MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt sóng xu hướng – một trong những cách truyền thông hiệu quả chưa được khai thác triệt để

17-04-2017 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Xu hướng (hay “trend”) thực chất là gì? Vì sao trend có thể đem về cho một số nhãn hàng (như Biti’s Hunter) những kết quả ấn tượng như vậy, trong khi đa số các doanh nghiệp khác vẫn ngần ngại tận dụng nó?

Với sự phát triển của Internet, thông tin lan truyền ngày càng nhanh và rộng, dễ dàng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và tạo thành các xu hướng, trào lưu hay còn gọi là trend. Nhiều cá nhân và thậm chí là các doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng lợi thế của trend để gây chú ý tới nhóm đối tượng độc giả mục tiêu của mình.

Chiến dịch Biti’s Hunter cuối năm 2016 đã thành công nhờ “bắt” theo xu hướng đi du lịch dịp Tết là một ví dụ điển hình, tuy nhiên, đây chỉ là một trường hợp cá biệt, còn lại đa số các doanh nghiệp vẫn ngần ngại trong việc tận dụng cách thức này để tiếp cận nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng.

Một trong những lý do chính dẫn đến sự ngần ngại đó là vì doanh nghiệp cho rằng trend chỉ là những trào lưu của giới trẻ, với những nội dung không có giá trị, có thể gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh vốn có của thương hiệu, làm giảm uy tín trong mắt khách hàng. Hơn nữa, liệu những trào lưu đó sẽ tồn tại trong bao lâu và đem lại những giá trị gì cho doanh nghiệp?

Tuy nhiên, quan điểm trên mới chỉ là một góc nhìn chưa đầy đủ về trend, dẫn đến cách đánh giá có phần sai lệch. Có thể hiểu một cách ngắn gọn trend là những xu hướng, trào lưu hấp dẫn thu hút nhiều người quan tâm, chia sẻ và hành động theo. Cũng có thể mô tả trend giống như một “cơn bão”, bất chợt bùng lên thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng. “Cơn bão” ấy có thể chỉ ngắn vài tuần hoặc dài tới suốt một mùa, một năm, tiêu biểu như các xu hướng màu sắc, trang phục, kiểu tóc, xe cộ, nội thất…

Độ phủ của trend cũng rất đa dạng, có thể chỉ vài ngàn người trong một trường Đại học nhưng cũng có thể tới hàng triệu người trên toàn thế giới. Trend không phải hiện tượng chỉ diễn ra trong giới trẻ, mỗi phân khúc độc giả sẽ bị thu hút bởi một vấn đề đặc thù, có thể kể đến những vấn đề thu hút được sự quan tâm của cả những người lớn tuổi như thanh lý xe công, chiến dịch thu hồi vỉa hè…

Có thể thấy trend cũng giống với một “kênh” truyền thông đặc biệt, cũng có độ phủ riêng, có đối tượng độc giả riêng và có nội dung đặc thù. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn những trend sát với định vị thương hiệu, điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp nhất nhằm mục đích truyền thông. Sử dụng đúng cách, trend sẽ là một công cụ làm thương hiệu mạnh mẽ.

Đi sâu hơn vào ví dụ của một trong những chiến dịch marketing rầm rộ nhất năm 2016: Biti's Hunter - "Lạc trôi - Đi để trở về", để thấy rõ hơn sức mạnh lan truyền của trend. Cuối năm 2016, nhận ra xu hướng đi du lịch ngày càng nhiều đồng thời xuất hiện cuộc tranh luận sôi nổi của cộng đồng mạng về chủ đề: ”Đi du lịch để trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống hay trở về với gia đình vào dịp Tết”, Biti’s đã kết hợp với ca sĩ Soobin Hoàng Sơn tung ra video clip ca nhạc mang tên “Đi để trở về” đánh trúng tâm lý vừa muốn đi xa để trưởng thành vừa muốn trở về bên gia đình của người trẻ và thông điệp đã nhận được rất nhiều lượt quan tâm trong nhóm đối tượng mục tiêu của Biti’s.

Nhưng phải đến khi đôi giày Biti’s Hunter xuất hiện một cách đầy bất ngờ trong MV đâm tính cổ trang “Lạc trôi” của ca sĩ Sơn Tùng M-TP, sức nóng của chiến dịch mới lên tới đỉnh điểm với lượt tìm kiếm về Biti’s vọt lên cao nhất trong vòng 5 năm gần đây (theo Google Trend).

Kết quả mà chiến dịch Biti’s Hunter thu về là 1.2 triệu lượt tương tác gồm 5,279 bài viết, 143,261 bình luận, 1.02 triệu lượt thích và 54,619 lượt chia sẻ chỉ trong hơn 1 tháng từ 18/12/2016 đến 16/01/2017 (theo Younetmedia). Cùng với đó, sản phẩm Biti’s Hunter thành công rực rỡ với chiến lược tái định vị hình ảnh gắn với người nổi tiếng, từ đó “cháy hàng trên mọi mặt trận” nhờ chất lượng, hình ảnh trẻ trung, năng động đầy phong cách, phù hợp với giới trẻ Việt Nam.

Giữa “tâm bão” trend, một độc giả mục tiêu có thể bắt gặp nó tới hàng chục lần mỗi ngày từ tất-tần-tật những gì họ tiếp xúc như báo mạng, mạng xã hội, diễn đàn, thậm chí cả trong những câu chuyện phiếm với bạn bè, đồng nghiệp… Đối với một bức ảnh hoặc video do nhãn hàng đăng tải, người đọc chỉ đơn thuần coi như một thông tin bình thường, thấy hay thì xem qua.

Nhưng nếu bạn bè của họ chia sẻ lại bức ảnh hoặc video đó cùng những lời văn tự nhiên, họ sẽ thấy gần gũi, tin cậy, dễ tiếp nhận hơn và dễ để lại tương tác như “thích”, bình luận… Đặc biệt, nếu chính họ là người nhấn nút chia sẻ cùng với những câu chữ mang đậm dấu ấn của cá nhân thì thông điệp của nhãn hàng đã trở thành thông điệp của chính họ, giúp khắc sâu hơn ấn tượng về nhãn hàng.

Với tất cả những lợi thế trên, sẽ thật đáng tiếc nếu doanh nghiệp bỏ trend ra khỏi danh sách các kênh truyền thông có thể sử dụng để làm thương hiệu hoặc quảng bá sản phẩm. Mỗi ngày có thể có đến hàng chục, hàng trăm trend được sinh ra và một trong số đó nếu được tận dụng một cách hiệu quả sẽ là nguồn công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp tạo ra một chiến dịch lan truyền bùng nổ.

A.D

Trí Thức Trẻ

Từ Khóa:
Trở lên trên