MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu cử Mỹ 2016 và đoạn kết buồn cho nhà Clinton

15-11-2016 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Có lẽ Bill Clinton không hoàn toàn ngạc nhiên về kết quả bầu cử. Ông nhìn thấy sự giận dữ và cảm thấy những mối kết nối bị đứt đoạn, nhưng ông không biết làm cách nào để có thể nối chúng lại. Ông hiểu rõ những người đã bỏ phiếu cho Trump và cả những người không chọn vợ ông mà chọn Bernie Sanders.

Hiếm có ai hiểu về những cử tri đã không bỏ phiếu cho Hillary Clinton hơn cựu Tổng thống và cũng là chồng bà, Bill Clinton. Ông đã lớn lên cùng với họ và sau này cũng chính những nghiên cứu kỹ càng pha chút cuồng tín của Bill Clinton về nhóm người này đã chắp cánh cho sự nghiệp chính trị của ông.

Vậy thì tại sao ở thời điểm hiện tại, chính những người lao động Mỹ da trắng bình dân lại bỏ phiếu chống lại nhà Clinton? Cây bút David Maraniss của Washington Post mới đây đã đưa ra những câu trả lời xuất sắc cho câu hỏi này.

Sau mấy thập kỷ, nhà Clinton đã dịch chuyển từ tầng lớp da trắng bình dân sang “vương quốc của giới tinh hoa”, từ những chiếc bánh kẹp McDonald’s lên chế độ ăn chay. Điều này khiến bà Hillary không thể có đủ khả năng hàn gắn vết nứt ngày càng toác ra trong lòng xã hội Mỹ. Cuối cùng thì Hillary Clinton đã thua cuộc trước đối thủ bất ngờ nhất: một ông trùm bất động sản giàu có đến từ khu thượng lưu Manhattan và dường như chẳng có điểm chung nào với các cử tri, trừ khả năng diễn tả chính xác sự bất mãn của họ.

Vấp ngã đầu đời

Bill Clinton lớn lên ở một vùng nông thôn nằm phía Tây Nam bang Arkansas. Cha ông là một người chào hàng lưu động qua đời trong một tai nạn xe hơi từ trước khi Bill được sinh ra. Ông được nuôi dưỡng bởi mẹ và cha kế - người nghiện rượu, cờ bạc và thường xuyên ngược đãi mẹ con ông.

Bill Clinton thường được mẹ gọi là Bubba - từ dùng để chỉ đứa con trai lớn gánh vác công việc trong gia đình. Bà thần tượng ca sĩ Elvis Presley và coi Bill là “Elvis” của mình. Hàng xóm của họ hầu hết là người da trắng không có nhiều tiền và cảm thấy bị rớt lại phía sau làn sóng thay đổi chóng mặt cả về kinh tế và xã hội của nước Mỹ.

Năm 1978, Bill Clinton đắc cử Thống đốc tiểu bang Arkansas, trở thành thống đốc tiểu bang trẻ tuổi nhất vào lúc ấy, và là người trẻ tuổi nhất từng được bầu vào chức vụ thống đốc kể từ năm 1938. Tuy nhiên nhiệm kỳ đầu của ông sa lầy trong nhiều khó khăn và không được công chúng ủng hộ. Ngoài chuyện chính sách của Bill không được lòng người dân, bà Hillary còn khiến công chúng Arkansas (vốn là một bang mang nặng tính bảo thủ) phẫn nộ khi không chịu đổi họ theo chồng.

Nhiệm kỳ của ông chỉ kéo dài được 2 năm. Người dân Arkansas nghĩ rằng vợ chồng Bill Clinton quá quan cách và phớt lờ những nhu cầu thiết thực của dân chúng. Kế hoạch đánh thuế xe hơi dựa trên trọng lượng thay vì giá xe khiến những chiếc xe tải cũ kỹ của người nông dân phải chịu mức thuế cao hơn so với những chiếc xe Porsche của giới nhà giàu và do đó khiến uy tín của ông sụt giảm mạnh.

Trong cuộc bầu cử chọn ra Thống đốc bang năm 1980, Frank White được cho là một đối thủ “nhẹ ký” so với Bill và sẽ đưa bang này quay trở lại thế kỷ 19. Tuy nhiên, White đã tìm ra được cách dập tắt quan niệm này bằng lời hứa sẽ mang thời kỳ hoàng kim quay trở lại. Thông điệp tranh cử của ông kết nối được với nỗi thất vọng trong lòng nhiều cử tri da trắng, tương tự như cam kết giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại của Donald Trump.

Huyền thoại nhà Clinton được gây dựng như thế nào?

Bill và Hillary đã rút ra được những bài học quý báu từ thất bại khi còn trẻ để sau này thành công vang dội khi quay trở lại Arkansas và lấy nơi này làm bàn đạp vươn tới Nhà Trắng. Trong kỳ tuyển cử kế tiếp vào năm 1982, ông đắc cử và đảm nhiệm chức vụ thống đốc trong 4 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến năm 1992, khi ông trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Hai vợ chồng trở thành cặp đôi đặc biệt trên chính trường Mỹ. Bao thăng trầm, bê bối đã xảy ra nhưng họ vẫn vững vàng, cho đến cuộc bầu cử vừa qua. Dưới thời Bill Clinton, kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt trội. Ông tìm ra cách đối thoại trực tiếp với các cử tri đoàn, tạo được một chiến dịch tranh cử lâu bền.

4 nhiệm kỳ làm Thống đốc bang Arkansas, Bill luôn tìm được con đường phù hợp dù nước Mỹ đi theo hướng bảo thủ hơn dưới thời cựu Tổng thống Reagan. Đây cũng chính là bí quyết để ông chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1992, khi ông dựa vào nghiên cứu về những người ủng hộ đảng Dân chủ ở hạt Macomb (bang Michigan) của chuyên gia thăm dò Stan Greenberg. Hạt Macomb là vùng ngoại ô tập trung nhiều người da trắng chỉ làm những công việc chân tay và cảm thấy bị lạc lõng giữa những làn sóng văn hóa mới nổi ở Mỹ cũng như chật vật mưu sinh vì số việc làm trong ngành sản xuất giảm mạnh. Bill biết rằng có nhiều vùng tương tự như vậy trên khắp nước Mỹ, và ông đã vận dụng khéo léo những gì đã trải qua thời thơ ấu để lấy lòng công chúng.

Khi đã vào Nhà Trắng, Bill vẫn sử dụng lợi thế này để gìn giữ mối kết nối với tầng lớp lao động da trắng, bên cạnh nhiều cách khác như ủng hộ cải cách hệ thống an sinh xã hội.

2 thập kỷ sau, khi Hillary cố gắng khôi phục “huyền thoại nhà Clinton”, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, cả ở nước Mỹ và ở ứng viên Tổng thống. Trước khi trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân chủ, bà có nhiều kinh nghiệm hơn bất kỳ đối thủ nào. Nhưng chính kinh nghiệm chính trường dày dặn lại làm hại bà, khiến bà trở nên cứng nhắc trong con mắt đánh giá của những người dân Mỹ đang mong muốn một sự đổi thay.

Tấm kính vạn hoa nhiều màu sắc

Hillary Clinton là một nhân vật đặc biệt được nhắc đến bằng tên chứ không phải bằng họ. Thông thường trong văn hóa Mỹ, cách gọi này nhằm thể hiện bản sắc rất riêng của một cá nhân. Còn trong trường hợp của bà, dù đã rất cố gắng cái tên Hillary khiến người ta liên tưởng đến một “tấm kính vạn hoa” nhiều màu sắc.

Có một sự cộng hưởng phức tạp giữa vị thế là người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng viên Tổng thống đại diện cho một trong hai đảng lớn và vai trò của Hillary trong gia đình mà người Mỹ coi là một “vương triều chính trị”.

Hầu hết các đời Tổng thống Mỹ gần đây, từ Richard M. Nixon đến Barack Obama và Bill Clinton, đều có xuất thân rất đỗi bình thường và mang lại câu chuyện truyền cảm hứng. Họ không có khối tài sản kếch xù hay huyền thoại danh giá hậu thuẫn sau lưng.

Hillary cũng có khởi đầu như vậy khi sinh ra trong một gia đình trung lưu ở ngoại ô Chicago và mẹ của bà đã phải tự lập từ năm 14 tuổi. Tuy nhiên, sự nghiệp của bà lại luôn gắn liền với Bill Clinton, giống như George W. Bush tiếp bước cha mình vậy. Một trong những điều đặc biệt mà Trump làm được là đánh bại Jeb Bush và sau này là Hillary Clinton, đánh bại không chỉ một mà là hai vương triều.

Nhiều rắc rối của Hillary xuất phát từ chính người chồng của bà, từ những ảnh hưởng nhất định của một cựu Tổng thống.

Xét trên phương diện một ứng viên Tổng thống, Bill là một người đầy sức hút và đối đáp tùy hứng, trong khi Hillary là người cẩn trọng và luôn đi theo khuôn mẫu.

Nhớ về nỗ lực chung đầu tiên của hai người khi cùng tham gia một phiên xử án mô phỏng ở ĐH Yale, Bill xuất hiện với hình ảnh một người mềm mỏng, dễ gần và nhiều cảm xúc. Ông khiến bồi thẩm đoàn có cảm giác dễ chịu và chỉ phản ứng rất nhẹ khi kết luận khi đi đúng hướng mà ông muốn. Ngược lại, Hillary tỏ ra bình tĩnh và thận trọng nhưng mỗi lời nói ra đều rất đanh thép. Một bạn học của hai người đưa ra một phép so sánh khá thú vị: trong khi Bill sẽ “xoa bóp ngón chân cho họ”, Hillary thậm chí ít quan tâm đến việc đã dẫm lên chân họ.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống không phải là phòng xử án, và sự đối lập quá lớn giữa hai người đã không giúp ích cho Hillary.

Dù đôi lúc bê bối tình ái của Bill khiến Hillary trở thành một nhân vật được xã hội cảm thông, bà phải chịu nhiều tác động tiêu cực trong dài hạn. Dường như Hillary đã tự tạo cho mình một lớp vỏ bọc để tự phòng vệ cho mình sau nhiều năm cố gắng bảo vệ Bill và những mục tiêu chung của hai người. Mục tiêu của bà – một người từng hành nghề luật sư – là cố gắng hết khả năng có thể, theo nhiều cách khác nhau để đảm bảo chắc chắn nhà Clinton sẽ đứng vững trước những đợt tấn công dữ dội từ phe đối lập cánh hữu.

Gần như mọi vấn đề gây tranh cãi xung quanh Hillary Clinton trong những năm vừa qua đều trở nên sáng tỏ nếu bạn nhìn chúng dưới lăng kính này. Năm 1993, Hillary khuyên Bill “lập hàng rào ngăn chặn báo chí” khi vụ bê bối liên quan đến công ty bất động sản Whitewater bùng lên. Năm 1998, bà xuất hiện trên truyền hình để tuyên bố rằng chuyện tình ái giữa chồng mình và cô nữ thực tập sinh Lewinsky chỉ là “một âm mưu được phe cánh hữu dựng lên” nhằm chống lại chồng bà.

Phải gồng gánh trên lưng quá nhiều câu chuyện khi quay trở lại đường đua, Hillary đã đuối sức và thất bại.

Bao giờ Mỹ có nữ Tổng thống đầu tiên?

Liệu có phải thành kiến về nữ giới đã khiến Hillary Clinton thua cuộc hay không sẽ là câu hỏi gây ra nhiều cuộc tranh cãi bất tận, chí ít là cho đến khi cuối cùng cũng có một người phụ nữ trở thành Tổng thống.

Quay trở lại năm 1969, khi Hillary có bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp ở trường Wellesley, một người phụ nữ mà sau này trở thành một người bạn và đồng minh thân thiết của bà – Paula Stern – đã có bài viết đăng trên tờ Atlantic nói về phong trào đấu tranh của nữ giới. Stern chia sẻ bà đã cảm thấy ngạc nhiên thế nào khi nhà tuyển dụng hỏi bà đã có người yêu chưa; phân tích những tác phẩm của Aristotle và Shakespeare hay Samuel Johnson, Rousseau và Freud đã phủ nhận những giá trị của người phụ nữ theo nhiều cách khác nhau như thế nào. Bà còn viết về việc thật thiếu công bằng khi một người phụ nữ quá năng nổ lại bị coi là không quý phái.

Tất cả những cảm xúc này lại quay trở về với Stern trong tuần trước, khi bà dõi theo Hillary trong những ngày cuối cùng và hi vọng kỳ tích sẽ xảy ra. Nhưng khoảnh khắc lịch sử mà Stern mong đợi đã trở thành nỗi thất vọng cay đắng. Bill Clinton có những rắc rối của riêng mình, nhưng chẳng bao giờ gặp phải vấn đề này. Trump – người đã công khai buông lời thóa mạ phụ nữ - lại chiến thắng.

Nhưng có lẽ Bill không hoàn toàn ngạc nhiên về kết quả bầu cử. Trên suốt chặng đường đua, ông đã nhìn thấy những dấu hiệu. Ông hiểu rõ những người đã bỏ phiếu cho Trump và cả những người không chọn vợ ông mà chọn Bernie Sanders. Bill nhìn thấy sự giận dữ và cảm thấy những mối kết nối bị đứt đoạn, nhưng ông không biết làm cách nào để có thể nối chúng lại mà không cần dựa vào chính sách mị dân hay chủ nghĩa dân túy. Đây là những thứ Hillary không giỏi.

Nhà Clinton chẳng thể có cơ hội thứ hai. Cuối cùng thì Donald Trump mới là chủ nhân của Nhà Trắng.

Thu Hương

Washington Post

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên