Bắt tay với nhà đầu tư ngoại: Doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng 'cuộc chơi lớn'
Thay vì “đơn phương độc mã” trong một thị trường bất động sản đầy tiềm năng, nhiều doanh nghiệp địa ốc Việt đã chủ động tìm kiếm sự hợp tác với các nhà đầu tư ngoại để nâng cao tiềm lực và chất lượng sản phẩm.
Trong nhiều năm gần đây, BĐS luôn là lĩnh vực nằm trong top đầu về thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,98 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đánh giá về những lợi ích mà vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, giới chuyên môn nhìn nhận, dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính. Các chuyên gia cũng cho biết các nhóm nhà đầu tư ngoại đang quan tâm đến thị trường BĐS Việt Nam chủ yếu đến từ các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, ngoài ra còn có cả các quỹ đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu.
Quan sát thực tế cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, thị trường đã chứng kiến khá nhiều cái bắt tay của các địa gia BĐS nội với các ông lớn ngoại. Có thể kể đến như Phát Đạt đã ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với Samty Asia Investments Pte. Ltd với tổng số vốn lên tới 22,5 triệu USD. Công ty Xây dựng Hòa Bình phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu cho Hyundai Elevator Co.,Ltd
Ngày 16/5, Tập đoàn Vingroup và SK Group (Hàn Quốc) ký kết thỏa thuận chiến lược với việc SK Group đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của VinCommerce. Tiếp đó, tháng 6, Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures (thành viên của VinaCapital Group) chính thức công bố khoản đầu tư 4 triệu USD vào Công ty Công nghệ môi giới bất động sản Rever.
Không chỉ "bắt tay" với doanh nghiệp ngoại qua việc huy động vốn bằng mua bán cổ phần, trái phiếu. Hiện nay, sự hợp tác của nhiều doanh nghiệp BĐS nội với nhà đầu tư ngoại ngày càng trở nên khăng khít hơn. Khi các ông lớn bất động sản có quỹ đất bắt tay với nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệp cùng tham gia xây dựng và phát triển dự án nhằm mang đến những sản phẩm BĐS chất lượng quốc tế trên thị trường.
Có thể kể đến như đầu năm 2019 Vinaconex và CPG International (Singapore) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Việc hợp tác giữa 2 bên nhằm mục tiêu triển khai nhiều dự án quy mô lớn của Vinaconex mang tầm cỡ quốc tế trong thời gian tới. Đây là cái "bắt tay" đầu tiên của Vinaconex với đối tác ngoại kể từ khi đơn vị này chuyển đổi mô hình và không còn là doanh nghiệp Nhà nước.
TDH Ecoland - một công ty trong hệ thống Tập đoàn Ecopark cũng vừa ký Thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Nhà đất LH Hàn Quốc về việc nghiên cứu quy hoạch và phát triển dự án Khu công nghiệp sạch thuộc dự án phát triển Khu công nghiệp và Đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, tỉnh Hưng Yên.
Mới đây nhất, Novaland chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Lotte E&C, thuộc tập đoàn Lotte Hàn Quốc. Theo đó, Lotte E&C trở thành nhà thầu chính của dự án The Grand Manhattan, quận 1.
Trong tháng 11 này, thị trường đang chờ đợi cái bắt tay giữa Lotte E&C và Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - SCR). Thế mạnh lớn của Lotte E&C là tổng thầu xây dựng quốc tế cùng tiềm lực tài chính mạnh, riêng TTC Land có kinh nghiệm 15 năm phát triển bất động sản tại Việt Nam cùng quỹ đất dồi dào. Việc hợp tác giữa hai bên chính là cộng hưởng sức mạnh nhằm triển khai dự án bất động sản có chất lượng cao từ quy hoạch, thiết kế đến thi công xây dựng với mục tiêu mang đến những dự án bất động sản có môi trường sống và chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2020 sẽ tiếp tục chứng kiến làn sóng hợp tác mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp Việt và Nhà đầu tư ngoại ở tất cả các phân khúc: Nhà ở, văn phòng, khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp...
"Cuộc bắt tay giữa doanh nghiệp Việt và nước ngoài đang ngày càng diễn ra mạnh là dấu hiệu cho thấy thị trường sắp bùng nổ một cuộc cạnh tranh khá gay gắt từ những dòng sản phẩm mang phong cách và chất lượng ngoại. Và trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng sẽ là bên hưởng lợi nhất", bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam nhận định.