MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu Đức chật vật xoay vần đến bao giờ?

27-06-2018 - 07:13 AM | Doanh nghiệp

Tương lai HAGL vẫn đang chia làm hai luồng quan điểm: (1) ủng hộ quyết định đi vào mảng nông nghiệp của bầu Đức, (2) lợi nhuận làm ra chỉ bằng nửa tiền trả lãi vay, đến bao giờ HAGL mới "ngóc đầu" lên nổi?

Cuộc xoay vần chiến lược của bầu Đức - Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) - thường khiến cổ đông vội vã chạy theo. Từ việc ông bỏ bất động sản (BĐS) trồng cao su, bỏ cao su đi nuôi bò, và năm nay dừng nuôi bò chuyển sang đầu tư vườn cây ăn trái… mỗi lần thay đổi đều kèm những tuyên bố rất mạnh mẽ khiến cổ đông không thể không tin tưởng, cũng bởi những gì một chàng thanh niên trượt đại học 4 lần này từng làm được. Tuy nhiên, các kế hoạch này thực tế thường không thuận lợi.

Đơn cử tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây, ông Đức hùng hồn cho biết sẽ dồn toàn lực phát triển cây ăn trái, còn dự án nuôi bò hay cọ dầu đều tạm dừng bởi không có tiền để làm! Trong khi 3 năm trước, bầu Đức tuyên bố đầu tư nuôi bò với kỳ vọng vào nguồn thu khổng lồ. Song, đến hôm nay bò với bầu Đức chỉ nuôi để lấy phân vì biên lợi nhuận từ mảng này giảm tốc rất nhanh, nên HAGL không còn lấy là trọng điểm kinh doanh; còn bao nhiêu tiền có được sẽ dùng đầu tư cho trồng cây.

Nợ gấp 2,5 lần vốn, một năm trả đến 1.300 tỷ đồng lãi vay – chiếm 25% doanh thu!

Nói về HAGL, làm BĐS, cao su, bò hay chuối thì đều phải đối mặt với khó khăn lớn nhất từ trước đến nay là dòng vốn, nợ hàng chục ngàn tỷ, cây ăn trái vẫn chưa cho thấy doanh thu nhiều, toàn bộ tài sản gần như đem thế chấp cho các khoản vay… Cố gắng giải quyết, có thể nói là cầm cự nhiều năm qua khiến phần đông cổ đông kỳ cựu mất dần niềm tin, minh chứng là sự vắng mặt trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2018.

Mặt khác, những câu hỏi trọng tâm như "tổng nợ thực của HAGL là bao nhiêu, Công ty đang chi trả nợ như thế nào cho một năm"… được đưa ra chất vấn ban lãnh đạo. Trả lời điều này, Chủ tịch Tập đoàn cho biết lãi vay bình quân hàng năm 1.300 tỷ và đang giảm dần theo đà giảm nợ gốc. Chưa kể, tài sản HAGL hiện đến 53.000 tỷ, "cùng lắm bán là trả hết nợ", bầu Đức nói.

Nói là vậy nhưng nếu so sánh số tiền trả lãi với doanh thu hằng năm, chẳng hạn năm 2018 HAGL thu về 6.000 tỷ doanh thu thì 25% số đó đã chi cho trả nợ, chưa kể nhiều chi phí khác cho giai đoạn triển khai ban đầu, lợi nhuận ít ỏi thu phải tích góp bao lâu mới đủ đáp ứng nhu cầu toàn công ty? Thậm chí, nợ vay lên đến hàng chục ngàn tỷ, tức HAGL phải mất ít nhất vài năm để trả hết nợ, cắt giảm được chi phí lãi vay đang đè nặng!

Còn việc giá trị tài sản, đồng ý bán sẽ trả được nợ nhưng thanh khoản có cho phép, và bán được bao nhiêu vẫn chưa thể trả lời được.

Tính đến thời điểm 31/3/2018, tổng nợ Tập đoàn ghi nhận 34.812 tỷ, trong đó nợ vay (ngắn và dài hạn) chiếm hơn 22.000 tỷ - gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Kiểm toán cũng lưu ý khả năng hoạt động liên tục Tập đoàn khi cuối năm 2017, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.

Hiện, Tập đoàn vẫn theo đuổi phương án tái cơ cấu nợ bằng trái phiếu, đồng thời riển khai đồng bộ việc bán tài sản, thu hồi các khoản phải thu, đàm phán chuyển nhượng một phần vốn tại dự án HAGL Myanmar nhằm giảm số dư nợ vay. Tuy nhiên đến đại hội 2018 HAGL vẫn chưa cung cấp thêm được bất kỳ thông tin gì về tính khả thi kế hoạch phát hành trái phiếu năm nay, những đối tác tham gia mua lại dự án Myanmar…

Bầu Đức chật vật xoay vần đến bao giờ? - Ảnh 1.

Năm qua tổng nợ Tập đoàn ghi nhận giảm hơn 900 tỷ, đặc biệt khoản mục vay ngắn hạn từ mức 5.717 tỷ được cắt giảm một nửa chỉ còn 2.529 tỷ đồng.

Cây ăn trái sẽ làm trụ cột được bao lâu?

Quay trở lại với "core business" của HAGL, bây giờ đến chiến lược tại cây ăn trái, tiềm năng có song rủi ro cũng hiện hữu. Từng đầu tư chanh dây, ớt nhưng đến nay bầu Đức cho biết đó không là cây trọng tâm bởi biên lợi nhuận không quá cao. Tập đoàn theo đó sẽ tập trung nguồn lực vào chuối, cùng 3 loại cây dài hạn khác là thanh long, mít và bưởi da xanh.

Có thể thấy rằng, vẫn là mảng trái cây, song có vẻ Tập đoàn cũng dịch chuyển trọng tâm. Chiến lược kinh doanh với bầu Đức là tầm nhìn lâu dài, song chỉ trong vòng 10 năm HAGL liên tục đổi trụ, bởi những lý do khách quan và chủ quan. Như vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu rằng chuối, thanh long, mít và bưởi có kịp mang về nguồn thu cho Tập đoàn trước khi lại bị chuyển dịch?

Chưa kể, tính đến hôm nay nguồn thu từ những loại quả này đều chưa đủ nhiều để khiến cổ đông yên lòng. Phân trần về điều này, bầu Đức cho biết làm cây ăn trái phải mất 2-3 năm mới thấy được dòng tiền, như vậy ông nhắn nhủ cổ đông chờ đợi, dự kiến năm 2019 doanh thu HAGL sẽ đột biến khi toàn bộ vườn cây đi vào thu hoạch, năm 2020 toàn bộ diện tích canh tác cũng sẽ được khai thác.

Một yếu tố khác, với những căn cứ như nhu cầu thị trường lớn, trong đó dư địa Trung Quốc về chuối đạt đến 15.000 tấn nhưng HAG hiện chỉ đáp ứng đâu đó 250 tấn; biên lợi nhuận cao từ 35-77%... sự lạc quan của bầu Đức vẫn chưa thực sự thuyết phục thị trường. Bởi, làm nông phải đối mặt với rất nhiều rủi ro về thời tiết, mùa vụ, sâu bệnh… đặc biệt là rủi ro từ đối tác Trung Quốc – khi thị trường còn đó rất nhiều nỗi đau của nông dân trong quá trình giao thương với thương lái Trung Quốc.

Kết quả là, trên thị trường, cổ phiếu HAG vẫn mãi loanh quanh mốc 4.000 đồng/cp. Nói về tình trạng này, bầu Đức cho biết rất xót khi cổ đông Tập đoàn thậm chí bán nhà vì tin tưởng HAGL, tuy nhiên ông vẫn không thể hiểu tại sao cổ phiếu chưa hồi phục trong khi kinh doanh đang khởi sắc trở lại! Song, tiết lộ đang tìm những nhà đầu tư lớn rót vốn, bầu Đức tự tin cổ phiếu HAG đến cuối năm sẽ tăng. Đồng thời, HAGL cũng đang sốt sắng thực hiện dự án tái cấu trúc toàn bộ Tập đoàn cho 10 năm đến, trong đó người cầm cương ban chiến lược chính là ông Lý Xuân Hải.

Bầu Đức chật vật xoay vần đến bao giờ? - Ảnh 2.

Biến động cổ phiếu HAG thời gian qua.

Lợi nhuận tăng, song biên cũng chỉ ở mức 1%

Về kinh doanh, năm 2017 Tập đoàn ghi nhận lãi ròng trở lại, từ âm hơn 1.300 tỷ đã thu về gần 70 tỷ đồng tiền lời là một thành tích đáng kể. Tuy nhiên, nếu xét trên hiệu suất kinh doanh vẫn còn khá rệu rã. Biên lợi nhuận 2017 ghi nhận dương về mức 1% (cuối năm 2016 âm hơn 18%), mức ROA và ROE vẫn dưới 0,5, EPS đâu đó cũng chỉ 800 đồng!

Mặt khác, nhìn vào bức tranh kinh doanh của HAGL giai đoạn 2006-2017, dễ dàng bắt gặp sự biến động lên xuống của biên lãi đi cùng với những thay đổi về chiến lược kinh doanh trọng tâm. Điểm lại, năm 2008-2011, với lợi thế từ quỹ đất lớn, HAGL liên tục thu lợi lớn từ BĐS, thậm chí bầu Đức còn chơi ngông phá giá căn hộ 50% khiến nhiều đơn vị cùng ngành điêu đứng. Giai đoạn BĐS đóng băng, HAGL vẫn thu mạnh từ khoáng sản khi bán quặng cho Trung Quốc với giá tốt, hay dự án thủy điện cũng được đưa vào trọng tâm nguồn thu. Bước sang năm 2013, 20.000 ha cao su đi vào khai thác tiếp tục đưa HAGL "rảo" bước trên đà tăng trưởng. Đến giai đoạn 2015-2016, trong cơn bĩ cực nợ nần chính doanh thu từ nuôi bò làm "phao" cứu sinh cho HAGL.

Bầu Đức chật vật xoay vần đến bao giờ? - Ảnh 3.

Và bước sang năm 2018 tức năm thứ 3 trong đề án tái cấu trúc, HAGL dự kiến doanh thu thuần đạt 6.217 tỷ và lợi nhuận gộp 2.766 tỷ đồng, trong đó mảng cây ăn trái đóng góp đến 80%. Tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 200 tỷ đồng.

Phân tích sâu, người đứng đầu HAGL cho biết với lợi thế quy mô hơn 13.500 ha, Tập đoàn có thể làm việc trực tiếp với đối tác nước ngoài để cắt giảm các khâu trung gian, cải thiện biên lợi nhuận. Đáng chú ý, Chủ tịch HAGL còn khẳng định ngân hàng sẽ sớm cho Tập đoàn vay trở lại, thậm chí giảm lãi; với cơ cấu vốn hiện tại điều này nghe có vẻ không khả thi, hoặc nếu có thì cũng phải mất vài năm nữa!

Và một vấn đề cuối cùng liên quan đến câu chuyện tin hay không tin bầu Đức rằng HAGL sẽ trở lại vị thế 10 năm với trọng tâm là cây ăn trái, chính là những gì doanh nhân này đã làm được. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, sớm có quyết tâm đổi đời, bầu Đức đã thực hiện hóa giấc mơ tậu máy bay riêng cho mình. Trong kinh doanh, ông cũng là người thấu hiểu bản chất của các lĩnh vực kinh doanh, từ lĩnh vực cơ bản là gỗ, bầu Đức đã đưa HAGL đến thị trường BĐS với tỷ suất lợi nhuận lên đến hàng trăm phần trăm trong thời kỳ tăng trưởng mạnh năm 2007, cao su thì Việt Nam nằm trong top 5 các nước có sản lượng cao su tự nhiên hàng đầu thế giới những năm 2010-2011…

Và hôm nay, thị trường cây ăn trái cũng được đánh giá rất cao với biên lợi nhuận dao động từ 35-77%. Riêng với chuối, ông Đức khẳng định là loại quả mang lại hiệu quả cao, nhu cầu thị trường lớn, trong đó Trung Quốc chiếm 80%, đến Hàn Quốc và Nhật nên đươc xếp vào nhóm cây triển vọng trong tương lai. Hiện, HAGL cũng đã bắt tay với Thế giới Di động trong khâu phân phối sản phẩm chuối.

Bầu Đức chật vật xoay vần đến bao giờ? - Ảnh 4.

Sản phẩm chuối của HAGL được bày bán.

Tựu trung, chiến lược cốt lõi và dài hạn của HAGL chưa được thể hiện rõ, việc phân sức đầu tư có làm giảm sức cạnh tranh của HAGL so với các đối thủ chỉ có một lĩnh vực cốt lõi vẫn là câu hỏi lớn đặt ra cho ông chủ Tập đoàn này. Nếu xét trên yếu tố nhân lực, bầu Đức theo nhận định là một người có tâm và tài. Hơn hết, ông đang đặt cược tất cả vào HAG, "có Chủ tịch nào làm được như tôi", bầu Đức nhắn nhủ cổ đông hãy tiếp tục tin tưởng Tập đoàn vì chính ông đang làm hết sức có thể.

Nói đi cũng phải nói lại, kinh doanh muốn thành công bên cạnh "nhân hòa", phải có "thiên thời địa lợi", tương lai HAGL vẫn đang chia làm hai luồng quan điểm: (1) ủng hộ quyết định đi vào mảng nông nghiệp của bầu Đức, (2) lợi nhuận làm ra chỉ bằng nửa tiền trả lãi vay, đến bao giờ HAGL mới "ngóc đầu" lên nổi?

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên