MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu Đức quyết đổi đời với ‘heo ăn chuối’ còn đây là cách 'vua thịt lợn' Trung Quốc gây dựng đế chế trăm tỷ USD từ số 0 tròn trĩnh

08-10-2022 - 13:35 PM | Thị trường

Được mệnh danh là Steve Jobs của “ngành công nghiệp giết mổ”, Wan Long đã biến một nhà máy thịt lợn quy mô nhỏ làm ăn thua lỗ trở thành cơ sở chế biến thịt lớn nhất Trung Quốc, lọt vào top 500 thế giới với vốn hóa thị trường 8,35 tỷ USD.

Bầu Đức và 10 năm loay hoay tìm hướng đi - quyết tâm trở lại với "Heo ăn chuối"

Từ năm 2008 đến nay, bầu Đức cùng tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã trải qua hơn 10 năm 'thăng trầm' cùng nông nghiệp, đầu tư từ cây cao su, cây mía cho đến chăn nuôi bò nhưng đều không cho kết quả.

Lần trở lại này, bầu Đức tuyên bố "sẽ không để HAGL ngã ngựa lần nữa" với tham vọng mở 1.000 cửa hàng Bapi Foods, 1 triệu con heo và 5 triệu con gà ăn chuối.

Bầu Đức quyết đổi đời với ‘heo ăn chuối’ còn đây là cách vua thịt lợn Trung Quốc gây dựng đế chế trăm tỷ USD từ số 0 tròn trĩnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bầu Đức đặc biệt nhấn mạnh đến hệ sinh thái 1 cây-1 con: chuối - heo & gà theo mô hình tuần hoàn.

Nhờ quỹ đất lớn, chọn đúng “cây và con” và theo mô hình tuần hoàn nên HAGL tạo được lợi thế cạnh tranh. Công ty của bầu Đức ra mắt sản phẩm "Heo ăn chuối Bapi" vào tháng 3, tính đến tháng 6 đã tiêu thụ tổng cộng 82.529 con heo thịt, doanh thu ngành chăn nuôi đạt 439 tỷ đồng. Tập đoàn này dự kiến sản lượng heo xuất bán nửa cuối năm tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm. Theo bầu Đức, nợ của tập đoàn từ đỉnh 28.000 tỉ đồng xuống còn 8.000 tỉ đồng.

Ban lãnh đạo HAGL kỳ vọng doanh thu từ sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để tập đoàn trả nợ và mở rộng kinh doanh.

Mong muốn làm giàu từ chăn nuôi heo không chỉ có một mình bầu Đức, rất nhiều doanh nhân đã thành công và trở thành tỷ phú với thị trường đầy tiềm năng này. Trong đó, không thể không nhắc đến Wan Long - ông trùm của "đế chế" sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới.

Bản lĩnh để gây dựng nên “gã khổng lồ” ngành thịt

Wan Long là một nhân vật hàng đầu trong ngành công nghiệp thực phẩm kiêm cha đỡ đầu của ngành công nghiệp thịt Trung Quốc. Ông đã đưa thịt nguội sản xuất tại các nhà máy sản xuất ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á vào thị trường nội địa trong nước với 100.000 nhân viên, doanh thu năm 2021 là hơn 200 tỷ NDT (theo Nikkei Asia).

Tỷ phú kiêm doanh nhân Wan Long đi lên từ một nhân viên trẻ vô danh trở thành Giám đốc nhà máy được toàn thể nhân viên ủng hộ, sau đó nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ông được mệnh danh là “God of Cookery” và thậm chí được gọi là Steve Jobs của “ngành công nghiệp giết mổ”.

Về hoạt động kinh doanh, ông đã lãnh đạo nhà máy thịt Luohe từng có khoản nợ khổng lồ, từng bước vực dậy kinh doanh, mở rộng thị phần, đánh bại công ty đầu ngành lúc bấy giờ và cuối cùng phát triển thành công ty thịt lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường là 8,35 tỷ USD.

Bầu Đức quyết đổi đời với ‘heo ăn chuối’ còn đây là cách vua thịt lợn Trung Quốc gây dựng đế chế trăm tỷ USD từ số 0 tròn trĩnh - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Là một người có tầm nhìn xa trộng rộng, khả năng nắm bắt xu hướng mạnh mẽ, dám đi ngược lại với lẽ thông thường, Wan Long đã có những đề xuất táo bạo thay đổi cả cuộc đời. Năm 1983, công cuộc cải cách giá cả đã đẩy giá thịt lợn lên cao. Quản lý nhà máy cho rằng đây là cơ hội tốt nên đã tích trữ 1.500 tấn thịt lợn và đợi đến dịp Tết mùa xuân bán đi với giá cao.

Wan Long lại không nghĩ vậy. Ông dự đoán vào thời điểm lễ hội mùa xuân, giá thịt lợn sẽ giảm mạnh. Quả thật, giá thịt lúc bấy giờ đã giảm 20% trong nửa tháng. Kể từ đó, được sự tin tưởng từ ban lãnh đạo công ty, ông từng bước thăng tiến trong cuộc bầu cử ban lãnh đạo và dưới sự ủng hộ của 800 nhân viên, Wan chính thức kế nhiệm vị trí giám đốc nhà máy.

Dưới sự lãnh đạo của Wan Long, nhà máy Luohe không ngừng nâng cấp công nghệ, chú ý đến chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị chuyển đổi của thịt trong ngành công nghiệp truyền thống.

Năm 1989, Wan Long thành lập thương hiệu “Shuanghui”. Vào tháng 2 năm 1992, sản phẩm xúc xích giăm bông thương hiệu "Shuanghui" đầu tiên được tung ra thị trường. Ông Wan đã đầu tư rất nhiều tiền bạc trong vài năm qua để thâm nhập thị trường giăm bông, đánh bại người dẫn đầu ngành Chundu với thị phần lên tới 70%.

Năm 1997 nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khiến hầu hết các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, “cuộc chiến hạ giá” ngày càng cam go và đối thủ của Shuanghui là Chundu cũng không ngoại lệ. Ngược lại, thương hiệu thịt của doanh nhân họ Wan đã đi theo hướng khác khi tung ra các sản phẩm cao cấp “Shuanghui King Zhongwang” sử dụng thịt tươi từ lợn địa phương làm nguyên liệu với hàm lượng thịt thật lên đến 90%.

Vào tháng 12 năm 1998, Shuanghui Industrial (nay được gọi là Shuanghui Development) đã được niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến với giá trị thị trường là 2 tỷ NDT và là cổ phiếu công ty chế biến thịt đầu tiên của Trung Quốc ra đời.

Bầu Đức quyết đổi đời với ‘heo ăn chuối’ còn đây là cách vua thịt lợn Trung Quốc gây dựng đế chế trăm tỷ USD từ số 0 tròn trĩnh - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, hành trình trở thành “gã khổng lồ” của ngành thịt thế giới không hề dễ dàng và phủ đầy hoa tươi. Năm 2011, Shuanghui đã suýt bị “quật ngã” vì sự cố "Clenbuterol" trong các sản phẩm thịt của hãng bị phanh phui. Clenbuterol là một chất tạo nạc cho động vật, có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh ung thư hoặc các bệnh lý khác ở người như ngộ độc cấp, run cơ, đau tim, tim đập nhanh, tăng huyết áp, choáng váng… nếu sử dụng với số lượng quá liều.

Sự việc đã khiến hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp bị tổn hại nghiêm trọng. Ông Wan Long đã quyết định chi hơn 200 triệu Nhân dân tệ mỗi năm để thực hiện một loạt cải cách nhằm nâng cao an toàn thực phẩm, bao gồm cả việc kiểm tra nghiêm ngặt mọi con lợn sống nhập vào Shuanghui. Nhờ có sự thay đổi kịp thời, ông đã dần dần tìm lại được niềm tin của người dùng và vực lại doanh nghiệp.

Những quyết sách của một huyền thoại

Trong suốt sự nghiệp cả đời, vị doanh nhân đã thực hiện hai việc lớn mà ông cho rằng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành. Một là giới thiệu dây chuyền sản xuất thịt tươi nguội đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1999 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc quản lý thương hiệu thịt tươi lạnh và hai là mở chuỗi cửa hàng thịt và thay đổi mô hình truyền thống.

Wan Long có một câu nói nổi tiếng: “Sử dụng vốn chứ không phải kiểm soát vốn”. Ông được các công ty đầu tư hàng đầu như Goldman Sachs và CDH nhận xét là “bậc thầy về thủ thuật”. Quá trình thay đổi nhanh chóng do Wan thực hiện đã thúc đẩy thành công sự phát triển của công ty và giữ vững vị thế tuyệt đối trong ngành công nghiệp thịt.

Sau tái cấu trúc, từ năm 2006 đến năm 2010, doanh thu của tập đoàn đã tăng vọt từ 20 tỷ lên 50 tỷ NDT.

Bầu Đức quyết đổi đời với ‘heo ăn chuối’ còn đây là cách vua thịt lợn Trung Quốc gây dựng đế chế trăm tỷ USD từ số 0 tròn trĩnh - Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Năm 2013, Wan Long đưa ra quyết định gây chấn động thị trường toàn cầu khi thông báo Shuanghui International (nay đổi tên thành WH Group) chi 4,7 tỷ USD để mua lại công ty thực phẩm thịt lợn lớn nhất thế giới Smithfield. Vào thời điểm đó, đây được ghi nhận là vụ thu mua một trong số những công ty lớn nhất của Mỹ bởi một doanh nghiệp Trung Quốc.

Năm 2014, Wanzhou International đã tổng hợp hơn 100 công ty từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu để niêm yết tại Hồng Kông, trở thành công ty thực phẩm thịt lợn lớn nhất thế giới. Năm 2016, WH Group lọt vào danh sách Fortune Global 500 trở thành công ty thực phẩm nội địa duy nhất trong danh sách.

Tới thời điểm này, không gì có thể thay thế vị trí “gã khổng lồ” ngành thịt của WH Group trong tay tỷ phú Trung Quốc và đây chính là huyền thoại của các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường heo thịt.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên