BCTC Vincommerce: Chẳng những không lỗ mà có lợi nhuận top đầu cả nước với 7.600 tỷ đồng
Nhiều giao dịch tài chính của Vincommerce đã không được tính vào kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ trên báo tài chính hợp nhất của Vingroup dẫn đến sự khác biệt rất lớn giữa lợi nhuận trên báo cáo tài chính của Vincommerce với lợi nhuận của mảng bán lẻ.
- 03-12-2019Thương vụ Masan - Vingroup nhìn từ nguy cơ miếng bánh bán lẻ và hàng tiêu dùng của Việt Nam có thể bị Amazon "nuốt chửng"
- 03-12-2019Từ thương vụ chuyển giao Vinmart, Vinmart+ và VinEco cho Masan điều hành, thấy gì về xu hướng M&A Hàng tiêu dùng - Bán lẻ?
- 03-12-2019Thương vụ bom tấn của tỷ phú Vượng và tỷ phú Quang: Sáp nhập Vincommerce và VinEco vào Masan Group
Sau khi thương vụ sáp nhập Vincommerce với Masan Consumer Holdings được công bố, một trong những thông tin được nhiều người quan tâm là kết quả kinh doanh trong quá khứ của hệ thống bán lẻ này.
Vingroup tham gia vào thị trường bán lẻ từ cuối năm 2014 với việc mua lại hệ thống Ocean Mart từ Ocean Group.
Trong 5 năm qua, Vincommerce đã kết hợp cả việc tự mở mới hệ thống cũng như mua lại một loạt doanh nghiệp trong ngành như Maximark, Fivimart, Zakka hay Shop & Go để trở thành nhà bán lẻ đứng đầu về quy mô.
Đến tháng 11/2019, Vincommerce đã xây dựng hệ thống bán lẻ có độ phủ lớn nhất tại Việt Nam với 115 siêu thị VinMart và 2.438 cửa hàng Vinmart+ trên khắp cả nước.
Nhờ mở rộng nhanh chóng, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup (bao gồm cả Vincommerce và một số công ty hiện đã tách khỏi Vincommerce như VinPro hay Adayroi) đã tăng trưởng phi mã.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu mảng bán lẻ của Vingroup đã loại trừ doanh thu nội bộ đạt xấp xỉ 21.900 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.
Vì đang trong quá trình mở rộng liên tục, mảng bán lẻ của Vingroup vẫn lỗ trong các năm qua. 9 tháng đầu năm 2019, mảng bán lẻ lỗ gần 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên sẽ là không đầy đủ, thậm chí là không chính xác nếu đánh giá tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp trong một tập đoàn nếu chỉ nhìn vào báo cáo bộ phận của Tập đoàn.
Báo cáo bộ phận của Vingroup được chia thành các mảng chính như Chuyển nhượng bất động sản với nòng cốt là VinHomes; Cho tho thuê bất động sản với nòng cốt là Vincom Retail; Khách sạn du lịch với Vinpearl; Bán lẻ với chủ lực là Vincommerce...
Kết quả kinh doanh thực tế trên báo cáo tài chính của từng công ty có thể có sự khác biệt lớn với kết quả kinh doanh bộ phận do những giao dịch mang tính chất nội bộ tập đoàn hoặc kết quả của một công ty có thể phân bổ vào nhiều bộ phận khác nhau.
Đơn cử như mảng chuyển nhượng bất động sản không chỉ có VinHomes tham gia mà còn bao gồm cả hoạt động bán shophouse của Vincom Retail hay bán biệt thự nghỉ dưỡng, condotel của Vinpearl.
Và một trường hợp thú vị nữa chính là Vincommerce.
Theo báo cáo bộ phận, mảng kinh doanh bán lẻ của Vingroup năm 2018 lỗ hơn 5.000 tỷ nhưng báo cáo tài chính của Vincommerce lại cho thấy doanh nghiệp này lại có lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 8.200 tỷ và 7.600 tỷ đồng. Kết quả này đã đưa Vincommerce đứng trong top những doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất cả nước cũng như bù được hết lỗ lũy kế của các năm trước.
Trong năm 2018, Vincommerce đã nộp 363 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và đứng thứ 47 trong Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất theo danh công bố của Tổng Cục thuế, tương đương với số thuế đã nộp của Home Credit, Shinhan Bank hay Lọc dầu Dung Quất.
Mức lợi nhuận 2018 của Vincommerce thuộc loại top đầu cả nước
Vincommerce có lợi nhuận đột biến năm 2018 là do có khoản thu nhập tài chính ròng (đã trừ chi phí) lên đến 12.000 tỷ đồng. Trước đó vào năm 2016 công ty cũng có khoản thu nhập tài chính hơn 1.000 tỷ đồng. Giống như hầu hết các doanh nghiệp, bên cạnh hoạt động kinh doanh chính thì hoạt động tài chính cũng là một nguồn thu quan trọng.
Năm 2019, nhiều khả năng Vincommerce sẽ tiếp tục có thêm khoản thu nhập tài chính lớn đến từ việc chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu Vingroup cho SK Group.
Những giao dịch tài chính này đã không được tính vào kết quả kinh doanh của mảng bán lẻ trên báo tài chính hợp nhất của Vingroup dẫn đến sự khác biệt rất lớn giữa lợi nhuận thực tế của Vincommerce với lợi nhuận của mảng bán lẻ.
Với tình hình tài chính được cải thiện cùng với quy mô hệ thống được mở rộng nhanh chóng chính vì vậy mà mới đây Vincommerce đã được quỹ GIC của chính phủ Singapore rót 500 triệu USD và định giá lên đến 3 tỷ USD chỉ sau 5 năm hiện diện trên thị trường.
VCM MCH Deal vinmart vincommerce
Trí Thức Trẻ