Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Cần làm rõ trách nhiệm hải quan, thuế địa phương
Không giống việc nhập khẩu xe chính hãng, các quy định về xe dưới dạng quà biếu đang có nhiều lỗ hổng, khiến doanh nghiệp (DN) rất dễ lách luật. Có hay không mối liên hệ giữa một số cục hải quan, cục thuế với những DN “ma”? Nhiều lần nhóm PV Tiền Phong liên hệ làm việc, nhưng chỉ cần đề cập tới là đại diện các cục thuế, Tổng cục Thuế lảng tránh.
- 26-05-2022Bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng: Lách luật tinh vi, thất thu thuế
- 25-05-2022Bộ Công an, Bộ Tài chính vào cuộc vụ ‘bất thường đường dây nhập siêu xe biếu tặng’
Siêu xe biếu tặng được giao dịch thường xuyên, nhưng cơ quan thuế dường như không hay biết
Thông tư 143 (2015/TT-BTC) quy định về thủ tục hải quan và quản lý ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu (NK), tạm NK không nhằm mục đích thương mại được thực hiện từ năm 2015. Việc xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện diễn ra khá chậm trễ, lúng túng. Việc xác định mối quan hệ làm ăn giữa DN Việt Nam và đối tác nước ngoài đã được một số cục hải quan đặt nghi vấn từ lâu về tính thực chất.
Tuy nhiên, đến tận tháng 6/2021, Tổng cục Hải quan (TCHQ) mới yêu cầu tổ chức, cá nhân NK xe biếu tặng phải xuất trình thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ và sự hợp tác giữa 2 bên. Thế nhưng việc hướng dẫn kiểm tra các chứng từ này vẫn chưa được quy định cụ thể, dẫn tới tạo cơ hội cho các đối tượng lách luật, lợi dụng. Sự phối hợp giữa hải quan và cơ quan thuế địa phương khá lúng túng dẫn đến việc thu thuế DN đối với những xe biếu tặng sau khi thông quan khó thực hiện.
Nhóm PV lấy ngẫu nhiên khoảng 30 xe biếu tặng do DN có địa chỉ tại Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định… đứng tên nhập khẩu để xác minh hiện trạng. Hầu hết các xe đều đã sang tên, đổi chủ. Đặc biệt, không có chủ sở hữu nào thuộc 3 địa phương trên mà đa số đều chuyển nhượng cho các cá nhân, DN tại Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM.
Chiếc Lexus Lm300 do Cty TNHH Phụ tùng ô tô Ấn Việt (địa chỉ 317 đường Tân Thành, TP Ninh Bình) đứng tên NK, theo điều tra của PV Tiền Phong, đã chuyển nhượng cho một công ty xăng dầu tại Hải Phòng. Chiếc BMW X7 đối tác nước ngoài biếu tặng cho Cty TNHH Da giày Thời trang Lê Xuân (có địa chỉ tương tự) cũng đã được chuyển nhượng cho 1 cá nhân tại Hà Nội.
Chiếc Lexus LX570 do Cty TNHH Giang Thanh Phúc đứng tên NK về (DN có bảng tên vứt chỏng chơ tại góc quán tạp hóa) cũng đã được chuyển nhượng cho một DN tại Thái Nguyên với giá bán hơn 9 tỷ đồng.
Dù những DN NK siêu xe biếu tặng thu được tiền tỷ từ những giao dịch thường xuyên, số thuế mà cơ quan thuế thu được từ hoạt động này rất ít, thậm chí không thu được. Lý do DN đăng ký kinh doanh một nơi, nhưng sau đó lại bỏ địa chỉ, và chuyển đến tỉnh khác, khiến cơ quan thuế khó xác minh. Như tại Ninh Bình, theo cơ quan thuế tỉnh này, hiện có 14 DN sau khi NK xe về đã bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh nên đến nay vẫn chưa thu được khoản thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với món quà biếu tặng này (theo quy định, DN phải đóng khoảng 20% giá trị khai báo).
Theo điều tra của PV Tiền Phong, những chiếc siêu xe biếu tặng mà các DN “mất tích” này NK về chủ yếu là các dòng xe sang, siêu sang. Chiếc Maybach GLS 600 có giá khai báo khoảng 135.000 USD (tương đương 3,1 tỷ đồng); chiếc Bentley Bentayga giá 173.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng); chiếc Land Rover Ranger giá 114.600 USD (khoảng 2,7 tỷ đồng)…
Cục Thuế Hà Nam cho hay, từ năm 2019 đến tháng 2/2022, trên địa bàn tỉnh nhận được thông báo NK của 190 chiếc xe. Trong đó, số xe đã xuất bán kê khai thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) là 104 chiếc, thu được hơn 9,2 tỷ đồng tiền thuế (trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp-TNDN 121 triệu đồng, thuế VAT 1,1 tỷ đồng, thuế TTĐB 7,4 tỷ đồng, các loại thuế khác khoảng 529 triệu đồng). Còn 86 siêu xe biếu tặng, tình trạng hiện nay ra sao? PV Tiền Phong đã liên hệ nhiều lần nhưng Cục Thuế Hà Nam vẫn chưa trả lời.
Khi được hỏi về những DN bỏ địa chỉ kinh doanh và chưa xác định được, Cục Thuế Hà Nội cho biết, chưa thu được thuế. Còn với những DN khai báo, số thuế đã thu thế nào, Cục Thuế Hà Nội từ chối trả lời.
Sau loạt bài phản ánh, PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với lãnh đạo Tổng cục Thuế nhưng không nhận được hồi âm. Có vị đã nghe máy, hẹn trả lời sau, nhưng không bắt máy khi PV gọi lại.
Hai DN đứng tên nhập khẩu siêu xe biếu tặng về lập tức tháo biển vứt, trong khi xe đã được chuyển nhượng với giá hơn 9 tỷ đồng |
Những doanh nghiệp “thoắt ẩn thoắt hiện” |
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phạm Thị Phương, Trưởng phòng Cấp phép kinh doanh, Sở KH&ĐT tỉnh Nam Định, thừa nhận có nhiều bất thường về hoạt động của các DN NK xe trên địa bàn tỉnh này. Nam Định hiện có trên 100 DN có đăng ký chức năng kinh doanh ô tô. Do điều kiện về phát triển kinh tế, DN tại tỉnh chỉ có vài chục, trong đó số thực làm kinh doanh ô tô rất ít. Có tới 76 DN có chức năng kinh doanh ô tô ở các tỉnh thành khác chuyển về Nam Định hoạt động.
“Sự bất thường thể hiện ở việc các DN này đều từ thành phố lớn, nhiều nhất là Hà Nội xin chuyển về Nam Định nhưng không có cửa hàng kinh doanh hay showroom ở trung tâm mà chủ yếu đều lấy địa chỉ ở các thôn xóm vùng nông thôn. Đặc biệt, khi kiểm tra sơ bộ, chúng tôi nhận thấy sau khi đăng ký cấp phép kinh doanh hoạt động tại Nam Định, các DN này hoạt động rất thất thường, thoắt ẩn thoắt hiện rất rất khó quản lý”, bà Phương nói.
Theo bà Phương, về người đứng tên chủ DN có chức năng NK ô tô, có người rất cao tuổi, hoặc hồ sơ ít liên quan đến việc kinh doanh. Hầu hết họ không xuất hiện mà giao cho luật sư làm việc.
Trong quá trình thâm nhập đường dây trục lợi NK xe biếu tặng, PV tìm hiểu vì sao các DN buôn ô tô sang, siêu sang không NK theo loại hình kinh doanh (thật sự nhập về để mua bán tại thị trường trong nước). Từ khi Nghị định 116 của Chính phủ quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, NK và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực, DN muốn nhập ô tô phải có giấy phép kinh doanh NK xe do Bộ Công Thương cấp.
Để được cấp phép này, DN phải đầu tư rất tốn kém như: có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc sở hữu của DN, hoặc ủy quyền, do DN ký hợp đồng thuê; có văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh DN được quyền thay mặt DN sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập tại Việt Nam. Các đối tượng kinh doanh xe sang đã lách Nghị định 116 này bằng cách NK xe theo đường biếu tặng quy định tại Thông tư 143 của Bộ Tài chính.
Theo điều tra của PV Tiền Phong, chỉ riêng 3 DN (showroom) gồm Cty TNHH Nhập khẩu HC 99 (HC Auto), Cty Cổ phần Ô tô Sơn Tùng, Cty Cổ phần Ô tô Sơn Tín, mỗi năm có hàng trăm siêu xe theo diện quà biếu tặng được rao bán tại đây. Năm 2021, tại Sơn Tín Luxury Cars, theo xác minh sơ bộ của PV Tiền Phong, gần 50 ô tô biếu tặng sau khi được thông quan đã cập bến về đây rao bán. Còn tại HC Auto và Sơn Tùng Auto, mỗi showroom có khoảng 40 xe biếu tặng. Sơn Tùng Auto là đầu mối chuyên tập trung bán các siêu xe biếu tặng do Cục Hải quan TP Đà Nẵng cấp phép.
Công an các tỉnh vào cuộc xác minh DN “ma”
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Công an tỉnh Nam Ðịnh cho biết, ngay khi báo khởi đăng bài đầu tiên, ban giám đốc đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ kiểm tra, thu thập hồ sơ về nội dung này. Các đơn vị đã vào cuộc điều tra, khi có kết quả sẽ thông tin với báo.
Ðại tá Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, điều tra theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Tiền Phong