Bất ngờ với cú sập giữa "thời hoàng kim" của cổ phiếu chứng khoán
Đang vui trong đà tăng giá của cổ phiếu chứng khoán, nhiều nhà đầu tư không kịp trở tay nên lỗ nặng.
Thị trường chứng khoán liên tục ghi nhận những kỷ lục mới về cả thanh khoản, điểm số và cả giá cả hàng loạt cổ phiếu. Những kỷ lục này đương nhiên sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty chứng khoán. Và, sự thật là, nhiều công ty chứng khoán đã đạt doanh thu, lợi nhuận phá đỉnh lịch sử. Cổ đông của các công ty chứng khoán càng vui hơn nữa khi mà giá cổ phiếu chứng khoán nhân đôi, nhân ba, thậm chí nhân 5,7 lần so với năm ngoái.
Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán giảm giá sâu
Thống kê cuối ngày của chúng tôi cho thấy, phiên giao dịch hôm nay, hầu hết các cổ phiếu ngành chứng khoán đều giảm sâu. Riêng PHS của Chứng khoán Phú Hưng tuy khối lượng giao dịch rất bé nhưng cũng đã khiến giá trị cổ phiếu PHS mất 13,4%. Từ ngưỡng giá 11.900 đồng, PHS hiện chỉ còn 10.300 đồng/cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán khác có khối lượng giao dịch lớn như AAS của chứng khoán Á Âu, SSI của Chứng khoán Sài Gòn; SBS của Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương tín; VND của VNDirect; APS của Chứng khoán Châu Á-Thái Bình Dương; SHS của Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội; MBS của Chứng khoán MB, VCI của Chứng khoán Bản Việt hay APG của Chứng khoán APG đều có mức giảm từ 3 đến 6,6%.
Diễn biến giảm giá bất ngờ của nhóm cổ phiếu chứng khoán
Nhóm cổ phiếu chứng khoán giảm sâu khi kỳ vọng về ngành đang ở mức rất cao
Trong báo cáo cập nhật ngành chứng khoán ngày 2/6, CTCK SSI đánh giá, với nhóm ngành chứng khoán, các cổ phiếu trong khu vực đang được giao dịch với P/E và P/B trong vòng 4 quý gần nhất trung bình lần lượt là 25,1x và 2,8x. Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán của Việt Nam hiện đang giao dịch với P/E và P/B quá khứ tương ứng là 13,9x và 1,6x, thấp hơn khá nhiều so với trong khu vực. SSI cho rằng các cổ phiếu CTCK niêm yết Việt Nam có mức giá hấp dẫn và hợp lý để đầu tư dài hạn.
Cũng theo phân tích của Chứng khoán SSI, việc thanh khoản thị trường dự báo đạt trung bình 18.000 tỷ đồng/phiên trong cả năm 2021 và tăng thêm 15% trong năm 2022 nhờ môi trường lãi suất thấp cùng với đó là tỷ lệ gia nhập thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân là động lực thúc đẩy lớn của ngành chứng khoán.
Cũng theo thống kê của SSI, ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 đã khiến LNTT trong quý 1/2020 đạt thấp. Sang quý 1/2021, doanh số giao dịch của các công ty chứng khoán tăng mạnh, xuất phát từ việc có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường từ nửa cuối năm 2020 khi mặt bằng lãi suất tiền gửi giảm sâu. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay margin cũng tăng mạnh theo đà tăng của tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân trong tổng giao dịch. Doanh thu dịch vụ ngân hàng đầu tư được gia tăng từ mảng trái phiếu doanh nghiệp và thu nhập từ tự doanh cũng hưởng lợi từ việc thị trưởng tăng điểm mạnh. Doanh số giao dịch toàn thị trường trong quý đầu tiên năm 2021 tăng trưởng mạnh 283% lên mức 1,1 triệu tỷ đồng. Tiếp đà thăng hoa, doanh số giao dịch thị trường nửa đầu quý 2/2021 đã tăng 22% so với quý 1 và tăng 306% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng chung quan điểm với Chứng khoán SSI, Chứng khoán MB cũng nhận định ngắn gọn là ngành chứng khoán đang ở giai đoạn hoàng kim.
Như vậy có thể nói, với các yếu tố thị trường cực kỳ thuận lợi, việc nhà đầu tư đặt niềm tin vào nhóm cổ phiếu chứng khoán là điều rất dễ hiểu. Chính vì lẽ đó, việc trong thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu chứng khoán dù đã tăng rất mạnh nhưng vẫn được giới đầu tư canh mua. Đặc biệt, trong khoảng hơn một tuần trở lại đây, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt thì nhóm cổ phiếu chứng khoán được mua mạnh hơn bao giờ hết.
Việc cổ phiếu nhóm chứng khoán giảm mạnh trong khi ngành đang uptrend đặt ra câu hỏi lớn cho nhà đầu tư là liệu cổ phiếu chứng khoán có còn hấp dẫn nữa hay không và có hay không những điều sẽ có thể thay đổi "cục diện" mọi thứ đều rất tốt của cổ phiếu chứng khoán khiến cổ phiếu bị bán mạnh trên diện rộng.