản lý nước thải chuyên nghiệp được cho là một trong những nguyên nhân.

“Nếu bạn nhìn vào hệ thống cống rãnh ở Jakarta, hầu hết chúng đều dẫn đến các con sông và lưu vực gần nhất. Mọi người đổ rác và chất thải thẳng vào các khu vực này”, Joga nói. “Việc khử muối cũng không khả thi bởi tất cả rác và chất thải cuối cùng sẽ trôi ra biển. Đây là lý do tại sao các con sông, lưu vực nước và biển không được sử dụng làm nguồn nước chính”.

Để cải thiện mức độ tin cậy trong việc cung cấp nước máy cho người dân, bà Tarigan, điều phối viên đối thoại về nước, cho biết giới chức đang mở rộng mạng lưới đường ống của thủ đô. Jakarta cũng đang lên kế hoạch tối ưu hóa các hồ trữ lũ để chúng có thể hoạt động như hồ chứa.

“Mục tiêu của chúng tôi là bao phủ 100% diện tích Jakarta vào năm 2030. Điều này đòi hỏi khoản chi lớn và chúng tốn kém hơn rất nhiều so với việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở một khu vực chưa phát triển”, bà Tarigan nói.

Theo: Bloomberg, CNA

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên