MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất ổn kinh tế toàn cầu - gánh nặng đè lên vai người tiêu dùng

05-09-2019 - 19:30 PM | Tài chính quốc tế

Khi các mối đe dọa từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đến Brexit đánh vào đầu tư và niềm tin kinh doanh, người tiêu dùng trở thành tác nhân chính ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu.

Có rất nhiều gánh nặng trên vai của người tiêu dùng toàn thế giới, và sự căng thẳng đang bắt đầu thể hiện rõ.

Sự yếu kém trong sản xuất ảnh hưởng tới việc làm và thị trường tài chính thắt chặt trong bối cảnh chiến tranh thương mại tác động tới các hộ gia đình, gây tâm lý lo ngại rằng nền kinh tế thế giới đang đi đến suy thoái.

Theo ông Cameron Daco, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Oxford Economics, sẽ rất sai lầm khi tin rằng sự yếu kém trong sản xuất không thể lây lan sang phần còn lại của nền kinh tế. Ngay cả khi các nhà máy chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong sản lượng của Mỹ.

Theo khảo sát của Đại học Michigan, những lo ngại về thuế quan và lạm phát đã đẩy chỉ số cảm tính tiêu dùng xuống thấp nhất trong gần 7 năm qua, một con số đáng báo động.

Nếu điều này dẫn đến một sự đứt đoạn trong nền kinh tế toàn cầu liên quan đến người tiêu dùng, sẽ gây ra rắc rối nghiêm trọng hơn cho sự phát triển của thế giới.

Hãy làm sáng tỏ câu chuyện thị trường lao động trên khắp các nền kinh tế tiên tiến.

Các khảo sát cho thấy việc làm tại các nhà máy đang giảm trên khắp thế giới. Đức, nằm trong nguy cơ suy thoái, thị trường lao động bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu yếu kém; Anh đang bị vùi dập bởi sự bất ổn của Brexit; các nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc và Indonesia đã ghi nhận sự suy giảm trong chỉ số niềm tin tiêu dùng. Tại Mỹ, các nhà sản xuất đang cắt giảm lao động.

Đối với các ngân hàng trung ương, câu hỏi đặt ra là liệu các bộ phận khác của nền kinh tế có thể tiếp tục vượt qua cơn bão đang hoành hành trong lĩnh vực sản xuất hay không thể tránh khỏi bị cuốn theo. Đánh giá được mối đe dọa lan tỏa này sẽ giúp các ngân hàng trung ương đưa ra những biện pháp kích thích nền kinh tế phù hợp.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco Mary Daly lưu ý sự tương phản trong nền kinh tế, sự bất ổn đã làm tổn thương đầu tư kinh doanh, nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước lại không bị ảnh hưởng. Theo báo cáo vào thứ Sáu tuần trước, chi tiêu tiêu dùng của Mỹ đã tăng 0,6% trong tháng 7. Trong khu vực đồng euro, doanh số bán lẻ đang tăng với tốc độ khoảng 2% so với năm trước, nhỉnh hơn so với mức trung bình năm 2018.

Nhưng tình hình có thể thay đổi do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, doanh thu của công ty giảm, suy thoái sản xuất và ảnh hưởng của Brexit.

Tại Mỹ, khảo sát của Đại học Michigan cho thấy chiến tranh thương mại có thể tác động tới tâm lý người tiêu dùng như thế nào, cứ 3 người tiêu dùng thì sẽ có 1 người đề cập tới câu chuyện thuế quan.

Sự bất ổn tâm lý người tiêu dùng

Nhà bán lẻ điện tử của Mỹ Best Buy Co. cho biết hành vi mua hàng của khách hàng nói chung trong nửa cuối năm chưa thể dự đoán được.

Bị áp lực bởi tranh chấp thương mại với Nhật Bản và sự yếu kém của thị trường lao động đang diễn ra, trong tháng 8, chỉ số tâm lý của Hàn Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017. Thất nghiệp ở mức cao trong vòng 45 năm qua cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiêu dùng ở Ấn Độ, doanh số xe hơi trong tháng 7 giảm mạnh nhất trong gần hai thập kỷ.

Tại cuộc họp chính sách mới đây, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu đã ghi nhận sự ảm đạm của thị trường việc làm và câu hỏi được đặt ra là bao lâu nữa thì sẽ có những chuyển biến tích cực.

Sụt giảm trong sản xuất có thể gây ra suy thoái sâu hơn. Ngoài việc cắt giảm việc làm trong ngành, các công ty dịch vụ kinh doanh có thể bị mất hợp đồng, cũng buộc phải hạn chế chi tiêu. Khi tình hình việc làm trở nên tồi tệ hơn, các hộ gia đình buộc phải cắt giảm chi tiêu, rút chân khỏi trụ cột khổng lồ hỗ trợ nền kinh tế.

Khánh An

Bloomberg

Trở lên trên