Bất ngờ với làn sóng di cư ở Nhật Bản: Bỏ quê hương với mong mỏi tìm "việc nhẹ, lương cao"
Cựu nhân viên công ty ô tô chuyển đến Thụy Điển để được hưởng lương cao hơn và có thời gian dành cho gia đình. Ảnh: Nikkei Asia
Tuy không đành lòng, một bộ phận người dân xứ sở hoa anh đào đang phải đi tìm cuộc sống mới cho mình ở quốc gia khác.
- 07-03-2023Chủ tịch FED sắp phải trình diện Quốc hội Mỹ: Hé lộ nhiệm vụ “siêu khó” đón chờ ông Powell
- 07-03-2023Dấu hiệu kết thúc của Facebook: Mark Zuckerberg liên tục copy đối thủ, khiến 3 tỷ người dùng cảm thấy ngày càng nhàm chán
- 07-03-2023Chuyên gia cảnh báo: Lãi suất sẽ tăng mạnh hơn nhiều so với dự đoán, nền kinh tế nguy cơ "hạ cánh cứng"
“Tôi muốn phát triển ở nước ngoài hơn là cứ trì trệ ở Nhật Bản,” một người đàn ông Nhật Bản làm kỹ sư hệ thống tại một một công ty khởi nghiệp ở Stockholm cho biết. Thu nhập hàng năm của anh đã tăng khoảng 1,5 lần so với công việc trước đây từng làm ở Nhật Bản. Không những vậy, ở Thuỵ Điển, anh có được môi trường sống khó có thể đạt được khi còn ở quê nhà.
Người đàn ông 34 tuổi này hiện đang sống ở “Venice của Bắc Âu”. Anh đã chuyển công việc từ một hãng ô tô Nhật Bản sang công ty hiện tại vào tháng 2 năm 2020. Công ty này có khoảng 3.500 nhân viên, trong đó có khoảng 20 người Nhật Bản. Trách nhiệm chính của anh là thiết kế hệ thống cho các nhà sản xuất ô tô và máy móc công nghiệp ở Châu Âu và Bắc Mỹ.
Một chuyến công tác tới châu Âu đã tác động tới người đàn ông này và khiến anh quyết định đi làm việc cho một công ty nước ngoài. Anh thấy một người quen của mình làm việc cho một công ty ở châu Âu có mức lương cao hơn anh nhưng vẫn hoàn thành công việc vào lúc 6h chiều, được ăn tối cùng gia đình và còn được nghỉ cuối tuần.
Người đàn ông đã hoàn thành chương trình cao học tại một trường đại học quốc gia Nhật Bản và làm việc suốt 7 năm tại công ty cũ của mình. Mức lương của anh không tăng đáng kể. Vào thời điểm bận rộn, anh thường về nhà rất muộn sau khi làm thêm giờ. Số giờ làm thêm của anh đôi khi còn làm vượt quá 80 giờ/tháng.
Anh bắt đầu tìm việc mới ở nước ngoài. Sau khi phỏng vấn với một số công ty, anh đã tìm được vị trí hiện tại mà bản thân đang làm. “Ở lại được Nhật Bản thì là tốt nhất. Thế nhưng, sẽ rất khó để quay lại Nhật Bản bởi mức lương không cao bằng và cũng khó mà đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà tôi đang có ở Thuỵ Điển,” anh nói.
30 năm không mấy thay đổi
Nhiều người lao động Nhật Bản cũng đang chuyển ra nước ngoài để tìm kiếm điều kiện làm việc và lương tốt hơn. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình ở Nhật Bản vào năm 2021 là 39.711 USD, tức là hầu như không tăng trong 30 năm kể từ năm 1991 là 37.866 USD.
Trong khi đó, lương ở Mỹ cao hơn ở Nhật khoảng 1,9 lần, đạt 74.738 USD và tăng khoảng 1,5 lần so với cùng kỳ. Hàn Quốc với mức lương trung bình là 42.747 USD cũng đã vượt qua Nhật Bản vào năm 2015.
Satsuki Tamura là người sáng lập công ty hỗ trợ thay đổi nghề nghiệp ở nước ngoài GJJ tại Tokyo. Ông cho biết số lượng yêu cầu từ những người tìm việc ở nước ngoài vào năm 2022 cao hơn 1,5 lần so với năm 2021, một phần nguyên nhân là do đồng yên yếu hơn.
Trước đây, hầu hết người tìm việc là những người trẻ ở độ tuổi cuối 20 và đầu 30 đã tốt nghiệp từ các trường đại học danh tiếng. Gần đây, số người ở độ tuổi 50 và 60 có kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài đã tăng lên. Nhiều người trong số họ đang tìm kiếm việc làm ở Đông Nam Á thông qua việc tuyển dụng của các công ty Nhật Bản tại địa phương, nhưng họ không có ý định ở lại khu vực này lâu dài.
Theo OECD, mức lương trung bình của Nhật Bản đứng thứ 24 trong số 34 quốc gia và thấp nhất trong Nhóm G7. Do đó, ngày càng có nhiều người Nhật Bản di cư để tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn.
Tuy nhiên, thay đổi công việc và di cư ra nước ngoài có một vài rủi ro.
Tatsuo Moriyama là một nhà nghiên cứu về việc làm ở nước ngoài và là tác giả của một số cuốn sách về chủ đề này. Ông lưu ý rằng không phải ai cũng có thể đảm bảo việc làm ở nước ngoài, bởi vì cần phải có kỹ năng chuyên môn cao để kiếm được việc có mức lương cao.
So với Nhật Bản có quy định nghiêm ngặt và khó bị sa thải thì công việc ở nước ngoài sẽ có thời gian thử việc kéo dài và nếu không đạt kết quả, nhân viên có thể bị sa thải ngay lập tức. Hơn nữa, theo Moriyama, chi phí y tế cao và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng hạn chế cũng là những thách thức ở một số khu vực.
“Điều nên làm là sống ở khu vực mà bạn muốn trong một thời gian ngắn trước khi quyết định thay đổi công việc, nếu có việc gì đó xảy ra khiến bạn không muốn di cư nữa, bạn vẫn có thể quay trở lại Nhật Bản,” Moriyama khuyên.
Tham khảo Nikkei Asia
Nhịp Sống Thị Trường