Bất ngờ với danh sách doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay hàng đầu Việt Nam
Ở mảng cà phê chế biến, các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần áp đảo, còn mảng cà phê nguyên liệu thì doanh nghiệp Việt dẫn đầu
- 11-03-2024Giá rẻ bất ngờ, Thái Lan săn lùng một mặt hàng của Việt Nam trong tháng 1: Xuất khẩu tăng hơn 1.200%, nước ta áp đảo thế giới về nguồn cung
- 11-03-2024Vì sao các điểm đến châu Á tìm cách thu phí du lịch?
- 11-03-2024Chợ Mai Động thông báo đóng cửa gấp, hàng trăm tiểu thương không kịp trở tay
Theo Hiệp hội Cà Phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 394.167 tấn cà phê, mang về giá trị khoảng 1,25 tỉ USD, tăng 15,1% về lượng và tăng 67,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 5 tháng đầu niên vụ cà phê (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), Việt Nam xuất khẩu khoảng 764.802 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu trên 2,36 tỉ USD, tăng 1,5% về lượng và tăng 39,4% về giá trị so với cùng kỳ niên vụ trước.
Trong đó, cà phê nhân Robusta đóng góp giá trị nhiều nhất với gần 1,84 tỉ USD, cà phê nhân Arabica đạt kim ngạch hơn 56,62 triệu USD, cà phê nhân đã khử caffeine kim ngạch gần 3,2 triệu USD. Cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) có giá trị xuất khẩu hơn 401 triệu USD.
Trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê 2023/2024, xét về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống (cà phê nguyên liệu) thì Công ty TNHH Vĩnh Hiệp dẫn đầu với 81.025 tấn. Đây là doanh nghiệp do ông Thái Như Hiệp sáng lập với thương hiệu L'amant Café – ông Hiệp hiện là Phó Chủ tịch Vicofa.
Tiếp theo là: Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Mỹ Phước, Phúc Sinh, NKG Việt Nam, Olam Việt Nam và Hoa Trang - Gia Lai. Bảng xếp hạng này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam chiếm thị phần lớn ở mảng xuất khẩu cà phê nhân sống.
Tuy nhiên, tốp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan hầu hết là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó, NESTLÉ Việt Nam (Thụy Sĩ) dẫn đầu với khoảng 57,5 triệu USD.
Tiếp theo là các thương hiệu: OUTSPAN Việt Nam, Cà phê Ngon, Tập đoàn Trung Nguyên, IGUACU Việt Nam, URC Việt Nam, TATA COFFEE Việt Nam, INSTANTA Việt Nam, SUCAFINA Việt Nam và Lựa chọn đỉnh. Như vậy, trong danh sách này chỉ có một thương hiệu Việt là Tập đoàn Trung Nguyên.
Ở niên vụ 2022/2023, theo thống kê, các doanh nghiệp FDI xuất khẩu cà phê nhân sống chiếm thị phần khoảng 33,1% về giá trị và 71,7% về giá trị cà phê chế biến (rang xay và hòa tan).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho biết các doanh nghiệp FDI cũng là hội viên Vicofa. Những doanh nghiệp này có tiềm lực về vốn, công nghệ, thị trường.
"Thời gian gần đây, thị phần xuất khẩu của các doanh FDI có xu hướng tăng. Một phần nguyên nhân do giá cà phê tăng khiến điểm yếu về vốn của doanh nghiệp Việt bộc lộ rõ. Hạn mức cho vay của ngân hàng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê không đổi. Với cùng số vốn doanh nghiệp chỉ mua được khoảng 1 nửa số lượng cà phê của năm ngoái" – ông Hải lý giải.
Người Lao Động