Bầu chủ tịch Hạ viện Mỹ: Bế tắc đến khi nào?
Dù nhận được thêm sự ủng hộ của hầu hết thành viên đảng Cộng hoà theo đường lối cứng rắn nhưng ông Kevin McCarthy vẫn chưa thể trở thành chủ tịch Hạ viện Mỹ trong cuộc bỏ phiếu thứ 13 sau 4 ngày.
- 28-12-2022Hạ viện Mỹ cấm TikTok
- 20-12-2022Ủy ban Hạ viện Mỹ đề nghị điều tra hình sự cựu Tổng thống Donald Trump
- 17-11-2022Viễn cảnh Quốc hội Mỹ sau khi đảng Cộng hòa nắm Hạ viện
Nghị sĩ McCarthy hôm 6-1 tự tin chiến thắng đã cận kề và Hạ viện sẽ tiếp tục bỏ phiếu vào khoảng 10 giờ (giờ Việt Nam) trong ngày 7-1. Theo Reuters, ông McCarthy tuyên bố rằng bế tắc kéo dài 4 ngày trong đảng Cộng hoà sẽ kết thúc sau cuộc bỏ phiếu đó.
Những người ủng hộ ông McCarthy và một số thành viên đảng Dân chủ tỏ ra lo lắng những nhượng bộ mà ông đưa ra với hy vọng giành được ghế chủ tịch Hạ viện Mỹ, gồm cả việc đồng ý cho phép bất kỳ thành viên nào kêu gọi bỏ phiếu phế truất ông, động thái có thể kéo dài tình trạng rối loạn chức năng quốc hội nặng nề nhất trong hơn 150 năm qua.
Ông Kevin McCarthy phản ứng trong cuộc bỏ phiếu lần thứ 12 hôm 6-1. Ảnh: Reuters
Trong cuộc bỏ phiếu hôm 6-1, ông McCarthy đã giành được sự ủng hộ từ 15 thành viên đảng Cộng hoà theo đường lối cứng rắn nhưng chỉ đạt được tổng cộng 214 phiếu bầu, chưa đủ để tuyên bố chiến thắng. Trong 3 ngày bỏ phiếu trước đó, ông McCarthy liên tiếp thất bại do vấp phải sự phản đối của khoảng 20 thành viên theo đường lối cứng rắn.
Những thành viên cứng rắn còn lại sẽ đối mặt với áp lực ngày càng tăng buộc phải ủng hộ cho ông McCarthy và cho phép đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện sau khi xuất hiện một số cảnh báo cho rằng tình trạng bế tắc kéo dài đặt ra nghi vấn về khả năng điều hành của đảng này.
Hạ viện vẫn chưa có lãnh đạo và không thể bắt đầu hoạt động hôm 6-1. Theo các nguồn tin tham gia cuộc đàm phán, việc ông McCarthy đề xuất những nhượng bộ sẽ làm giảm quyền lực của ông và giúp tăng sự ảnh hưởng của những người chống đối ông.
Bất chấp những cuộc đàm phán kéo dài và sự nhượng bộ đáng kể của ông McCarthy, tương lai của chính trường Mỹ vẫn rất bấp bênh. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1923 một ứng viên cho vị trí chủ tịch Hạ viện không thể giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên, điều đó đồng thời cho thấy rạn nứt trong nội bộ đảng Cộng hoà và cuộc khủng hoảng tiềm tàng.
Bế tắc tại Hạ viện càng kéo dài, tương lai của ông McCarthy càng trở nên tồi tệ hơn bởi kịch bản đó có thể làm suy giảm sự ủng hộ và gây mất niềm tin vào nhà lãnh đạo đảng Cộng hoà này.
Người Lao động