MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bầu Hiển và ông lớn logistics Singapore "tính toán" điều gì tại siêu cảng cạn ICD Vĩnh Phúc 200 triệu USD?

14-12-2022 - 10:23 AM | Doanh nghiệp

Bầu Hiển và ông lớn logistics Singapore "tính toán" điều gì tại siêu cảng cạn ICD Vĩnh Phúc 200 triệu USD?

Bà Chan Yoke Ping - CEO của T&Y SuperPort Vĩnh Phúc nhấn mạnh, vấn đề chi phí hậu cần cao tới 20-25% GDP tại Việt Nam không thể được giải quyết bằng một giải pháp đơn lẻ.

Nhắc đến lĩnh vực logistics của Tập đoàn đa ngành T&T Group mà ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT, người ta thường nghĩ đến cảng Quảng Ninh - cảng nước sâu quốc tế với sản lượng bốc xếp trung bình năm đạt khoảng 7,5 triệu tấn. Tuy nhiên, Trung tâm logistic ICD Vĩnh Phúc (SuperPort Vĩnh Phúc) hay còn gọi là “siêu cảng ICD” - liên doanh T&Y SuperPort Vinh Phuc giữa T&T Group và Tập đoàn YCH (Singapore) khởi công vào cuối năm 2021 đã thành tâm điểm mới.

Nằm tại huyện Bình Xuyên – “thủ phủ” khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc, siêu cảng cạn ICD này sở hữu một vị trí chiến lược khi được bao bọc bởi Đường tỉnh 310B, sông Cầu Bòn và hành lang đường sắt Hà Nội – Lào Cai, kết nối thuận tiện đến sân bay Quốc tế Nội Bài, cảng biển Cái Lân (Quảng Ninh), cảng biển Hải Phòng và cửa khẩu Lạng Sơn.

Bầu Hiển và ông lớn logistics Singapore tính toán điều gì tại siêu cảng cạn ICD Vĩnh Phúc 200 triệu USD? - Ảnh 1.

Thiết kế "siêu cảng cạn" mà T&T và YCH liên doanh đầu tư

Theo giới thiệu, siêu cảng ICD Vĩnh Phúc có diện tích quy hoạch hơn 83ha, vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD và công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm. Siêu cảng có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot – ICD) với hệ thống điều khiển ứng dụng công nghệ IoT cùng các robot tự động hóa hoạt động trong kho hàng.

Bà Chan Yoke Ping, CEO của T&Y SuperPort Vĩnh Phúc đánh giá, sự dịch chuyển của các nhà sản xuất lớn từ Trung Quốc sang Việt Nam hiện nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho hoạt động vận tải xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, ví dụ như nguyên vật liệu thô và các cụm lắp ráp.

“Khi Việt Nam đang vươn lên thần tốc như một trung tâm sản xuất của thế giới, nhu cầu xuất khẩu cả bằng đường hàng không và đường biển sẽ tăng lên đáng kể. Cơ hội giao nhận hàng hóa sẽ rất nhiều” – Bà Chan Yoke Ping nói.

Bầu Hiển và ông lớn logistics Singapore tính toán điều gì tại siêu cảng cạn ICD Vĩnh Phúc 200 triệu USD? - Ảnh 2.

Bà Chan Yoke Ping, CEO của T&Y SuperPort Vĩnh Phúc

Chi phí logistics cao vẫn là vấn đề đau đầu tại Việt Nam, lên tới 20-25% GDP, trong khi tỷ lệ này của các nước láng giềng trong khu vực chỉ bằng một nửa. Những chi phí này càng lớn hơn kể từ năm 2020 khi xảy ra sự gián đoạn do đại dịch Covid 19. Để cạnh tranh, Việt Nam đặt mục tiêu giảm chi phí logistics xuống 16-20% GDP.

Theo bà Chan Yoke Ping, việc chi phí hậu cần cao không thể được giải quyết bằng một giải pháp đơn lẻ khi nó đối mặt nhiều thách thức như: thiếu cơ sở hạ tầng, quy trình vận hành và hệ thống quản lý thiếu hiệu quả (cả trong các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp), thiếu chuyên gia hậu cần lành nghề, năng lực kho bãi hạn chế… Các yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị hậu cần đã không được kết nối một cách đầy đủ và hiệu quả.

Trong lĩnh vực Logistics, điều làm nên lợi thế cho một doanh nghiệp là phải tạo ra giá trị cho người dùng, có thể là trong việc cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng, thời gian thực hiện, chi phí, hiển thị theo dõi... cũng như bí quyết vận hành. Mô hình ICD hoặc trung tâm hậu cần cần phải có giải pháp tích hợp các tính năng trong trong hệ sinh thái dịch vụ cho người dùng.

Chính vì thế, khi đầu tư “siêu cảng cạn”, kế hoạch của YCH và T&T là xây dựng hệ sinh thái với cơ sở hạ tầng và năng lực kết nối đa phương thức từ sân bay, cảng biển, đường sắt và đường bộ. Khi đó, họ sẽ cung cấp được một quá trình kết nối liền mạch tất cả các cửa khẩu ở Việt Nam và dài hơn nữa cho các nhà cung cấp, nhà sản xuất và khách hàng.

Cũng theo lãnh đạo này, hiệu quả của hệ sinh thái còn được quyết định bởi hệ thống phần mềm, trung tâm điều khiển và hệ thống tự động hóa để mang lại các giải pháp phù hợp trong chuỗi cung ứng cho các bên liên quan trong hệ sinh thái, giảm chi phí hậu cần.

Được biết, công trình đầu tiên của “siêu cảng cạn” đã được hoàn thành vào tháng 9/2022. Đây là nhà ga hàng hóa ngoài sân bay nhằm cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa hàng không cho các khu công nghiệp xung quanh với mục tiêu giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các sân bay vào mùa cao điểm. T&Y dự đoán nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ tăng lên khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử thành lập nhà máy tại Việt Nam.

Tại Singapore, YCH đã xây dựng một mô hình logistics nổi tiếng là Thành phố Chuỗi cung ứng (Supply Chain City - SCC), được khai trương từ tháng 9/2017 tại vị trí chiến lược trong Khu Đổi mới Jurong. SCC đầu tư cực lớn về mặt công nghệ và được ví như một Thung lũng Silicon nhỏ phục vụ ngành hậu cần logistics. Đây là một thành phố tự động hóa bằng máy móc, hoạt động 24/7.

Bằng công nghệ, trong bối cảnh ngành hậu cần của Singapore chịu áp lực về đất đai, nhân lực thì Thành phố Chuỗi cung ứng đã tăng năng suất và tốc độ trong chuỗi cung ứng lên hàng trăm lần. Cùng với hệ thống cảng đồ sộ và hiện đại của Singapore, SCC giúp củng cố vị trí trung tâm hậu cần lớn nhất thế giới của quốc đảo này.

Bà Chan Yoke Ping cho rằng sự ra đời của Siêu cảng cạn ICD Vĩnh Phúc sẽ là tiền đề để xây dựng Thành phố Chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

“Sau thành công của Supply Chain City tại Singapore, chúng tôi tự tin rằng mình có thể làm điều tương tự tại Việt Nam, để tạo ra sự kết nối cho đất nước và hơn thế nữa”.

Lan Hạ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên