MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng về hành vi tham ô tài sản

15-05-2019 - 07:59 AM | Xã hội

Tối 14-5, Công an TP HCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam, khám xét nơi ở của ông Tề Trí Dũng do liên quan đến các sai phạm tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Lúc 22 giờ 20 ngày 14-5, một nguồn tin xác nhận với Báo Người Lao Động, lãnh đạo VKSND TP  HCM đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng về hai tội "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Hiện các trinh sát của Công an TP HCM đang khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Tề Trí Dũng tại quận 7, TP HCM.

Ông Tề Trí Dũng (SN 1981, ngụ quận 1, TP HCM) tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế TP HCM và Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học La Trobe (Úc).

Cuối tháng 10-2018, UBND TP đã có quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) do liên quan đến các sai phạm tại IPC.

Trước đó, Thanh tra TP đã có kết luận, chỉ ra nhiều sai phạm tại IPC. Cụ thể, về sai phạm trong quản lý, sử dụng tòa nhà văn phòng IPC. IPC chỉ sử dụng một phần tòa nhà, còn lại cho 81 đơn vị thuê làm văn phòng. Tổng doanh thu cho thuê từ năm 2010 đến năm 2017 là hơn 295 tỉ đồng.

Bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng về hành vi tham ô tài sản - Ảnh 1.

Ông Tề Trí Dũng

Việc huy động vốn, Công ty IPC hoạt động kinh doanh có lợi nhuận nhưng lại đi vay ngân hàng để nộp lợi nhuận vào ngân sách và nhằm tạo quan hệ tín dụng với ngân hàng là không phù hợp, làm phát sinh khoản lãi vay hơn 8 tỉ đồng.

Đối với dự án Khu dân cư Long Hậu - Long An: IPC hợp tác đầu tư với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án nhưng bản chất là chuyển nhượng dự án. Việc chuyển nhượng dự án này không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định. Việc hợp tác đầu tư không đảm bảo quyền lợi cho IPC.

Đặc biệt, thanh tra cũng chỉ ra việc ông Tề Trí Dũng làm đại diện vốn nhà nước tại 4 công ty có vốn đầu tư nhà nước là vượt so với quy định; việc chọn Công ty Nguyễn Kim là cổ đông chiến lược không có cơ sở pháp lý…

Kế đến, trong 2 năm 2016, 2017, IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền là hơn 1,3 tỉ đồng. Sau khi đi nước ngoài về, các cá nhân có báo cáo nhưng nội dung không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết qua chuyến đi. Có 12 trường hợp đi nước ngoài nhưng không có quyết định của UBND TP như: bà Bùi Hải Hà (kiểm soát viên), ông Vũ Xuân Đức (thành viên hội đồng thành viên), ông Nguyễn Việt Dũng (Phó Tổng Giám đốc), ông Phùng Đức Trí (Phó Tổng Giám đốc)…

Một số người đi nước ngoài thực tế vượt so với thời gian cử đi từ 1 đến 7 ngày: ông Tề Trí Dũng (Tổng Giám đốc), ông Phạm Xuân Trung (Phó Tổng Giám đốc), ông Trần Đăng Linh (Trưởng Phòng Quản lý đầu tư dự án), bà Hồ Thị Thanh Trúc (Trưởng Phòng Phát triển kinh doanh), ông Nguyễn Việt Dũng, ông Trần Đăng Linh, ông Vũ Xuân Đức, ông Phùng Đức Trí.

Theo Thanh tra TP, việc đi nước ngoài nhiều nhưng không thể hiện được kết quả gây lãng phí ngân sách tại Công ty IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp của nhà nước.

Trước những sai phạm trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã giao Chánh Thanh tra TP thành lập đoàn thanh tra để làm rõ; đồng thời giao Chánh Thanh tra TP phối hợp với Công an TP chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan CSĐT Công an TP để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty CP KCN Hiệp Phước (thuộc IPC) có dấu hiệu vi phạm, không bảo đảm lợi ích cổ đông của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nhà nước; việc thực hiện dự án khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không bảo đảm lợi ích của IPC.

Báo Người Lao Động tiếp tục cập nhật thông tin.

Theo Phạm Dũng

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên