MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu cử tổng thống biến thành một sự kiện đầy bất ổn, nhà đầu tư trên Phố Wall bắt đầu sợ hãi, không biết 'bấu víu' vào đâu để mua/bán cổ phiếu

02-10-2020 - 08:40 AM | Tài chính quốc tế

Trong vài tháng gần đây, nhà đầu tư đã thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục, bất chấp ảnh hưởng trước đại dịch tồi tệ nhất trong cả thế kỷ và những thiệt hại to lớn mà nền kinh tế nước này phải gánh chịu. Tuy nhiên, vấn đề về chính trị đang dần hiện rõ và khiến thị trường lo ngại.

Vài tuần trở lại đây, diễn biến thị trường đã cho thấy sự bất ổn đang đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, họ đang chuẩn bị cho những gì được cho là "sự hỗn loạn về chính trị", bao gồm một "cuộc chiến" ở Thượng viện nhằm bỏ nhiệm Tòa án Tối cao mới và cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11. Những yếu tố này có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng hiến pháp nếu Tổng thống Trump từ chối chấp nhận quyền phán quyết của cử tri.

Hơn nữa, cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden cũng không hề xoa dịu tâm lý nhà đầu tư. Paul Donovan – kinh tế gia trưởng của UBS Global Wealth Management – nhận định rằng nếu có bất cứ điều gì xảy ra, thì cuộc tranh luận ngày hôm qua có thể "làm tăng dự đoán về kết quả bầu cử gây tranh cãi", sau khi ông Trump thách thức về một kết quả đầy bất lợi.

Thị trường lo ngại, không có "điểm tựa" 

Phố Wall đã ghi nhận đà giảm kể từ khi đạt mức cao mới vào tháng 9, khi S&P 500 đã giảm khoảng 4% trong tháng vừa rồi – mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 3. Tuần trước, có lúc chỉ số này thậm chí còn dao động quanh vùng điều chỉnh. Stephen Gallagher – chiến lược gia trưởng về Mỹ tại ngân hàng đầu tư toàn cầu Société Générale New York, nhận định rằng: "Rõ ràng rằng, vấn đề về chính trị đang đóng vai trò quan trọng."

Một số chuyên gia quan sát cho rằng sự sụt giảm gần đây là do giá cổ phiếu – đặc biệt là của 1 số công ty công nghệ lớn, đã trở nên quá đắt sau khi tăng khoảng 60%, kể từ cuối tháng 3, khi Fed tung ra những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thị trường sụt giảm một phần là do các nhà đầu tư tổ chức bán cổ phiếu để giảm bớt rủi ro và huy động tiền mặt. Trong khi đó, những động thái này lại diễn ra đồng thời với khi thị trường đối mặt với bất ổn.

Bầu cử tổng thống biến thành một sự kiện đầy bất ổn, nhà đầu tư trên Phố Wall bắt đầu sợ hãi, không biết bấu víu vào đâu để mua/bán cổ phiếu - Ảnh 1.

Bước vào quý cuối cùng của năm, nhà đầu tư cũng đang cân nhắc khả năng sẽ không còn gói kích thích nào được tung ra thêm, vì cuộc bầu cử đến gần đang khiến khả năng cung cấp gói hỗ trợ mới của Washington gặp khó khăn. Gallagher cho hay: "Việc không có gói kích thích tài chính mới đã khiến nhà đầu tư lo lắng, bởi họ đã tin tưởng và hy vọng từ lâu." Đảng Dân chủ Hạ viện đã công bố dự luật mới trị giá 2,2 nghìn tỷ USD trong tuần này, nhưng 2 bên vẫn chưa thực sự đạt được sự đồng thuận.

Byron Wien – chuyên gia kỳ cựu quan sát thị trường và là phó chủ tịch bộ phận tài sản tư nhân tại Blackstone, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng thị trường sẽ sẵn sàng tăng tốc trở lại cho đến khi kết quả của cuộc bầu cử được xác định và vắc-xin được đi vào sử dụng. Sau đó, bạn sẽ chứng kiến đà tăng mạnh mẽ khác."

Hiện tại, nhà đầu tư cực kỳ mong đợi kết quả rõ ràng từ những sự kiện chính trị. Họ muốn biết về việc chính quyền đảng Cộng hòa sẽ thực hiện các chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định hoặc có thể là một chính phủ bị chia cắt sẽ chứng kiến sự bế tắc như thế nào. Nhưng ở khoảng thời gian này, khi căng thẳng đã đi lên quá cao và những kết quả có thể là cực kỳ bi quan, nhiều nhà đầu tư không biết dựa theo cơ sở nào để mua/bán cổ phiếu. Trong bối cảnh như vậy, nhà đầu tư cho rằng một kết quả có lợi cho thị trường nhất sẽ chỉ là kết quả bầu cử rõ ràng.

Doug Rivelli – chủ tịch công ty môi giới tổ chức Abel Noser, cho biết: "Lơi nhận xét tôi nghe nhiều nhất đó là ‘tôi muốn một cuộc bầu cử, tôi muốn kết quả của nó rõ ràng đến mức không thể gây ra sự tranh cãi."

Kết quả rõ ràng về cuộc tranh cử là điều thị trường quan tâm nhất 

Trong một ghi chú nghiên cứu, các nhà phân tích thị trường của JPMorgan chỉ ra một động lực tương tự. Họ cho biết cách thị trường phản ứng với cuộc bầu cử ít phụ thuộc hơn vào ứng viên nào chiến thắng, mà là kết quả sẽ được đưa ra như thế nào. Nhóm chuyên gia viết: "Một cuộc bầu cử sát nút, gay gắt, có thách thức pháp lý và mất chức năng lập pháp sẽ là kết quả tồi tệ nhất đối với thị trường trong bối cảnh đại dịch diễn ra."

Điều này dường như lại là những gì nhà đầu tư đang dự đoán, dựa theo mức giá quyền chọn trên "thước đo" nỗi sợ hãi VIX. Trong những tuần gần đây, mức giá này đã di chuyển theo xu hướng khiến nhà đầu tư lo ngại về kết quả đầy bất ổn của cuộc bỏ phiếu.

Steve Sosnick – chiến lược gia trưởng tại Interactive Brokers, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy mức giá của thị trường có nguy rủi ro tiềm ẩn lớn hơn sau cuộc bầu cử so với ngày bầu cử. Tôi không còn nhớ về khoảng thời gian người dân Mỹ lo ngại về cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình và liệu các bên có nghi ngờ gì khi chấp nhận kết quả bầu cử không."

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư thậm chí còn cho rằng kết quả bầu cử sẽ bị trì hoãn hoặc gây mâu thuẫn. Do đại dịch, việc bỏ phiếu truyền thống sẽ bị gián đoạn khi nhiều người sẽ bỏ phiếu qua thư, thay vì trực tiếp như trước đây. Điều này có nghĩa là người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ không được tuyên bố vào đúng đêm bầu cử.

Ngoài ra, những tuyên bố mới của ông Trump về kết quả bầu cử cũng đang đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư. Trong nhiều tháng qua, tổng thống đã có những bình luận gây nghi ngờ về tính hợp lệ của các lá phiếu được gửi qua thư, ông cũng cho biết trong thời gian gần đây rằng ông sẽ không chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Kết quả của cuộc bầu cử bị kéo dài sẽ là điều gần như chắc chắn và khiến nhà đầu tư cảnh giác về việc rót tiền vào thị trường, khi họ đang chờ đợi sự rõ ràng. Erik Knutzen – CIO bộ phận đa tài sản tại Neuberger Bergan, đang theo dõi kỳ vọng của thị trường về sự biến động sẽ tăng lên sau cuộc bỏ phiếu. Ông nói: "Đó cũng là những gì thị trường đang lên tiếng. Vì thế, chúng tôi đang tiết chế rủi ro trong danh mục đầu tư của mình." 

Knutzen là chuyên gia đã tham gia vào thị trường tài chính trong nhiều thập kỷ. Ông nhớ lại giai đoạn sau cuộc bầu cử năm 2000, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến phiếu bầu cử tại Florida – cuối cùng được giải quyết thông qua phán quyết của Tòa án Tối cao. Khi đó, TTCK đã giảm hơn 8% ở những tuần sau cuộc bỏ phiếu vì cuộc đua vẫn chưa có kết quả. Ông cho rằng mâu thuẫn và biến động tương tự có thể diễn ra vào năm nay 2020.

Nền kinh tế vẫn đối mặt với bất ổn 

Ngoài biến động đối với thị trường, việc sự kiện bầu cử có kết quả không chắc chắn cũng có những tác động đến một nền kinh tế vốn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nền kinh tế Mỹ đã hồi phục sau cuộc suy thoái tồi tệ nhất, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, đạt 8,4% vào tháng 8. Hơn nữa, số liệu về thị trường lao động vẫn cho thấy hàng trăm nghìn người vẫn nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần.

Gần đây, Phố Wall gần như chắc chắn rằng Quốc hội và Nhà Trắng sẽ thông qua 1 gói kích thích khác trước cuộc bầu cử. Tuy nhiên, sự ra đi của Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg đã khơi mào cho những tranh cãi về việc ai sẽ là người thay thế bà. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của những nỗ lực vốn đã bị đình trệ.

Các nhà phân tích còn cho rằng bất kỳ phản ứng nào của chính phủ liên bang đối với tình trạng số ca nhiễm nCoV gia tăng vào thời điểm này sẽ khó đạt kết quả, nếu cuộc chiến về kết quả bầu cử bị kéo dài. Điều này sẽ khiến nhà đầu tư phải đối mặt với khả năng không có chính phủ điều hành trong hàng tháng trời. Do đó, khi cuộc bầu cử đến gần, nhà đầu tư có xu hướng giảm mức độ tiếp xúc với TTCK và đổ nhiều tiền hơn vào những tài sản mà họ cho là an toàn hơn, như trái phiếu kho bạc hoặc vàng.

Tham khảo New York Times

Lục Lam

Tổ Quốc

Trở lên trên