Bát nháo mua bán đất ở Cam Lâm, Khánh Hòa
Khoảng 10 ngày trở lại đây, tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa xảy ra tình trạng sốt đất. Trong thời gian ngắn, người dân từ nhiều nơi đến đây mua, bán, đẩy giá đất tăng nhanh. Không chỉ đất nền tự phân lô, việc mua bán đất nông nghiệp cũng diễn ra nhiều nơi.
- 15-10-2021Chị bán xôi mua mảnh đất 200 triệu đồng, sau 3 năm chỉ bán hoà vốn và bài học cho các F0 đầu tư BĐS: Đất có luôn tăng giá như lời đồn?
- 25-09-2021Mua nền đất 1,1 tỉ đồng, giờ bán 800 triệu không ai hỏi, bài học “hốt cục nợ” cho nhà đầu tư lướt sóng vẫn còn nguyên vẹn khi cơn sốt đất đi qua
- 13-09-2021Đem 12 tỉ đồng mua mảnh đất vườn tại Q.9, sau 2 năm bán ra lời gần gấp 4 lần, đây là bí kíp “độc” của một nhà đầu tư gạo cội
Thị trường bất động sản tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa khá sôi động trên các trang mạng xã hội, trang mạng chuyên về mua bán bất động sản. Những dự án với những cái tên rất hoành tráng như: Golden Lake, Cam Lâm Central Park, Cam Lâm Future City, Cam Lâm Sky Lake… kèm theo những lời quảng cáo rất hấp dẫn như sở hữu địa thế đất có một không hai, tọa sơn hướng thủy mang lại nhiều tài lộc cho chủ nhân dễ thu hút nhiều người tìm mua. Các dự án nghỉ dưỡng gần đó bỗng nhiên được gắn thêm Casino, bến du thuyền để kêu gọi người mua. Khi nghe tên dự án, giá mềm, lại gần sân bay quốc tế và khu vực bắc bán đảo Cam Ranh, nhiều người dễ mắc bẫy lừa phỉnh. Bởi, hầu hết đất được rao bán trên mạng là những khu đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản ven đầm Thủy Triều được san lấp, phân lô.
“Trước đây, đất trồng cây lâu năm hoặc đất thổ có một ít, từ đất trồng cây lên. Tách sổ, có sổ tổng, ai mua thì tách sổ ra. Hiện tại, đường bên em đã làm hết để vào các khu đất phân lô còn đường quy hoạch của Nhà nước thì chưa làm. Trong đấy có đường điện, đường nước đầy đủ, xây có thể ở được luôn”, anh Trần Văn Anh, môi giới bất động sản ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết.
Mới đây, ngày 17/10, UBND tỉnh Khánh Hòa có cuộc họp nghe một Tập đoàn kinh tế lớn đề xuất đầu tư 3 dự án có quy mô rất lớn tại huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh. Ngay sau đó, giấy mời cuộc họp, một số hình ảnh các dự án đã được những người môi giới bất động sản cắt xén đăng tải. Với những quảng cáo hấp dẫn rằng thương hiệu của tập đoàn này sẽ làm đất nền Cam Lâm tăng giá mạnh trong thời gian ngắn. Hiện nay, không chỉ đất nền tự phân lô tăng giá mà ngay cả đất nông nghiệp, đất ở trong các khu dân cư cũng tăng cao. Nhiều người từ các tỉnh phía Bắc, phía Nam đổ về Cam Lâm để mua gom đất. Nhiều người dân địa phương cũng chuyển sang làm môi giới mua bán đất gây bát nháo cả một vùng quê.
“Đất tăng vùn vụt, ví dụ như 1 sào người ta bán 600 triệu, người ta tới sang lại 750 - 800 triệu trong sáng, chiều. Ở ngoài kia vô nhiều, phải bọc tiền trong túi sẵn. Chủ hô bán viết giấy cọc lại không bán, lên 5 giá, từ 60 lên 65 triệu cũng không bán, 70 mua luôn mới chịu bán. Giấy tờ em làm vô tư. Vườn cây hay đất ở gì cũng vậy”, ông Nguyễn Xuân, nhân viên một cơ quan ở huyện Cam Lâm kể.
Trước đây, từ năm 2018 đến tháng 6/2021, tại huyện Cam Lâm nóng lên việc phân lô, tách thửa thông qua hình thức “hiến đất” làm đường. Tuy nhiên, có nhiều khu vực mặc dù chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc 1/2000 nhiều người vẫn tách thửa, phân lô, ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch. Hiện nay, nhiều khu phân lô, bán nền ở huyện Cam Lâm đều nằm trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên.
Ông Ngô Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa cho biết, liên quan đến việc phân lô bán nền, hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Khánh Hòa và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đang thanh tra, kiểm tra tình trạng này. Từ tháng 6/2021, UBND huyện đã tạm dừng việc “hiến đất” làm đường.
Ông Ngô Văn Bảo khẳng định, phía bờ tây đầm Thủy Triều hiện không có các dự án nhà ở, các thông tin trên mạng do môi giới vẽ lên để thu hút người mua. Với tình trạng sốt đất như hiện nay, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin tại các cơ quan quản lý nhà nước, tránh “lướt sóng” dẫn đến thiệt hại cho cá nhân và khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Theo ông Ngô Văn Bảo, huyện Cam Lâm đang cập nhật, điều chỉnh quy hoạch, người mua sẽ chịu nhiều rủi ro khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án: “Khi lướt sóng thì hậu quả, người mua sau cùng sẽ thiệt thòi. Tiền các anh vay đến khi Nhà nước thu hồi để thực hiện các công trình, thực hiện các nhiệm vụ khác người đó sẽ bị thiệt thòi. Đặc biệt, đối với những dự án Nhà nước thu hồi đất để giao mặt bằng thì giá cũng theo quy định. Thông thường những giá đất do Nhà nước quy định cũng không thể cao hơn giá trôi nổi trên thị trường được”.
Việc phân lô, bán nền chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trước mắt. Về lâu dài sẽ phát sinh nhiều tiêu cực và hệ lụy cho xã hội, làm cạn kiệt tài nguyên. Việc phân lô bán nền, mua bán đất nông nghiệp tràn lan cũng ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án đầu tư lớn mang tính động lực cho sự phát triển của địa phương. Ông Trần Đình Quý, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tình trạng lộn xộn ở huyện Cam Lâm cần được chấn chỉnh và làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại điểm nóng này.
“Chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc thu hút các nhà đầu tư. Người ta sẽ e ngại. Một mặt anh cho phép tách thửa tràn lan người dân có sổ đỏ, sắp tới, các nhà đầu tư vô, anh lại thực hiện việc đền bù, sẽ đá nhau, xung đột lợi ích. Cuối cùng ai là người mệt mỏi? Nhà nước cũng mệt mỏi, người dân đang sở hữu những thửa đất mà do anh cho phép tách thửa cũng mệt mỏi, nhà đầu tư vô thực hiện việc này cũng mệt mỏi”, ông Trần Đình Quý nêu ý kiến./.
VOV